Libya: Quân đội miền Đông tấn công GNA ở phía Tây thủ đô Tripoli

Các máy bay chiến đấu của Quân đội quốc gia Libya (LNA) đã tấn công một khu vực của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc hậu thuẫn ở phía Tây thủ đô Tripoli.

Khói bốc lên sau cuộc không kích do lực lượng Quân đội miền Đông (LNA) tự xưng tiến hành tại Tajoura, Tripoli ngày 29/6/2019. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Khói bốc lên sau cuộc không kích do lực lượng Quân đội miền Đông (LNA) tự xưng tiến hành tại Tajoura, Tripoli ngày 29/6/2019. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Ngày 6/10, các máy bay chiến đấu của Quân đội quốc gia Libya (LNA) đã tấn công một khu vực của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc hậu thuẫn ở phía Tây thủ đô Tripoli.

Văn phòng thông tin của LNA nêu rõ mục tiêu không kích là một lực lượng quân sự của GNA ở quận Janzur, phía Tây thủ đô Tripoli, nhưng không nêu chi tiết về thương vong.

Trong khi đó, người phát ngôn Cơ quan khẩn cấp thuộc Bộ Y tế Libya Osama Ali khẳng định vụ không kích đã khiến 6 dân thường bị thương, trong đó có 5 trẻ em.

Cùng ngày, Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đã lên tiếng phản đối hành động tấn công của LNA nhằm vào sân bay quốc tế Misurata nằm cách thủ đô Tripoli khoảng 200km về phía Đông trước đó một ngày.

Trong tuyên bố, UNSMIL đã cảnh báo những cuộc tấn công nhằm vào cơ sở dân sự là vi phạm luật Nhân đạo quốc tế. UNSMIL kêu gọi ngừng ngay các vụ tấn công vô nghĩa như vậy nhằm vào sân bay dân sự duy nhất còn lại tại miền Tây Libya này.

Trước đó, văn phòng thông tin của LNA xác nhận lực lượng này đã tiến hành không kích nhằm vào các dân quân thuộc GNA và hệ thống điều khiển máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Misurata.

LNA khẳng định vụ tấn công đã phá hủy hệ thống kiểm soát máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Trong khi đó, theo GNA, vụ tấn công đã khiến một công nhân bị thương và gây thiệt hại vật chất cho sân bay này.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Hiện ở nước này tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng.

Chính phủ GNA do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Trong khi đó, lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông.

GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi tướng Haftar được Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Giao tranh ở các vùng ngoại ô thủ đô Tripoli kể từ đầu chiến dịch tấn công của tướng Haftar đã làm 1.000 người thiệt mạng và 120.000 người phải đi sơ tán.

Liên hợp quốc đã ra nghị quyết kêu gọi các quốc gia có ảnh hưởng tới các bên tham chiến tại Libya hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột./.

Trường Duy (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/libya-quan-doi-mien-dong-tan-cong-gna-o-phia-tay-thu-do-tripoli/599322.vnp