LHQ lật lại vụ đầu độc Navalny để cảnh báo Nga

Chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) buộc Nga phải chịu trách nhiệm vụ liên quan đến vụ đầu độc bằng Novichok.

Hôm 1/3, các chuyên gia nhân quyền của LHQ đã tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm về âm mưu ám sát nhân vật đối lập Alexei Navalny, đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về việc này, theo Reuters.

Báo cáo viên đặc biệt và chuyên gia về nhân quyền của Liên Hợp Quốc Agnes Callamard. Ảnh: REUTERS

Báo cáo viên đặc biệt và chuyên gia về nhân quyền của Liên Hợp Quốc Agnes Callamard. Ảnh: REUTERS

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ Agnes Callamard và Irene Khan cho biết: “Nỗ lực giết ông Navalny là một phần của các cuộc tấn công nhắm vào các nhà hoạt động đối lập trong và ngoài nước, nhằm gửi một ‘lời cảnh báo’ đến những người bất đồng chính kiến với Moscow.”

Tuyên bố này có phần gay gắt nhằm vào Nga- một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.

"Chúng tôi kết luận rằng Nga phải chịu trách nhiệm cho việc cố ý ám sát ông Navalny. Ông Navalny bị đầu độc bằng một hợp chất rất đặc trưng, chất độc thần kinh Novichok, loại hợp chất khó có thể do một tác nhân phi quốc gia hoặc chính phủ khác sử dụng" - bà Callamard nói trong một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) công bố kết quả điều tra vụ việc nhân vật đối lập Nga bị đầu độc hồi tháng 8/2020.

Vị chuyên gia tái khẳng định quan điểm đã được nhiều nước phương Tây đưa ra liên quan đến vụ việc: “Việc sử dụng chất độc Novichok đã vi phạm các cam kết của Nga theo Công ước Vũ khí Hóa học (CWC). Loại chất độc này được sử dụng nhằm mục đích ám sát ông Navalny và như vậy là vi phạm lệnh cấm giết người tùy tiện."

Theo các báo cáo viên, ông Navalny đang bị chính quyền Nga theo dõi vào thời điểm ông này đột ngột đổ bệnh, vì vậy không có khả năng xuất hiện bên thứ ba nào sử dụng hóa chất để chống lại ông này mà phía Nga không hề hay biết.

Đồng thời các báo cáo viên thừa nhận rằng Pháp, Đức và Thụy Điển đã không trả lời yêu cầu của các công tố viên Nga về vụ của ông Navalny.

Chuyên gia Callamard đề nghị tìm kiếm một cuộc điều tra mới là "cuộc điều tra quốc tế để xác minh sự thật và làm rõ tất cả mọi thứ liên quan đến vụ đầu độc ông Navalny”.

Ông Alexei Navalny và một số nước phương Tây cho rằng các thành viên của các cơ quan đặc nhiệm Nga đã đầu độc ông ta bằng chất độc thần kinh.

Vào tháng 12/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết một cuộc điều tra sơ bộ về vụ việc đã được mở ra nhưng một cuộc điều tra thực tế không thể được khởi động nếu không có tài liệu chứng minh trong khi các nhân chứng và vật chứng đều nằm ở trong tay phương Tây và phe đối lập. Còn họ đã phớt lờ yêu cầu của Nga về sự phối hợp điều tra về vụ việc.

Trong một tuyên bố gần nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay, các nhà báo hay cả các nhân viên của LHQ và Nga đều mong muốn tìm ra sự thật quanh vụ của ông Navalny. Nhưng mọi điều mà Nga có trong tay là không gì cả.

Moscow đã luôn yêu cầu phương Tây đưa ra các bằng chứng và cùng phối hợp nhưng mọi dữ liệu liên quan đều bị Berlin từ chối cung cấp và gửi thẳng tới Cơ quan Cấm vũ khí hóa học quốc tế (OPCW).

Chính khách đối lập Nga Alexei Navalny.

Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng việc bắt giam ông Navalny là “có động cơ chính trị”, đồng thời cam kết ông sẽ có cách tiếp cận mới và cứng rắn với Nga. Tổng thống Mỹ tháng trước nói rằng việc bắt giam ông Navalny là “có động cơ chính trị”, đồng thời kêu gọi thả ông này. Ông Biden cũng cam kết có cách tiếp cận mới và cứng rắn với phía Moscow

Reuters dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết Mỹ dự kiến áp đặt trừng phạt đối với những người bị cho là có liên quan tới vụ đầu độc nhân vật đối lập ở Nga Alexei Navalny. Các nguồn tin không nêu rõ ai là mục tiêu cũng như việc Mỹ sẽ sử dụng các công cụ pháp lý nào để trừng phạt những người có liên quan đến vụ việc.

Trước đó, châu Âu đã công bố trừng phạt 4 quan chức Nga có liên quan đến vụ việc.

Đáp trả tuyên bố của EU, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng, Nga sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt mới của EU liên quan đến vụ Navalny, mà Moscow coi là "bất hợp pháp và tự chuốc lấy thất bại". Nhà ngoại giao không nêu rõ các bước sẽ được thực hiện để đáp trả các lệnh trừng phạt, lưu ý rằng không có tác dụng gì để đưa ra bất kỳ phỏng đoán nào vào thời điểm này.

Ông Grushko nói thêm rằng, Moscow coi phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu về Alexei Navalny là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Nga. Vào ngày 16/2, Tòa này đã ban hành một biện pháp tạm thời có lợi cho Alexei Navalny và thúc giục chính phủ Nga trả tự do cho nhân vật đối lập.

Ủy ban các đại diện thường trực của Liên minh châu Âu (COREPER) cũng đã khởi động một thủ tục kỹ thuật để soạn thảo danh sách các biện pháp trừng phạt mới sẽ được áp dụng trong cơ chế trừng phạt nhân quyền toàn cầu, với các hạn chế mới dự kiến sẽ nhắm vào những người Nga đóng vai trò trong vụ bắt giữ Navalny

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/lhq-lat-lai-vu-dau-doc-navalny-de-canh-bao-nga-3428402/