Lí do nào khiến Đức từ chối tham gia liên minh không kích Syria?

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng về nguyên nhân khiến Đức không tham gia vào liên minh không kích Syria.

Theo Bloomberg đưa tin, Thủ tướng Angela Merkel đã từ chối lời đề nghị thành lập một liên minh quốc tế để tấn công trừng phạt Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bà cũng nhấn mạnh "Đức sẽ không tham gia về quân sự".

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump. - Ảnh: Reuters.

Quân đội Đức được đánh giá là lực lượng then chốt trong khối NATO. Tuy nhiên, Đức đã không tham gia vào cuộc không kích vào rạng sáng ngày 14/4 của Mỹ và các nước liên minh.

Theo phân tích của các chuyên gia, bà Markel có nhiều lý do về chính trị để từ chối tham gia vào một liên minh quân sự như vậy.

Tham vọng không quá lớn

Bình luận viên Marcel Fürstenau của tờ Deutsche Welle cho rằng Mỹ, Anh, Pháp không cần đến hệ thống vũ khí của Đức cũng có thể tấn công Syria. Đây cũng là một cái cớ phù hợp để bà Merkel khước từ tham gia liên minh quân sự.

Vài giờ sau khi cuộc không kích xảy ra, bà Merkel cũng đã tuyên bố "biện pháp đáp trả quân sự đã thành công và thích hợp". Đây là cách ủng hộ “tinh thần” mà theo bà là phù hợp nhất.

Thủ tướng Đức vô cùng hoan nghênh việc Mỹ, Anh, Pháp thực hiện hành động quân sự. Bà cho rằng cuộc không kích này "nhằm đảm bảo tính hiệu quả của đòn đáp trả quốc tế với việc sử dụng vũ khí hóa học và nhằm cảnh báo chế độ Syria về hành động vi phạm tiếp theo".

Cựu bộ trưởng quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg chỉ trích quyết định ủng hộ nhưng không tham gia của bà Merkel và cho rằng hành động này “là bậc thầy về phép biện chứng".

Bình luận viên Leonid Bershidsky cho rằng bà Merkel đưa ra quyết định như vậy vì bà hiểu rất rõ vị thế của Đức trong các vấn đề quốc tế. Việc bà từ chối tham gia liên minh quân sự được hiểu như sự bác bỏ ngầm quan điểm cho rằng Berlin đang nuôi tham vọng lãnh đạo thế giới.

Theo bà Merkel, hiện tại Đức đang tập trung xử lí các vấn đề trong nước. Do đó, bà không bao giờ muốn gia tăng tiếng nói của Đức trên trường quốc tế để đổi lấy tình hình trong nước rối ren hơn.

60% người dân Đức phản đối việc can thiệp quân sự vào Syria. Bà Merkel đã chọn hướng theo dư luận để đảm bảo tình trạng ổn định của đất nước.

Mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Mỹ Donald Trump

Cuộc không kích ngày 14/4 là hành động thực tế cho tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên twitter. Vì Trump không có ý định xin phê chuẩn kế hoạch tấn công trước quốc hội nên sự giúp đỡ của đồng minh đối với Mỹ là vô cùng cần thiết.

Các mũi tấn công của Mỹ và liên minh trong vụ không kích Syria.

Được biết, Tổng thống Pháp Macron với ông Trump có mối quan hệ khá gắn bó. Ông Macrron đã từng thuyết phục ông Trump duy trì hiện diện quân sự lâu dài tại Syria và hạn chế đòn không kích vào các cơ sở hóa học của quốc gia này.

Thủ tướng Anh Theresa May cũng chia sẻ Tổng thống Mỹ đã ủng hộ bà rất nhiều trong vụ cáo buộc Nga có liên quan đến trường hợp cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh. Do đó, việc tham gia liên minh quân sự là sự “đáp lễ” của Anh đối với Mỹ.

Trong khi đó, bà Merkel lại không đồng tình với chính sách của Trump. Do vậy, bà đã quyết định bỏ qua cơ hội tham gia chiến dịch không kích Syria.

Vai trò ngoại giao trung gian giữa căng thẳng ở Syria

Theo giới phân tích, họ cho rằng bạo lực không thể giải quyết được tình hình hiện nay tại Syria. Khi Mỹ, Anh, Pháp tăng sức ép quân sự với Syria thì phải có ai đó đứng ra làm trung gian cho biện pháp ngoại giao để tháo gỡ tình hình. Bà Merkel dường như muốn lựa chọn vai trò này.

Đức có vai trò ngoại giao vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện tại ở Syria. - Ảnh: AP.

Liên Hợp Quốc rõ ràng không thể đảm nhận vai trò đó, bởi hai phe đối lập trong Hội đồng Bảo an là Nga với Mỹ - Pháp - Anh đều có quyền phủ quyết.

Sau cuộc không kích, ba nước Mỹ, Anh, Pháp cũng đã tự tước bỏ cơ hội đàm phán ngoại giao với quốc gia Trung Đông này đồng thời tự đặt mình vào thế đối đầu với Nga trên chiến trường Syria.

Do vậy, vai trò trung gian của Đức sẽ trở nên rất cần thiết. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã từng tuyên bố "chỉ có một giải pháp chính trị cho Syria” và theo ông “cuộc xung đột không thể được giải quyết nếu không có Nga".

Ông cũng cho biết “phần lớn người dân Đức hài lòng khi lãnh đạo của họ hiểu được điều này".

Đức cho rằng đòn không kích vào Syria của Mỹ, Anh, Pháp chủ yếu mang tính biểu tượng. Nó đã không làm thay đổi cục diện chiến trường cũng như không làm suy yếu vị thế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

HUYỀN TRANG (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/li-do-nao-khien-duc-tu-choi-tham-gia-lien-minh-khong-kich-syria-a226640.html