Libya đứng giữa hai cuộc chiến

Những ngày cuối tháng 3, Thủ đô Tripoli của Libya rung chuyển bởi hàng loạt cuộc bắn phá, bom đạn giữa Quân đội quốc gia Libya (LNA) do nguyên soái Khalifa Haftar đứng đầu và lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) trung thành với Fayez al-Sarraj (được Liên hợp quốc công nhận). Nhưng điều lo lắng nhất giờ đây không chỉ là tiếng súng mà bởi sự có mặt của dịch COVID-19 với ca đầu tiên được tuyên bố hôm 25/3.

"Sự ô nhiễm đầu tiên"

Theo tin từ hãng Al-Jazzeera, bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên ở quốc gia này là một người đàn ông 73 tuổi, trở về từ Arab Saudi ba tuần trước. Các cơ quan y tế tại Libya đã xác nhận thông tin này và cho biết bệnh nhân đang được cách ly và điều trị y tế tại bệnh viện Tripoli. Ehmed Ben Omar, Bộ trưởng Y tế của GNA nói: "Các biện pháp cần thiết đã được thực hiện để điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân này đã trở về nước sau chuyến đi tới Arab Saudi qua Tunisia hôm 5/3. Sức khỏe của bệnh nhân này hiện ổn định dù bị ho và sốt".

Trong khi đó, hãng CNN dẫn lời Liam Kelly, Giám đốc quốc gia về Libya tại Hội đồng tị nạn Đan Mạch cho biết, sau khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới, Libya đã cho ngừng hầu hết hoạt động thương mại bằng đường hàng không và đường biển. Người dân Libya đã tuân thủ nhiều khuyến cáo của Bộ Y tế về cách phòng chống dịch.

Ngừng bắn ở Libya chỉ kéo dài chưa đến một tuần. ảnh: AP

Ngừng bắn ở Libya chỉ kéo dài chưa đến một tuần. ảnh: AP

Tuy nhiên, so với tỷ lệ mắc bệnh trên thế giới và khả năng kiểm tra dân số của Libya thì có thể thấy, chẩn đoán về người nhiễm virus Corona ở Libya là rất hạn chế. "Vì vậy, xác suất mà chỉ có một trường hợp ở Libya nhiễm COVID-19 là rất nhỏ. Chắc chắn có những trường hợp khác, nhưng chưa được phát hiện", Liam Kelly khuyến cáo.

Thực tế, sau nhiều năm nội chiến, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Libya gần như sụp đổ. Và sự xuất hiện của dịch bệnh ở một quốc gia có hai chính phủ, hai quân đội và hai quốc hội đang gây ra báo động lớn cho sự chắp vá của chính quyền ở Libya về khả năng thực hiện một phản ứng nhất quán và hiệu quả đối với đại dịch.

"Hệ thống y tế ở Libya gần như sụp đổ trước khi có dịch bệnh. Sự thiếu hụt các nhân viên y tế, bác sĩ không chỉ có ở nông thôn mà ngay cả thành phố cũng nhiều nơi thiếu. Chỉ số an ninh y tế toàn cầu 2019 đã xếp hạng Libya ở thứ 195 về khả năng ứng phó nhanh chóng với đại dịch thông qua kế hoạch khẩn cấp quốc gia. Trong một báo cáo năm 2018, WHO từng lưu ý rằng đơn giản là không có tổ chức hay tổ chức cụ thể nào chịu trách nhiệm về các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng tại Libya", Elizabeth Hoff (người Na Uy), Trưởng phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Tripoli nhấn mạnh.

Cũng theo thông tin mà Elizabeth Hoff cung cấp, các biện pháp được thực hiện bởi các thành phố khác nhau ở Libya thời gian qua như: khử trùng công viên và vườn công cộng ở Misrata, phân phát mặt nạ và găng tay bên ngoài ngân hàng ở Tripoli và tuân thủ các quy tắc cách xa an toàn, dường như không đủ để ngăn chặn dịch COVID-19 ở một quốc gia từng phải đối phó với 3 loại dịch bệnh đến từ nội chiến kể từ tháng 4 năm 2019.

"Người dân đã phải chiến đấu để tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay các dịch vụ y tế thông thường. Các bệnh viện thì bị choáng ngợp bởi thương vong chiến tranh. Chưa hết, Libya có hơn 300.000 người sống trong những khu nhà quá đông đúc hoặc khu ổ chuột. Chất lượng của các thiết bị vệ sinh và vệ sinh ở những nơi này thường không đủ, và việc tiếp cận với nước rất kém.

Một khu nhà tại Thủ đô Tripoli bị sập hoàn toàn sau trận pháo kích rạng sáng 27/3. Ảnh: Getty

Những điều kiện này làm tăng nguy cơ khủng hoảng sức khỏe lớn. Tôi thậm chí không nói về các tù nhân, người di cư và người tị nạn đang bị giam giữ trong các trại tị nạn và nhà tù, nơi điều kiện sống đã không đạt tiêu chuẩn. Nếu SARS-CoV-2 đến các cơ sở này, nó sẽ lây lan gần như ngay lập tức và không thể kiểm soát được", Elizabeth Hoff nói.

Hôm 18-3, Phái đoàn hỗ trợ Liên hợp quốc tại Libya đã kêu gọi các bên ngừng bắn để giúp nhà chức trách ứng phó với sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 tiềm tàng ở nước này. WHO khẳng định rằng, sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 không khiến người ta quan tâm nhiều hơn so với sự thay đổi thể chế cũng như cuộc chiến để kiểm soát Thủ đô Tripoli đang diễn ra giữa GNA và LNA.

