LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V – Nơi hội tụ những bộ phim danh giá

Một loạt tác phẩm từng giành nhiều giải thưởng tại các LHP Quốc tế danh giá trên thế giới sẽ có mặt tại LHP Quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ V.

Đây là những bộ phim thuộc các chương trình đặc sắc của HANIFF năm nay như: Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan, Chương trình phim Iran, Chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới…

Bức tranh đa sắc màu

Những tác phẩm đặc sắc được lựa chọn trình chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội V đã khái quát bức tranh điện ảnh thế giới đương đại với tất cả tinh hoa về văn hóa, xã hội, con người của từng quốc gia – nơi bộ phim ra đời.

A fantastic woman (2017) của đạo diễn Chile, Sebastían Lelio, được ví như “một bộ phim tuyệt vời về một người phụ nữ kỳ diệu”. Bộ phim đã giành giải Oscar - Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, Oscar lần thứ 90 (3/2018); Giải “Teddy Award – Best Feature Film” (Giải thưởng điện ảnh quốc tế dành cho các bộ phim có chủ đề LGBT, được giới thiệu bởi Ban giám khảo độc lập của LHP QT Berlin) cho đạo diễn Sebastían Lelio và giải Gấu Bạc cho biên kịch Sebastían Lelio và Gonzalo Maza cũng tại LHP Quốc tế Berlin 2017; Giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất – Giải Tinh thần độc lập (Independent Spirit Awards), 2018.

Trong thời đại mà con người càng ngày càng xa cách nhau, A Fantastic Woman là cây cầu kết nối giữa sự thiếu hiểu biết và hiểu biết thông qua sức mạnh siêu việt của nghệ thuật điện ảnh. Đó là một bộ phim về sự khoan dung, chấp nhận và thấu cảm. “Fantastic” là từ duy nhất phù hợp cho phim, các từ khác đều không có ý nghĩa gì cả.

A Ciambra (2017) của đạo diễn người Italia, Jonas Carpignano, vừa giống như một truyện ngụ ngôn vừa có kết cấu như phim tài liệu. Phim lấy bối cảnh Rome, các diễn viên tham gia trong phim đều là những nghệ sỹ nghiệp dư đóng vai chính mình. Phim đã giành giải Europa Cinemas Label Award tại LHP Cannes lần thứ 71 (5/2018) và là đại diện của Italia tham dự vòng loại Oscar lần thứ 90, hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

Ida (2014) của đạo diễn Ba Lan Paweł Pawlikowski đã giành được cơn mưa giải thưởng. Trong đó có: Giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, Oscar lần thứ 87, 2015; được European Film Academy (Học viện điện ảnh châu Âu) chọn lựa vào danh sách Best Film – Những bộ phim hay nhất năm 2014. Phim được đề cử ở 7 hạng mục và giành 5 giải thưởng trong đó có các giải quan trọng như: Phim châu Âu hay nhất (Best European Film) và Giải khán giả bình chọn (People's Choice Award) tại Giải thưởng Điện ảnh châu Âu lần thứ 27 (27th European Film Awards). Viện Hàn lâm nghệ thuật điện ảnh và truyền hình Anh Quốc (British Academy of Film and Television Arts - BAFTA) bình chọn Ida là “Phim không nói tiếng Anh hay nhất của năm 2014” (Best Film Not in the English Language of 2014). Năm 2016, Ida xếp thứ 55 trong danh sách Những bộ phim hay nhất thế kỷ 21, trong cuộc bình chọn có sự tham gia của 177 nhà phê bình phim từ khắp nơi trên thế giới.

Ida từng tham dự hạng mục Special Presentation tại LHP Quốc tế Toronto và giành giải của Liên đoàn quốc tế báo chí điện ảnh (FIPRESCI). Ngoài ra, Idađạt giải Phim hay nhất (Best Film) tại các LHP: Gdynia, Warsaw, London, Bydgoszcz, Minsk, Gijón, Wiesbaden, Kraków…

Ida được Học viện điện ảnh Ba Lan (Polish Film Academy) bình chọn là phim hay nhất năm 2015, Viện hàn lâm khoa học điện ảnh và nghệ thuật Tây Ban Nha (Spanish Academy of Arts and Cinematographic Sciences) ghi nhận Ida là Phim châu Âu hay nhất (Best European Film) tại Giải thưởng Goya lần thứ 29 (29th Goya Awards).

Taste of Cherry (1997) của đạo diễn Iran Abbas Kiarostami, bộ phim quen thuộc với các tín đồ điện ảnh đã giành Giải Cành cọ Vàng LHP Cannes 1997 trong khi “người đồng hương” của nó, cũng hấp dẫn và nổi tiếng không kém, The Salesman (2016 – đạo diễn Asghar Farhadi) đã đoạt giải Kịch bản hay nhất cho biên kịch kiêm đạo diễn Asghar Farhadi và giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Shahab Hosseini tại Cannes 2016.

