Libya: Cuộc chiến từ bên ngoài

Hàng ngàn chiến binh đánh thuê từ Sudan, khí tài quân sự từ các quốc gia trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, sự hậu thuẫn từ châu Âu, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho cuộc xung đột vũ trang tại Libya ngày càng trở nên khó giải quyết, nguy cơ gây bất ổn trong khu vực ngày càng tăng.

Lính đánh thuê Sudan đổ vào Libya

Theo giới quan sát, hiện đang có một làn sóng lính đánh thuê từ nước láng giềng Sudan đổ vào Libya. Các chỉ huy của những nhóm dân quân khác nhau cho biết khoảng 3.000 lính đánh thuê Sudan đã đến Libya và hiện đang chiến đấu cùng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar chỉ huy chống lại chính phủ do châu Âu và Liên Hiệp Quốc (LHQ) và hậu thuẫn ở Tripoli (GNA).

Một chỉ huy các đơn vị lính đánh thuê Sudan cho biết các tay súng đánh thuê này chính là lực lượng dân quân từng tham gia cuộc nội chiến đẫm máu chống lại cựu Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir tại vùng Darfur. Tổng thống Al-Bashir đã phải thoái vị hồi tháng 4-2019 sau khi quân đội Sudan không ủng hộ ông nữa.

Sau khi Al-Bashir ra đi, các tay súng dân quân bỗng trở nên “thất nghiệp” và không biết xoay xở cách nào để tiếp tục tồn tại trên quê hương mình. Vì vậy, họ đã chọn cách tham gia “chiến đấu mướn” ở Libya.

Một chỉ huy lính đánh thuê thừa nhận việc tham gia chiến tranh tại Libya chỉ thuần túy là vì tiền và chẳng vì danh dự hay gì cả và việc tham chiến tại Libya chỉ mang tính chất tạm thời. Viên chỉ huy này cho biết sau khi hoàn thành hợp đồng chiến đấu và kiếm được một số tiền kha khá, đủ để làm chi phí trang bị khí tài cho những cuộc chiến mới tại quê nhà, các tay súng đánh thuê sẽ quay trở về Sudan để khởi sự cuộc chiến mới chống lại chính phủ đương nhiệm.

Làn sóng lính đánh thuê Sudan đổ vào Libya hẳn nhiên đã được LHQ ghi nhận và theo dõi sát nhưng hiện chưa có phương án nào để ngăn chặn. Một báo cáo dài 376 trang của LHQ công bố hồi đầu tháng 12-2019 đã đánh giá việc các tay súng từ Sudan ồ ạt đổ vào Libya để “chiến đấu mướn” đã làm cho tình hình xung đột vũ trang tại đây càng trở nên hỗn loạn hơn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Tunisia Kais Saied.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Tunisia Kais Saied.

Lực lượng nước ngoài tại Libya

Libya đã chìm vào những cuộc xung đột nội chiến liên miên kể từ khi các phiến quân từ Benghazi với sự giúp sức bằng không quân của phương Tây nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011. Một chính phủ đã được châu Âu và LHQ dựng lên ở Tripoli với hy vọng từng bước thống nhất các lực lượng phiến quân Hồi giáo từng tham chiến chống ông Gaddafi.

Nhưng chính quyền đó không thể kiểm soát được Libya, chỉ có quyền hành trong phạm vi Tripoli. Các nhóm phiến quân ở Tây, Nam và Đông Libya đều không tuân phục. Trong khi đó, một trong những chỉ huy quân đội góp công lớn trong cuộc lật đổ ông Gaddafi là tướng Khalifa Haftar đã âm thầm gây dựng lực lượng ở vùng Đông Libya.

Năm 2014, tướng Haftar bắt đầu dấy quân đánh úp Benghazi, đẩy các phiến quân Hồi giáo cực đoan ra khỏi thành phố này và chiếm làm kinh đô riêng. Từ đó, Haftar bắt đầu nuôi tham vọng tiến quân về Tripoli mà mục tiêu cuối cùng là đánh chiếm thủ đô Tripoli để thâu tóm toàn bộ đất nước Libya và lên nắm quyền. Tháng 4-2019, Haftar mở chiến dịch quân sự quy mô lớn đánh vào các vị trí trọng yếu xung quanh Tripoli nhằm cô lập và đánh úp thủ đô trong trận chiến cuối cùng.

Tuy nhiên, kế hoạch quân sự đầy tham vọng của tướng Haftar có sai sót, vì thế đã bị chặn đứng tại khu vực ngoại ô phía Nam Tripoli. Sau nhiều tháng giằng co, hiện tướng Haftar đang chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng để nắm quyền kiểm soát Tripoli.

Theo giới quan sát, cuộc nội chiến tại Libya hiện đang được “châm thêm dầu” bởi các thế lực từ bên ngoài. Ngoài lực lượng lính đánh thuê đến từ Sudan còn có hàng chục ngàn lính đánh thuê thuộc các quốc gia khác trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. LNA của tướng Haftar và chính phủ Đông Libya nhận được sự hậu thuẫn của Pháp, Nga, Jordan, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một số quốc gia khác trong khu vực, còn chính phủ GNA ở Tripoli thì ngoài châu Âu và LHQ còn có Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Tunisia chống lưng.

Chính phủ Nga không trực tiếp can thiệp vào Libya mà sự dính líu của nước này chủ yếu là thông qua hoạt động của đơn vị lính đánh thuê mang tên Wagner do doanh nhân Yevgeny Prigozhin làm chủ. Wagner cũng không tham chiến mà chủ yếu là cử các chuyên gia kỹ thuật giúp LNA vận hành và sửa chữa các khí tài quân sự cũ kỹ từ thời Liên Xô.

Trong khi đó, Pháp được cho là “bắt cá hai tay” khi vừa hậu thuẫn chính phủ GNA ở Tripoli (cùng với EU và LHQ), đồng thời cũng đưa người sang “hợp tác” với tướng Haftar. Người ta đã nhìn thấy lính đặc nhiệm Pháp tham gia các chiến dịch quân sự bên cạnh LNA từ năm 2016 và đến nay việc đó vẫn tiếp tục duy trì.

Ngoài ra, Italy cũng đưa 400 binh sĩ sang hỗ trợ tác chiến bên cạnh các lực lượng đánh thuê khác đến từ Qatar, Ai Cập,... nhằm giúp GNA cầm cự các chiến dịch tấn công của LNA.

Ngày 25-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện chuyến công du bất ngờ đến Tunisia và đã có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Kais Saied về các vấn đề liên quan đến cuộc nội chiến tại Libya. Tunisia là một trong những quốc gia khu vực đưa quân đến Libya hỗ trợ chính phủ GNA và ông Erdogan đã bày tỏ mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa với Tunisia trong vấn đề này.

Trước đây, sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Tripoli chủ yếu là cung cấp khí tài quân sự, như đạn dược, tên lửa, xe bọc thép. Ngay ngày đầu năm 2020, Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu đưa quân đến Tripoli để giúp GNA chống lại quân LNA khiến tướng Haftar không chỉ ra lệnh lực lượng LNA “sẵn sàng chiến đấu” mà còn kêu gọi người Libya đứng lên cầm súng chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới phân tích nhận định: Nếu Ankara thật sự đưa quân vào Libya, có thể sẽ hình thành một “Syria thứ hai” ở Bắc Phi.

Nguyên Khang (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/libya-cuoc-chien-tu-ben-ngoai-577270/