Lịch sử đen tối của đảo thỏ Okunoshima

Quần thể thỏ trên đảo Okunoshima khiến nhiều du khách đặt chân lên bờ biển hòn đảo nhỏ bé của Nhật Bản này thích thú. Nhưng đa phần du khách đến thăm những sinh vật dễ thương này lại không biết về quá khứ đen tối khủng khiếp của hòn đảo.

Từng bị xóa sổ trên bản đồ nhiều lần

Okunoshima không phải là hòn đảo duy nhất trong số khoảng 3.000 hòn đảo nằm rải rác trên biển nội địa Seto nằm giữa tỉnh Hiroshima và đảo Shikoku của Nhật Bản. Diện tích của hòn đảo nhỏ bé này chỉ dưới 1km2. Tính đến năm 2010, chỉ có 26 cư dân sống trên đảo và không có nguồn cung cấp nước ngọt tự nhiên mà phải vận chuyển từ đất liền ra, tuy nhiên nơi đây được biết đến nhiều hơn vì số lượng khủng của "cư dân bốn chân".

Có một xu hướng kỳ lạ ở Nhật Bản là đặt tên các hòn đảo theo tên những loài sinh vật dễ thương. Tuy nhiên, câu chuyện về nguồn gốc của quần thể thỏ ở Okunoshima, dẫn đến việc hòn đảo này được đổi từ tên thông tục Usaginoshima thành như vậy lại nằm ngoài mong đợi. Hòn đảo này bị chính những chú thỏ dễ thương tàn phá và theo thời gian, nơi này càng trở nên nguy hiểm hơn và bớt dễ thương.

Đảo Thỏ. Ảnh: Japan Travel

Đảo Thỏ. Ảnh: Japan Travel

Okunoshima là một phần của Vườn quốc gia Setonaikai, được chỉ định vào năm 1934. Thế nhưng hòn đảo này đã từng trở thành nơi sản xuất vũ khí hóa học bí mật và khổng lồ của phát xít Nhật (từ năm 1928 đến 1945).

Nhật Bản là một trong 38 nước ký kết Nghị định thư Geneva 1925, cấm sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học. Tuy nhiên, họ cũng như một số quốc gia khác khi ấy vẫn tiếp tục sản xuất và dự trữ chúng, kể từ năm 1929.

Yuki Tanaka - nhà sử học, cựu Giáo sư Lịch sử tại Đại học Hiroshima - cho biết: "Nhà máy sản xuất vũ khí hóa học phải gần đất liền để tuyển dụng công nhân. Họ không thể thiết lập nhà máy ở xa đảo chính, vì vậy họ đã chọn Okunoshima".

Ông Tanaka - là một nhà phê bình thẳng thắn về lịch sử quân sự và chính trị Nhật Bản - nói rằng, sự tiện lợi hơn cả của Okunoshima là sự hiện diện của Pháo đài Geiyo - một tập hợp các công trình quân sự có từ trước vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Pháo đài được sử dụng trong chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905).

Khi Okunoshima trở thành trung tâm sản xuất vũ khí hóa học của phát xít Nhật, chính phủ quân sự đã tiến hành xóa sổ nó khỏi bản đồ như một bí mật quốc gia. Và do sự hiện diện của pháo đài, không phải lần đầu tiên nó bị xóa khỏi bản đồ khi trước đó từng vậy vào thời Meiji (1868-1912) và thời đại Taisho (1912-26). Nhưng khi tuyển dụng những cư dân của Takehara lân cận làm công nhân, "Okunoshima không thực sự còn là bí mật. Người dân địa phương biết chuyện gì đang xảy ra" - ông Tanaka nói.

Bí mật được lôi ra ánh sáng

Phần còn lại của Nhật Bản sẽ không biết gì về thứ mà sau này được gọi là Dokugasu no Shima (Đảo khí độc). Yamauchi Masayuki là Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảo Khí độc, nhóm công dân đứng sau Bảo tàng Khí độc trên đảo. Mục đích của bảo tàng là lưu truyền lại lịch sử thiệt hại và tác hại do vũ khí hóa học gây ra từ Okunoshima và "tạo ra một thế giới không sử dụng vũ khí hóa học" - ông Masayuki cho hay qua email.

Bảo tàng khí độc trên Okunoshima - "Đảo Thỏ". Ảnh: SCMP

Theo ông Tanaka, cái tên chính thức nghe có vẻ vô vị, nhưng "Viện Khoa học và Công nghệ Quân đội đế quốc Nhật Bản" đã tạo ra "đủ thứ" trên hòn đảo bí mật. "Khí Phosgene, mù tạt, axit hydrocyanic, clo, lewisite, khí gây hắt hơi, buồn nôn, hợp chất adamsite. Tất nhiên, nguy hiểm nhất là khí mù tạt" - ông nói.

Không có nội dung nào trong Nghị định thư Geneva đề cập đến việc sản xuất vũ khí hóa học, vì vậy, dù Nhật Bản có sản xuất và dự trữ bao nhiêu khí mù tạt đi chăng nữa thì điều đó không trái với thỏa thuận quốc tế nào. Ông Tanaka nói rằng, cơ sở này chịu trách nhiệm sản xuất hơn sáu kiloton khí mù tạt và hơi cay. Và điều phá vỡ Nghị định thư Geneva là nhiều loại vũ khí hóa học này đã được Nhật Bản thử nghiệm và triển khai trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Okunoshima đóng một vai trò quan trọng trong Thế chiến II là một nhà máy khí độc sử dụng cho phần lớn chiến tranh hóa học đã được triển khai tại Trung Quốc. Sau khi quân Nhật xâm lược, vào năm 1931, "vũ khí hóa học được sản xuất ở Okunoshima sau đó được vận chuyển đến Đơn vị 731 ở Cáp Nhĩ Tân" - một phần của Mãn Châu do Nhật Bản kiểm soát, được gọi là Manchukuo, theo ông Tanaka.