Một cảnh trong phim Salesman

Trước đó, một “tiếng nói Iran” khác là White balloon (1995, đạo diễn Jafar Panahi) đã giành giải Camera Vàng, Cannes 1995. Tờ The Guardian đã bình chọn White balloon là một trong 50 bộ phim gia đình xuất sắc nhất mọi thời đại.

Một cảnh trong phim White balloon

Tựa phim lấy cảm hứng từ biểu tượng White balloon (Bóng trắng) - Biểu tượng ủng hộ những thanh thiếu niên bị lạm dụng tình dục, qua đó bày tỏ cảm thông với gia đình, cha mẹ, và nạn nhân.

The Pianist (2012) - bộ phim gây xúc động mạnh mẽ của đạo diễn Roman Polanski và là tác phẩm kinh điển về chủ đề trại tập trung, nạn diệt chủng đã giành giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2002. Ngoài ra, phim đã đoạt 3 giải Oscar quan trọng gồm: Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 75. The Pianist cũng đã giành giải Phim hay nhất và giải Đạo diễn xuất sắc nhất do Viện Hàn lâm nghệ thuật và điện ảnh truyền hình Anh quốc trao tặng năm 2003. Phim đạt 7 giải thưởng điện ảnh Césars danh tiếng của Pháp trong đó có 3 giải quan trọng gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Diễn viên nam chính xuất sắc nhất.

3 bộ phim của đạo diễn lừng danh Andrzej Wajda tại LHP Quốc tế Hà Nội V

Đó là các phim: Ashes and diamonds (1958), Promised land (1975) và Tatarak (2009). 3 kiệt tác này nằm trong chương trình “Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan” và là những dấu son trong sự nghiệp của Andrzej Wajda.

Ashes and diamonds là tác phẩm cuối cùng trong bộ ba phim về chiến tranh của Wajda, sau A Generation (1954) và Kanal (1956). Ashes and Diamonds được các nhà phê bình phim đánh giá một trong những kiệt tác vĩ đại của điện ảnh Ba Lan. Hai nhà làm phim nổi tiếng của Hollywood Martin Scorsese và Francis Ford Coppola coi đây là một trong những phim yêu thích của họ. Phim được các nhà phê bình điện ảnh của The Village Voice (tờ báo nổi tiếng và uy tín về lĩnh vực văn hóa, tin tức ở Mỹ) xếp thứ 86 trong danh sách những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất thế kỷ 20. Tác giả Richard Pena, trong cuốn sách “1001 bộ phim bạn phải xem trước khi chết” đã đánh giá cái kết của Ashes and Diamonds là một trong những màn kết phim cuốn hút nhất và thường xuyên được trích dẫn trong lịch sử điện ảnh. Năm 2010, tạp chí chuyên ngành điện ảnh của Mỹ, Empire, xếp hạng 38 cho phim trong danh sách 100 bộ phim xuất sắc của điện ảnh thế giới (The 100 Best Films Of World Cinema).

The Promised land đã giành giải Vàng tại LHP QT Moscow lần thứ 9 được tổ chức vào năm 1975 và được đề cử Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất Oscar 1976.

Một cảnh trong phim The Promised land

Tatarak (tên tiếng Anh Sweet Rush) giành giải Alfred Bauer Prize tại LHP Quốc tế Berlin lần thứ 59. Đây là giải thưởng điện ảnh được giới thiệu tại Liên hoan phim quốc tế Berlin hàng năm cho các bộ phim có triển vọng.

Một cảnh trong phim Tatarak

Giới thiệu 3 bộ phim của đạo diễn Andrzej Wajda

Ashes and Diamonds – Tro tàn và Kim cương (1958)

Ashes and Diamonds (Tiếng Ba Lan: Popíoł i diament) do đạo diễn Andrzej Wajda thực hiện, kịch bản dựa trên tác phẩm văn học xuất bản năm 1948 của nhà văn Ba Lan Jerzy Andrzejewski. Maciek và Andrzej là hai sỹ quan của quân đội Ba Lan. Họ được giao nhiệm vụ ám sát một cán bộ cộng sản cấp cao. Tại khách sạn, nơi tổ chức bữa tiệc chào đón nhân vật này, Maciek đã gặp Krystyna và hai người có một cuộc tình tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng cuồng nhiệt trước khi anh bị kéo ra khỏi hạnh phúc thoáng qua này để thực thi nhiệm vụ của mình… Tiêu đề của cuốn tiểu thuyết của Jerzy Andrzejewski (đồng thời là tác giả kịch bản phim) được lấy từ một câu thơ: “Liệu có còn lại trong đống tro tàn/ Một viên kim cương giống như vì sao/Lấp lánh bình minh của chiến thắng đời đời?” Wajda không cố gắng trả lời câu hỏi đó. Và sự mơ hồ này của bộ phim đã khiến nó trở nên hấp dẫn hơn. “Khi bạn xem Ashes và Diamonds, hãy nhớ rằng, bạn không chỉ đang xem một bộ phim mà bạn còn đang nhìn vào một bản tuyên ngôn vốn đã tìm thấy một giọng nói, một khuôn mặt và phát ngôn cho cả một thế hệ bị dối lừa.”

