LHQ cảnh báo về nạn đói toàn cầu chưa từng có, Nga, phương Tây đổ lỗi nhau

Tổng thư ký LHQ Guterres cảnh báo về nguy cơ thực sự về hàng loạt nạn đói sẽ xảy ra trong năm 2022 và có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn vào năm tới.

Phát biểu trực tuyến tại một cuộc họp cấp bộ trưởng về an ninh lương thực hôm 24-6, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo “nguy cơ thực sự" về nạn đói trong năm 2022, đồng thời thúc giục các quốc gia thực hiện các bước thiết thực để ổn định thị trường lương thực và giảm biến động giá hàng hóa, hãng Reuters đưa tin.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Martial Trezzini/EPA-EFE

“Chúng ta đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng đói chưa từng có. Cuộc xung đột ở Ukraine đã kéo theo những vấn đề phức tạp tồn tại trong nhiều năm qua, đó là sự bất ổn về khí hậu, đại dịch COVID-19 và tình trạng phục hồi không đồng đều" - ông Guterres phát biểu.

Theo đánh giá dựa trên thang đo Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của LHQ, hơn 460.000 người dân ở Somalia, Yemen và Nam Sudan đang trong tình trạng đói kém, trong khi đó hàng triệu người tại 34 quốc gia khác đang trên bờ vực của nạn đói.

IPC là thang đo được các cơ quan của LHQ, các tổ chức khu vực và các nhóm viện trợ sử dụng để xác định tình trạng mất an ninh lương thực.

“Có một nguy cơ thực sự là nhiều nạn đói sẽ xảy ra vào năm 2022. Và năm 2023 tình trạng có thể còn tồi tệ hơn nữa” - ông Guterres nói, đồng thời gọi nạn đói hàng loạt là điều không thể chấp nhận được trong thế kỷ 21.

Theo Tổng thư ký LHQ, các giải pháp cho cuộc khủng hoảng sẽ không hiệu quả trừ khi Nga và Ukraine, hai quốc gia chiếm 29% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, tìm ra cách nối lại các hoạt động thương mại.

G7 đổ lỗi Nga "khơi mào" khủng hoảng an ninh lương thực

Tại cuộc họp cấp bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hôm 24-6, ngoại trưởng các nước đã nhất trí lên án việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã khơi mào cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay, theo hãng thông tấn Kyodo News.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, G7 nhấn mạnh rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, bao gồm việc phong tỏa biển Đen, ném bom các hầm chứa ngũ cốc và cảng biển, đồng thời làm hư hại cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Ukraine”.

Việc Moscow phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua các cảng trên biển Đen đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nước châu Phi và Trung Đông, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

LHQ cảnh báo nguy cơ thực sự về hàng loạt nạn đói sẽ xảy ra vào năm 2022. Ảnh: Siegfried Modola/REUTERS

Tuyên bố nói rằng các bộ trưởng Nhóm G7 “bác bỏ các tuyên truyền và thông tin sai lệch của Nga về các lệnh trừng phạt". Đây được xem là sự đáp trả cáo buộc của Moscow rằng tình trạng khan hiếm lương thực khiến giá cả toàn cầu tăng cao là hậu quả của các lệnh trừng phạt kinh tế của các quốc gia G7 và các nước phương Tây khác.

Theo tuyên bố, tất cả các lệnh trừng phạt của nhóm G7 “bao gồm các trường hợp miễn trừ cho phép các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Nga tiếp cận thị trường toàn cầu”.

Tại cuộc họp, các nhà ngoại giao hàng đầu từ Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Mỹ, cùng với Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ nỗ lực của LHQ nhằm khẩn cấp mở lại tuyến đường biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc, cũng như việc chuyển cây trồng bằng đường bộ, đường sắt tới các thị trường trên thế giới.

Moscow chỉ trích lại phương Tây

Cũng trong ngày 24-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị nhóm các nền kinh tế mới nổi mở rộng (BRICS+), trong đó ông chỉ trích các quốc gia phương Tây đang cố tình gia tăng căng thẳng liên quan tới xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, đài RT đưa tin.

Ông Putin cho biết Nga không cản trở xuất khẩu và chỉ trích “thái độ hoài nghi” của phương Tây đối với nguồn cung cấp lương thực của các quốc gia đang phát triển, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giá cả leo thang.

Tổng thống Nga cũng nói rằng lạm phát gia tăng ở phương Tây là “hậu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô thiếu trách nhiệm”.

Bên cạnh đó, ông Putin nói rằng Nga sẵn sàng cung cấp tuyến đường tự do tới các vùng biển quốc tế đối với các tàu chở ngũ cốc cũng như cho biết thêm rằng Nga đã đạt được “sự hiểu biết” về vấn đề đó với Ban Thư ký LHQ.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga cho rằng phía Ukraine nên dỡ bỏ các bãi mìn tại các cảng biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu và nhấn mạnh “cách tiếp cận mang tính xây dựng từ phía Kiev” là điều cần thiết.

Gần đây, Nga và Ukraine đổ lỗi nhau về chuyện rải mìn tại biển Đen dẫn đến hậu quả việc di chuyển tàu thuyền bị gián đoạn và hoạt động xuất khẩu ngũ cốc bị đình trệ.

Kiev cáo buộc Nga đặt mìn hải quân thời Liên Xô ở biển Azov và biển Đen nhằm làm gián đoạn việc vận chuyển và cung cấp lương thực ra toàn cầu. Nga đổ lỗi cho Kiev về các bãi mìn xung quanh cảng Odessa.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lhq-canh-bao-ve-nan-doi-toan-cau-chua-tung-co-nga-phuong-tay-do-loi-nhau-post686087.html