'Lều tình yêu' cho cha mẹ Trung Quốc theo con vào đại học

Theo báo New York Times, từ năm 2012, Đại học Thiên Tân đã có dịch vụ 'lều tình yêu' miễn phí, nhằm giúp các gia đình nghèo 'lều chõng' theo con vào đại học.

Sau đó, nhiều đại học ở Trung Quốc noi theo mô hình này, nhưng cũng gây tranh cãi rằng các phụ huynh đang quá cưng chiều, phá tính độc lập của những đứa con một, hậu quả của chính sách một con từng được nhà nước Trung Quốc thông qua năm 1979, đến năm 2016 mới kết thúc.

Các thế hệ nhiều tuổi hơn từng nếm mùi đói nghèo và sự hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa (từ năm 1966-1976) đã chỉ trích việc phụ huynh của đàn em phải đi xa vất vả để sống trong “lều tình yêu”, nói họ nuôi dạy con như “hoàng tử, công chúa” và không biết chịu khó.

Thế hệ trẻ hơn lớn lên khi Trung Quốc phát triển kinh tế nóng, nói họ đã có thể tự lo cho bản thân. Cuộc tranh luận này phản ánh sự thay đổi chóng mặt ở Trung Quốc, cùng những sự thay đổi về môi trường đại học. Hiện nhiều thanh niên-thanh nữ Trung Quốc là những người đầu tiên trong gia đình đậu đại học.

Vài năm gần đây, chính phủ Trung Quốc mở hàng trăm trường đại học, số người học tăng lên 37,8 triệu sinh viên hồi năm 2017, tức tăng hơn 20% kể từ năm 2010. Đại học Thiên Tân là một trong những trường đại học xưa nhất Trung Quốc với hơn 17.000 sinh viên theo học. Ở đây, có hơn 1.000 phụ huynh sống trong “lều tình yêu” đặt trong nhà tập thể dục.

Các phụ huynh nói họ đăng ký tạm trú trong lều, vì họ căng thẳng chuyện con đi học quá xa và không thể hưởng những tiện nghi ở các thành phố lớn. Trong khu lều, mọi người thay nhau đi đánh răng rửa mặt ở nhà vệ sinh, nhưng họ vất vả nói chuyện với nhau, vì có nhiều người ở nhiều vùng có thổ ngữ khác nhau. Họ cố gắng bàn chỗ ăn sáng giá rẻ nhất, nơi bán nệm giá rẻ và so sánh điểm đậu cao khảo của con cái, cách khuyến khích con chọn các ngành học dễ kiếm nhiều tiền.

Họ sẵn sàng nấu cho con tô mì, mua cục xà bông hoặc lau sàn phòng của con. Ba-lô của họ chứa đầy giấy vệ sinh và họ cũng sẵn sàng “tư vấn” về nhiều vấn đề, từ giá chấp nhận được của những chiếc bánh bao hấp (1,50 USD/chiếc), ngành học nào giúp có nghề hái ra tiền nhiều nhất (kỹ sư được ưa chuộng) cho đến chuyện hẹn hò trai-gái (tốt nhất là đừng yêu đương khi đang học).

Nhiều phụ huynh ở vùng nông thôn, làm nông dân, giáo viên hoặc thợ nề. Qi Hongyu làm ruộng rồi làm hiệu trưởng một nhà trẻ ở tỉnh Giang Tô (đông Trung Quốc) nói ông đến Thiên Tân vì tự hào con gái là sinh viên, và “tôi cũng muốn biết đại học trông thế nào. Con tôi thực hiện ước mơ của tôi”.

Qi nói con ông và bạn cùng khóa đã có cuộc sống khá hơn thế hệ cha-ông, nhưng ông hy vọng thế hệ con cháu sống xa nhà thì sẽ độc lập hơn: “Chúng lớn lên ở nhà quê, chỉ biết học, không biết đời thực là thế nào”.

Yang Luping, giáo viên dạy tiếng Anh ở một vùng quê Trung Quốc, nói con gái bà đã học được cách giặt quần áo khi đã là sinh viên. Bà còn nhận mình là “hổ mẹ” đã làm việc suốt nhiều năm để bảo đảm con gái đậu vào trường tốt.

Đối với nhiều cha mẹ, việc con sống trong ký túc xá là cơ hội để siết kỷ luật. Nữ nông dân Ding Hongyan rất lo cho cậu con 18 tuổi Yang Zheyu có thể đi lạc ở thành phố cảng Thiên Tân và có nhiều điểm giải trí. Bà kể con bà có vẻ nghiện điện thoại di động, chơi games và thích đọc ngôn tình, nên “tôi đã cấm chơi games, không chơi với bạn lười biếng và không yêu đương hẹn hò với bọn con gái”.

Yang cho biết trong năm đầu, mẹ lo chu tất mọi vật dụng cá nhân, từ bàn chải, kem đánh răng đến áo ấm, sách tự điển và 4 đôi giày. Hai mẹ con đi xe lửa và xe đò hơn 36 giờ từ tỉnh Hồ Bắc đến Thiên Tân. Và từ trong “lều tình yêu”, người mẹ hứa giữ liên lạc bằng điện thoại và ứng dụng tin nhắn WeChat.

Bích Ngọc (theo New York Times)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/leu-tinh-yeu-cho-cha-me-trung-quoc-theo-con-vao-dai-hoc-97566.html