"Nếu dịch bệnh lan rộng ở Libya, các bệnh viện sẽ rơi vào tình trạng ác mộng, đặc biệt là khi chiến sự đã gia tăng và gây ra số thương vong ngày càng nhiều", báo cáo của WHO có đoạn viết. Đại diện của WHO nhận định, chính quyền Tripoli đã đóng cửa biên giới đất liền, cấm người nước ngoài vào nước này, đình chỉ các buổi cầu nguyện, đóng cửa các trường học và quán cà phê. Sân bay quốc tế Tripoli thường xuyên bị nhắm mục tiêu bởi các cuộc tấn công tên lửa…

Nhưng chính quyền này chỉ kiểm soát được tối đa 20% lãnh thổ Libya (với lệnh giới nghiêm từ 15h chiều hôm trước đến 7h sáng hôm sau) và gặp khó khăn trong việc thực thi các biện pháp này trên khắp đất nước, vì miền Đông Libya và một vùng rộng lớn phía Nam Libya nằm dưới sự kiểm soát của quân đội nguyên soái Khalifa Haftar. Điều này cũng khiến Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lo ngại: "Nếu cuộc chiến diễn ra, chúng ta có thể có một sự lây lan hoàn toàn của dịch bệnh tại Libya".

Nguy cơ nội chiến trở nên tồi tệ

Hôm 21-3, các bên đối địch ở Libya đã có phản hồi tích cực trước lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế khi cùng ký kết một lệnh ngừng bắn nhân đạo để dồn sức cho việc chống chọi với COVID-19.

Tổng thư ký Liên hợp quốc còn hy vọng lệnh ngừng bắn nhân đạo này sẽ được chuyển thành lệnh ngừng bắn lâu dài và kêu gọi các bên chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ khởi đầu từ cuộc đàm phán của Ủy ban Quân sự chung 5+5 do Liên hợp quốc bảo trợ ở Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 2.

Những người dân ở Tripoli phản đối chính quyền thân nguyên soái Khalifa Haftar. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một tuần sau đó, chiến sự đã leo thang. Từ hôm 27/3, thủ đô Tripoli chìm trong khói lửa. Hãng Reuters dẫn lời một người dân địa phương cho biết, các đạn pháo vang dội toàn thủ đô vào lúc rạng sáng 27/3.

Đụng độ cũng xảy ra ở phía Tây Libya nằm giữa Tripoli và khu vực biên giới giáp Tunisia, vùng ngoại ô phía Nam của thủ đô và khu vực giữa thành phố Sirte và Misrata ở phía Đông Tripoli. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành họp trực tuyến và yêu cầu Phái bộ hỗ trợ Liên hợp quốc tại Libya hành động ngay lập tức.

Nhưng không ai trong số các bên liên quan gồm LNA và GNA tỏ thái độ nghiêm túc trước những lời kêu gọi này. Hai phe này lại nhận được sự ủng hộ của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia can thiệp quân sự trực tiếp.

Nhưng sau 1 năm đối kháng, với sự trợ giúp của nước ngoài, LNA của nguyên soái Khalifa Haftar vẫn chưa thể đạt được mục tiêu chiếm được Tripoli nơi có 1,2 triệu dân và lật đổ GNA. UAE đã thực hiện hơn 900 cuộc không kích ở khu vực Tripoli vào năm ngoái. Sự can thiệp của quân đội UAE đã giúp ngăn chặn các lực lượng GNA, nhưng không đủ để đẩy các mục tiêu của Khalifa Haftar về phía trước.

Thay vào đó, nó có tác động bất lợi bằng cách khiêu khích các cường quốc khu vực khác. Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả UAE bằng cách triển khai máy bay không người lái Bayraktar TB2 và vài chục sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện 250 cuộc tấn công nhằm nỗ lực giúp GNA chống lại cuộc tấn công dữ dội của LNA.

Trong lĩnh vực ngoại giao, kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Berlin (Đức) không hiệu quả diễn ra hồi tháng 1, không có nỗ lực xác thực nào trong cuộc đối thoại đã được thực hiện đối với một thỏa hiệp chính trị. Rất ít quốc gia sẵn sàng mâu thuẫn với UAE và trong khi sự cô lập GNA ngày càng tăng thì không có chính phủ phương Tây nào muốn gây áp lực có ý nghĩa với Khalifa Haftar.

Vì lý do đó, cuộc tấn công mới của LNA có thể sẽ gặp phải sự phản kháng thậm chí ít hơn từ cộng đồng quốc tế, nhưng lại đối mặt với một đối thủ khó khăn là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tháng 1 và tháng 2, ít nhất ba tàu chở hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp khoảng 3.500 tấn thiết bị và đạn dược mỗi chiếc cho GNA.

Ankara cũng cử hàng trăm sĩ quan chuyên nghiệp tới huấn luyện các chiến binh GNA. Đó là chưa kể đến hơn 4.000 lính đánh thuê Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã đến Tripoli và khu vực lân cận từ tháng 12 năm ngoái.

Để chống lại sự can thiệp mới của Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ thân Khalifa Haftar ở miền Đông Libya đã chính thức liên kết với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thực hiện một cuộc tấn công mới, đa tầng với quan điểm "bóp nghẹt" và phá Tripoli cho đến khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từ bỏ và rời Libya. Và vấn đề càng tồi tệ hơn khi cả Mỹ và bất kỳ quốc gia nào thuộc Liên minh châu Âu (EU) đều không sẵn sàng làm theo cách của UAE. Do đó, cuộc chiến Libya có thể sẽ tiếp tục leo thang trước khi bất kỳ nghị quyết chính trị nào được thực hiện nghiêm túc.

Chi Anh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/libya-dung-giua-hai-cuoc-chien-588632/