Những công cụ chiến tranh bất hợp pháp này không chỉ được sử dụng ở Cáp Nhĩ Tân mà còn được mang đi bất cứ nơi nào người Nhật đến ở Trung Quốc, kể cả Nam Kinh và Thượng Hải. Tuy nhiên, nhiều chi tiết của việc nghiên cứu vẫn chưa được tiết lộ.

Khi chiến tranh kết thúc, các tài liệu được tiêu hủy và quân Đồng minh đã tiêu hủy hóa chất dự trữ.

Ông Yamauchi ở Bảo tàng Khí độc cũng tuyên bố rằng, chính sự "phản đối của Mỹ" đối với việc cho phép sử dụng vũ khí hóa học đã đưa Okunoshima từ trong bóng tối ra ánh sáng tại Tòa án Tội phạm Chiến tranh Tokyo năm 1946.

Bí ẩn về Okunoshima trong nhiều thập kỷ sau chiến tranh đột nhiên trở nên rõ ràng: Để che đậy sự hiện diện của vũ khí vi khuẩn - kiến thức mà Mỹ thèm muốn, vũ khí hóa học cũng phải được che đậy.

Tái hiện các thí nghiệm trên người tại Bảo tàng Đơn vị 731, ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. Ảnh: AFP

"Trong chiến tranh, khoảng 200 con thỏ được nhốt trong lồng để làm thí nghiệm kiểm tra tác động của khí độc. Nhưng những con thỏ được nuôi để làm thí nghiệm khí độc đã được xử lý vào thời điểm Nhật Bản bại trận và không liên quan gì đến những con thỏ hiện tại" - Yamauchi cho biết.

Sau thời kỳ sản xuất khí độc, hòn đảo được Mỹ trưng dụng trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), cụ thể làm kho đạn dược.

Chỉ vài thập kỷ sau đó, chính phủ Nhật Bản đã thừa nhận tất cả hành vi sai trái của mình và cung cấp hỗ trợ tài chính, y tế cho những người đã bị tổn hại sức khỏe trong khu vực do nhà máy gây ra. Theo yêu cầu của phía Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã bồi thường "ở một mức độ nào đó".

Bảo tồn lịch sử để nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình

Một tòa nhà quân sự trước đây trên đảo đã được tu sửa lại thành "kokumin kykamura" (nghĩa đen là "làng nghỉ lễ quốc gia"), một khách sạn giá cả phải chăng do chính quyền địa phương quản lý. Bãi biển được tôn tạo đẹp lên, bổ sung nhiều điểm tham quan. Dưới thời quản lý đầu tiên của khách sạn tên Hirofumi Nishiyoshi, một suối nước nóng (onsen) đi vào hoạt động năm 1964.

"Mặc dù nhà máy khí độc đã được xử lý, nhiều dấu vết của nhà máy vẫn còn và 4 bảo vệ giám sát 24 giờ một ngày", Nishiyoshi viết trong một cuốn sách nhỏ giới thiệu về lịch sử của khách sạn. "Ngay cả bây giờ vẫn có những ống đựng hơi cay và những thứ tương tự trong hầm trú ẩn của máy bay" - Yamauchi nói.

Vì vậy, việc Okunoshima trở thành một hòn đảo nghỉ dưỡng là điều không một ai nghĩ đến. Mặc dù được quảng cáo về vị trí cùng sự tiện nghi, nhưng hòn đảo được biết đến nhiều hơn từ câu chuyện những đứa trẻ cấp 2 đã thả 8 con thỏ lên Okunoshima trong một chuyến đi thực tế năm 1971. Nishiyoshi - người quản lý khách sạn đầu tiên ở nơi đây (mở cửa vào năm 1963) - đã có ý tưởng sáng tạo là giới thiệu chúng như kiểu linh vật đến hòn đảo vào năm 1965. Hatsuichi Murakami - cựu quản lý của Bảo tàng Khí độc - cũng có kế hoạch nuôi hươu, thậm chí cả khỉ để thu hút khách du lịch. Nhưng cuối cùng thỏ đã "chiến thắng".

"Thỏ không chỉ cần ăn mỗi ngày mà suốt cả ngày. Theo tôi, đó là vấn đề lớn nhất đối với hòn đảo. Tôi đánh giá, tỉ lệ thỏ chết rất cao và phần lớn do thức ăn không phù hợp. Điều này tàn phá hệ tiêu hóa của thỏ" - Margo DeMello, trợ lý giáo sư nhân chủng học tại Đại học Carroll (Montana, Mỹ), người đã thực hiện một dự án nghiên cứu với quần thể thỏ hoang ở Okunoshima vào năm 2016, cho hay.

Dẫu vậy, bất chấp lợi ích của những con thỏ, Yamauchi thừa nhận sự hiện diện của chúng có thể giúp bảo tồn lịch sử đen tối của hòn đảo để các thế hệ sau biết đến.

Những tài liệu từ quá khứ vẫn được trưng bày tại đây, giúp du khách tìm hiểu về quy trình sản xuất khí độc cũng như cảm nhận sự tàn khốc của chiến tranh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình.

"Nhiều di tích chiến tranh vẫn còn khiến Okunoshima trở thành hòn đảo thích hợp nhất để tìm hiểu về hòa bình. Từ bây giờ và mãi mãi, tôi hy vọng hòn đảo là nơi không chỉ để mọi người nhìn thấy những con thỏ, mà còn để biết chiến tranh có thể ngu ngốc và đau khổ như thế nào" - Yamauchi viết.

Gia Minh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/do-day/lich-su-den-toi-cua-dao-tho-okunoshima-634454/