Libya đóng cửa sân bay sau khi GNA phản công

Sân bay ở Thủ đô Libya ngày 20/4 đã phải đóng cửa trong khi hàng loạt vụ đụng độ nổ ra ở ngoại ô Nam Thủ đô Tripoli.

Reuters ngày 21/4 dẫn nguồn trang mạng của sân bay Mitiga cho biết, Libya đã quyết định đóng cửa sân bay có khả năng hoạt động duy nhất của Thủ đô nước này.

Sân bay Mitiga đã bị đóng cửa. Ảnh chụp hôm 8/4: Reuters

Sân bay Mitiga đã bị đóng cửa. Ảnh chụp hôm 8/4: Reuters

"Cơ quan hàng không dân sự đã đóng cửa không phận của sân bay cho tới khi có thông báo tiếp theo để đảm bảo an toàn hàng không" - thông cáo trên trang mạng của sân bay Mitiga nêu rõ và cho biết thêm rằng sân bay không bị tấn công.

Theo lời cư dân thủ đô Tripoli, một vài cuộc không kích và một số vụ nổ đã khiến Tripoli rung chuyển suốt đêm.

Một phóng viên của Reuters cùng một vài cư dân cho hay, họ đã tận mắt trông thấy một chiếc máy bay lượn hơn 10 phút phía trên thành phố Tripoli vào chiều muộn ngày 20/4. Nó đã gây ra tiếng động mạnh trước khi nã đạn vào một vài khu vực.

Quá nửa đêm, người ta lại tiếp tục nghe thấy tiếng máy bay, hiện diện suốt hơn 10 phút trước khi gây ra một vụ nổ lớn, làm rung chuyển mặt đất. Hiện chưa rõ vụ tấn công là do máy bay, hay thiết bị bay không người lái gây ra.

Nếu một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được xác nhận, điều này có nghĩa là cuộc chiến tranh ở Tripoli đã trở nên tinh vi hơn.

Tờ Herald Sun bình luận, lực lượng Quân đội Libya tự xưng (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo lâu nay chủ yếu sử dụng các máy bay phản lực do Liên Xô sản xuất từ lực lượng Không quân Muammar Gaddafi, bị lật đổ năm 2011.

Những tiếng nổ xảy ra ở Thủ đô Tripoli chỉ một ngày sau khi xảy ra các vụ đụng độ tại các quận phía Nam Thủ đô. Nhiều người ở trung tâm thành phố cũng nghe thấy âm thanh này.

Các chiến binh Libya trung thành với Chính phủ GNA đáp trả đòn tấn công của LNA ở phía Nam thủ đô Tripoli

Một chỉ huy của chiến dịch các lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận đã tiến hành đánh trả các đợt tấn công chống lại LNA.

Một chỉ huy của chiến dịch phản công này cho biết: "Chúng tôi đã có đủ lực lượng và tiến hành một đợt tấn công mới. Sáng sớm nay, lệnh tấn công đã phát đi và giành các thắng lợi đầu tiên trên chiến trường phía Nam Tripoli".

Trong khi đó, đài DW của Đức dẫn lời phát ngôn viên quân đội của GNA, Đại tá Mohamad Gnounou cho biết, một số cuộc không kích đã được triển khai nhằm vào khu vực đóng quân của LNA cách Thủ đô Tripoli khoảng 100km về phía Tây Nam.

Ông cũng khẳng định, các chiến đấu cơ của LNA không thể xâm phạm tuyến phòng thủ phía Nam thành phố.

GNA xác nhận đã tiến hành 7 cuộc không kích nhằm đáp trả các cuộc tấn công của LNA hôm 20/4.

Về phía LNA, phát ngôn viên của lực lượng quân sự do Tướng Haftar dẫn đầu - ông Ahmed Ahmed al-Mesmari tuyên bố: "Lực lượng trên không vẫn đang tiếp tục hỗ trợ hỏa lực cho quân đội trên mặt đất nhằm hướng Thủ đô Tripoli".

Ông al-Mesmari cáo buộc GNA đứng về phía khủng bố al-Qaeda và các mạng lưới khủng bố khác để giữ quyền kiểm soát Tripoli.

Cuộc đụng độ ở Tripoli có khả năng kéo dài khi cả hai phe chưa tìm được giải pháp.

Libya có hai chính quyền tồn tại song song và đối lập nhau. GNA đóng tại thủ đô Tripoli, được phương Tây dựng lên và được Liên hợp quốc hậu thuẫn, kiểm soát khu vực miền Tây Libya.

Kiểm soát miền Đông Libya là một chính quyền được thành lập bởi Nghị viện Libya, thực thể chính trị căn bản được nhân dân Libya bầu ra trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014, đóng tại Tobruk và được LNA của Tướng Haftar hậu thuẫn.

Các nhà ngoại giao từ cả Mỹ và Nga đã kêu gọi ngừng bắn, cảnh báo rằng vũ khí đang đổ vào nước này và Libya đang rơi vào một tình huống nhân đạo nghiêm trọng.

Nga đã phản đối nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Anh dự thảo kêu gọi ngừng bắn tại Libya vào thời điểm này. Dự thảo của Anh nói rằng, các lực lượng trung thành với Khalifa Haftar phát động một cuộc tấn công vào ngày 4/4 để chiếm lấy Tripoli.

Moscow nhận định dự thảo đổ lỗi cho chỉ huy phía Đông Libya là Khalifa Haftar về vụ bạo lực này.

Mỹ cũng không đồng thuận ủng hộ dự thảo này song không đưa ra lý do. Washington kêu gọi các quốc gia có ảnh hưởng đối với các bên tham chiến đảm bảo việc tuân thủ nghị quyết và tiếp cận viện trợ nhân đạo vô điều kiện ở Libya. Nơi này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/libya-dong-cua-san-bay-sau-khi-gna-phan-cong-3378637/