LHQ nhóm họp trong bối cảnh hợp tác toàn cầu bị đe dọa

Hơn 100 lãnh đạo các quốc gia sẽ có mặt tại trụ sở Liên Hợp Quốc để thảo luận các vấn đề liên quan tới hòa bình và an ninh thế giới trong bối cảnh hợp tác toàn cầu đang bị đe dọa.

Trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương ngày càng lớn mạnh đe dọa sự tồn tại của Liên Hợp Quốc, phiên họp thường niên lãnh đạo các quốc gia của Đại hội đồng diễn ra ngày 24/9 là cơ hội để cộng đồng quốc tế nỗ lực chung tay đối phó với những đe dọa tới hòa bình và an ninh toàn cầu, từ các xung đột ở Trung Đông, tác động của biến đổi khí hậu, cho tới thúc đẩy hy vọng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

133 lãnh đạo thế giới tham dự

Năm nay, 133 nhà lãnh đạo các quốc gia đăng ký tham dự phiên họp Đại hội đồng, tăng lên đáng kể so với con số 114 của năm 2017. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tỏ ra lạc quan khi coi con số nguyên thủ quốc gia tham dự "là minh chứng hùng hồn cho niềm tin của cộng đồng quốc tế vào Liên Hợp Quốc".

Tuy nhiên, các quan chức khác của Liên Hợp Quốc cùng nhiều nhà ngoại giao có cái nhìn thực tế hơn, cho rằng sự tham gia của nhiều lãnh đạo thế giới phản ánh mối lo ngại trước môi trường quốc tế ngày càng hỗn loạn. Những người bi quan này có cái lý của họ.

Thảm họa nhân đạo từ các cuộc chiến tranh ở Trung Đông là một trong các điểm nóng của kỳ họp lần này. Ảnh: AFP.

Thảm họa nhân đạo từ các cuộc chiến tranh ở Trung Đông là một trong các điểm nóng của kỳ họp lần này. Ảnh: AFP.

Cuộc nội chiến 7 năm tại Syria, cùng với cuộc chiến tranh kéo dài sáng năm thứ 3 ở Yemen, đã trở thành thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, có nguy cơ làm bùng phát nạn đói trên diện rộng. Đây sẽ là chủ đề tâm điểm của phiên họp dự kiến diễn ra ngày 24/9, cùng với nhiều điểm nóng khác tại Trung Đông và châu Phi.

Tuần trước, Tổng thư ký Guterres cho biết một trong những vấn đề khiến ông lo ngại nhất, trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa ngày một gia tăng, là tìm ra lời giải cho bài toán đưa 193 quốc gia tới và phối hợp làm việc cùng nhau, như tôn chỉ trong ngày thành lập của Liên Hợp Quốc năm 1945.

"Chủ nghĩa đa phương đang hứng chịu công kích từ nhiều hướng ngay tại thời điểm chúng ta cần tới nó nhất. Trong nhiều lĩnh vực, vì nhiều lý do, niềm tin của người dân vào các thể chế chính trị, niềm tin của các quốc gia vào các đối tác, niềm tin của nhiều người vào các tổ chức quốc tế đang bị xói mòn, điều này là mối đe dọa với chủ nghĩa đa phương", ông Guterres quan ngại.

Thách thức với sự hợp tác toàn cầu

Trong buổi khai mạc kỳ họp 73 Đại hội đồng vào tuần trước, Tổng thư ký Guterres nhận định thế giới đang bước vào thời kỳ đầy thách thức và cần tới vai trò của Đại hội đồng để thể hiện giá trị của hợp tác quốc tế. Câu hỏi đặt ra là liệu sự hợp tác quốc tế như tôn chỉ của Liên Hợp Quốc còn có thể được duy trì?

Phiên Đại hội đồng của lãnh đạo các quốc gia sẽ chứng kiến sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, ngoại trưởng Áo, Hungary cùng nhiều chính trị gia dân túy và cánh hữu khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước Đại hội đồng LHQ năm 2017. Ảnh: AP.

Nguyên cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, bày tỏ lo ngại sự lan tràn của chủ nghĩa dân túy, đàn áp và bất khoan dung. "Một khi chúng ta đã bắt đầu con đường không dung thứ, sẽ rất khó để dừng lại, trừ khi lợi ích chúng ta bị xung đột".

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho biết Tổng thống Trump, với ưu tiên chính sách "Nước Mỹ trước tiên", muốn đưa ra tuyên bố bảo vệ chủ quyền của Mỹ, đồng thời nhắc lại sự phản đối của Mỹ với Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu cũng như gói thỏa thuận quốc tế mới đây về người nhập cư. Những văn bản này đều được coi là biểu tượng thành công của sự hợp tác quốc tế.

"Chúng tôi thực sự tôn trọng chủ quyền của các quốc gia. Nói như vậy không phải để phủ nhận chủ nghĩa đa phương, tuy nhiên chủ quyền quốc gia phải là ưu tiên hàng đầu, chúng tôi luôn đảm bảo sẽ làm như vậy, và có rất nhiều quốc gia đồng ý với chúng tôi", bà Haley phát biểu hôm 20/9.