The Promised LandMiền đất hứa (1975)

Thoạt nhìn, giữa những năm 1970 có vẻ như là giai đoạn sáng tạo trầm lắng trong sự nghiệp của đạo diễn nổi tiếng Andrzej Wajda. Bởi bộ ba phim nổi tiếng của ông, kết thúc với Ashes and Diamonds, nói về Thế chiến II đều được hoàn thành trong thập niên 1950. Tuy nhiên, The Promised Land, (tiếng Ba Lan: Ziemia obiecana) lấy bối cảnh thế kỷ 19, dường như chỉ là cột mốc báo hiệu về cuộc rút lui của ông khỏi đề tài mang tính chính trị chứ không phải là sự sụt giảm về nghề nghiệp của Wajda.

Dựa trên cuốn tiểu thuyết 1898 của nhà văn đoạt giải Nobel Wladyslaw Reymont, bộ phim lấy bối cảnh thành phố Lodz ở giữa thời kỳ công nghiệp hóa. Ba người đàn ông hợp tác với nhau để xây dựng một nhà máy dệt, nơi được coi là mô hình thu nhỏ của các tầng lớp xã hội, đa dạng sắc tộc - một sự cân bằng vốn chỉ tồn tại trong tiểu thuyết. Karol là một quý tộc người Ba Lan với tài sản không còn bao nhiêu; Maks là một ông chủ người Đức, sở hữu một nhà máy cũ sắp có nguy cơ đóng cửa; Moryc là một người Do Thái không có gì ngoài các mối quan hệ. Ba người họ xuất hiện tại một vùng đất ngập tràn ánh sáng mà không hề biết viễn cảnh về tương lai của họ sẽ biến mất trong cuộc khủng hoảng chính trị sắp tới.

Sweet RushNgọt ngào vội vã (Tiếng Ba Lan: Tatarak, 2009) - Một bộ phim của Andrzej Wajda về nỗi buồn và trái tim tan vỡ

Nhà văn theo trường phái thần học Stephen Levine đã khuyến cáo rằng chúng ta tạo ra không gian trong nền văn hóa của chúng ta, nơi mọi người có thể cảm thấy đủ an toàn để tự do thể hiện sự đau buồn và mất mát của họ. Đôi khi, một bộ phim có thể làm được điều đó cho chúng ta. Điều này chắc chắn đúng với Sweet Rush của nhà làm phim người Ba Lan Andrzej Wajda. Dựa trên tiểu thuyết của Jaroslaw Iwaszkiewicz, bộ phim xoay quanh nhân vật Marta (Krystyna Janda) là vợ của một bác sĩ (Jan Englert). Một ngày, Marta đến gặp chồng để kiểm tra sức khỏe khi cô thường gặp phải những cơn đau và bị giảm cân. Người chồng choáng váng khi biết rằng vợ anh bị bệnh nan y và chỉ có thể sống trong một thời gian ngắn nữa. Anh quyết định không nói với vợ về tình trạng của cô… “Không có linh hồn đang sống nào có thể đi qua thế giới này mà không phải chịu đựng một trái tim tan vỡ. Không có gì thực sự làm cho cuộc sống không đau đớn. Chấp nhận nỗi đau, biết được rằng trái tim của một người sẽ - và nên - bị phá vỡ, là sự khởi đầu của trí tuệ,” đó là ý nghĩa lớn nhất của bộ phim.

Tất cả các tác phẩm đặc sắc này cùng rất nhiều bộ phim hấp dẫn khác của các quốc gia và vùng lãnh thổ đại diện cho 5 châu lục sẽ được trình chiếu lần đầu tiên và miễn phí trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V.
Trước thềm LHP, Cục Điện ảnh sẽ tổ chức 4 buổi chiếu phim (mỗi tuần/ buổi chiếu/ bộ phim đặc sắc) dành cho các nhà báo.

Minh Khang

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/giai-tri/phim/lhp-quoc-te-ha-noi-lan-thu-v-noi-hoi-tu-nhung-bo-phim-danh-gia-268412.html