Tại kỳ họp lần này, thông điệp chống Iran gần như chắc chắn sẽ xuất hiện trong các bài phát biểu của Mỹ. Đại sứ Haley thậm chi tuyên bố "dấu vân tay của Iran" có trên mọi điểm nóng nguy hiểm của thế giới. Điều này đã lập tức bị Tehran bác bỏ.

Tổng thống Trump đưa nước Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran từ hồi tháng 5, tuy nhiên các thành viên khác của nhóm P5+1, gồm Nga, Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc, vẫn ủng hộ thỏa thuận này. Dự kiến, ngoại trưởng 5 nước này sẽ có cuộc gặp kín với ngoại trưởng Iran vào tối ngày 24/9.

"Tất cả đều là vấn đề quan trọng"

Phiên thảo luận toàn thể tại Đại hội đồng dự kiến diễn ra vào ngày 25/9, với bản báo cáo tình hình thế giới của Tổng thư ký Guterres. Sau đó, Tổng thống Trump và Tổng thống Macron sẽ lần lượt có các bài phát biểu. Kết thúc buổi sáng sẽ là bài phát biểu được mong chờ của Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Mỹ, hiện giữ ghế chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng 9, dự kiến sẽ tổ chức hai cuộc họp cấp bộ trưởng về vấn đề hạt nhân. Cuộc họp đầu tiên diễn ra ngày 26/9 sẽ tập trung vào không phổ biến vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, dự kiến sẽ được đích thân Tổng thống Trump điều hành.

"Tôi chắc chắn đó sẽ là cuộc họp được theo dõi nhiều nhất", Đại sứ Haley nhận xét.

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thách thức sự hợp tác tại Hội đồng Bảo an. Ảnh: KCNA.

Trong cuộc họp thứ 2 dự kiến diễn ra ngày 27/9 do Ngoại trưởng Mike Pompeo điều hành, Hội đồng Bảo an sẽ thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Thời gian qua, các thành viên Hội đồng Bảo an cho thấy sự đồng thuận cao khi liên tiếp thông qua các nghị quyết trừng phạt nặng nề chống Bình Nhưỡng.

Trước các diễn biến gần đây, sự đồng thuận này đang đứng trước thách thức về việc các biện pháp trừng phạt có nên được siết chặt, cũng như về các vấn đề rộng hơn như làm thế nào để đạt được phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thời điểm dỡ bò các lệnh trừng phạt.

Tổng thư ký Guterres hoanh nghênh những hội nghị tích cực gần đây giữa lãnh đạo Hàn Quốc - Triều Tiên, tuy nhiên cảnh báo những tiến triển trong quan hệ liên Triều sẽ trở thành vô nghĩa nếu Mỹ và Triều Tiên không thể đi tới một thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

Phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết đã nhận 342 yêu cầu tổ chức các cuộc họp trong tuần lễ cấp cao. Những cuộc họp sẽ tập trung vào các cuộc xung đột tại Syria, Libya, Yemen cũng như tình trạng người tị nạn tại Trung Đông, Đông Nam Á, cuộc chiến chống đói nghèo và bảo vệ môi trường.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết tất cả những vấn đề sắp được thảo luận đều là các vấn đề quan trọng. "Hoạt động này diễn ra hàng năm, nhưng chưa bao giờ nó được chú ý nổi bật như năm nay".

Trong khi đó, Đại sứ Uruguay Elbio Rosselli cho biết vấn đề lớn nhất với quốc gia Nam Mỹ này chính là chủ nghĩa đa phương. "Trong thời điểm có quá nhiều khuynh hướng ngầm và quan điểm trái ngược như hiện nay, chúng ta cần tiếp tục củng cố nỗ lực (hợp tác). Vai trò của tổ chức này (Liên Hợp Quốc) quan trọng hơn bao giờ hết, và vì thế các nước cần tái khẳng định các cam kết của mình".

Các hoạt động trong tuần tới của Liên Hợp Quốc mở màn bằng hội nghị về hòa bình sáng 24/9, kỷ niệm 100 năm ngày sinh lãnh đạo chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nelson Mandela. Một bức tượng của ông Mandela sẽ được khánh thành tại trụ sở Liên Hợp Quốc, New York. Các lãnh đạo thế giới dự kiến thông qua tuyên bố công nhận giai đoạn 2019-2028 sẽ là Thập kỷ Nelson Mandela về hòa bình.

Máy bay trinh sát Mỹ bị TQ yêu cầu rời Biển Đông 'ngay lập tức' Máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ làm nhiệm vụ trong không phận quốc tế ở Biển Đông bị Trung Quốc yêu cầu "rời khỏi đây ngay lập tức".

Duy Anh
Theo AP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lhq-nhom-hop-trong-boi-canh-hop-tac-toan-cau-bi-de-doa-post879044.html