Lịch sử Liên minh châu Âu sang chương mới?

Một chương phát triển mới của Liên minh châu Âu (EU) đã vừa bắt đầu với nhiều kỳ vọng và thách thức.

Các nhà lãnh đạo khóa mới của Liên minh châu Âu nhậm chức hôm 1/12. Buổi lễ diễn ra tại Nhà lịch sử châu Âu ở thủ đô Brussels của Bỉ trùng với kỷ niệm 10 năm Hiệp ước Lisbon – văn bản xác định bản sắc, sự đa dạng và là nền tảng của EU ngày nay, chính thức có hiệu lực.

Lá cờ EU. Ảnh: BBC.

Lá cờ EU. Ảnh: BBC.

Với EU, đòi hỏi lớn nhất lúc này là sự tiếp nối và phát triển của những giá trị này, nhất là trong bối cảnh Lục địa Già phải đối mặt với quá nhiều vấn đề, thách thức sự tồn tại, hội nhập và phát triển của khu vực.

Quan điểm các tân lãnh đạo EU về giai đoạn tới

Hôm 1/12 vừa qua thì các chức danh lãnh đạo chủ chốt của EU là Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde đã chính thức nhận nhiệm vụ mới. Trước đó, từ sau cuộc bầu cử châu Âu hồi cuối tháng 5/2019 thì Nghị viện châu Âu cũng đã có Chủ tịch mới là ông David Sassoli.

Trên thực tế, theo cơ cấu tổ chức các thiết chế của EU, thì quyền lực lớn nhất tập trung trong tay Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, trong khi Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu đảm nhiệm các vị trí dù cũng rất quan trọng nhưng mang nặng tính kỹ thuật hơn.

Vì thế, trong thời gian qua, đã có rất nhiều đánh giá, phân tích về quan điểm, đường lối lãnh đạo của bà Ursula von der Leyen và ông Charles Michel. Với những gì thể hiện ban đầu thì cả hai nhân vật lãnh đạo mới này đều có điểm chung, đó là cho rằng EU đang ở thời điểm bước ngoặt quan trọng khi phải xác định được vị trí và vai trò của mình trong cuộc cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả hai đều cho rằng nếu không có các thay đổi, cải cách triệt để thì EU sẽ bị gạt sang bên lề và trở thành nạn nhân của một trật tự thế giới mới.

Cả bà Ursula von der Leyen và ông Charles Michel cũng đặt ra nhiều tham vọng cho một châu Âu phát triển bền vững về môi trường, thể hiện qua chương trình hành động được đánh giá là rất táo bạo mang tên “Thỏa thuận Xanh”, sẽ được bà Ursula von der Leyen công bố vào ngày 11/12 tới. Đây là dự án chính trị then chốt trong nhiệm kỳ tới của EU với mục tiêu giảm 50% lượng khí phát thải carbon tại châu Âu vào năm 2030 và tiến tới năm 2050 châu Âu sẽ hoàn toàn không có khí thải carbon. Tất nhiên để thực hiện tham vọng này sẽ phải có những đại dự án đi kèm để có thể chuyển đổi mô hình kinh tế mà theo ước tính thì EU sẽ phải chi đến 1.000 tỷ euro trong 10 năm tới, đồng thời phải lập ra một loạt các cơ chế mới để phối hợp các quốc gia thành viên.

Giải quyết các thách thức nội bộ trong 5 năm tới

Tham vọng lớn nhất của đội ngũ lãnh đạo EU nhiệm kỳ mới là vấn đề môi trường, chống biến đổi khí hậu thông qua “Thỏa thuận Xanh” và đương nhiên, đây cũng sẽ là bài toán đặt ra nhiều thách thức nhất bởi dự án này có tất cả các yếu tố để biến thành một mặt trận mới chia rẽ các nước EU, giữa một bên là các nước Tây và Bắc Âu đã có trình độ phát triển cao nên đòi hỏi cao trong việc bảo vệ môi trường và một bên là các thành viên kém phát triển hơn ở Đông và Nam Âu muốn ưu tiên tăng trưởng kinh tế và cho rằng mình là người đi sau nên không thể bị tước bỏ các quyền khai thác tài nguyên để phát triển.

Đây là vấn đề rất dễ biến thành một dạng xung đột văn hóa giữa hai nhóm nước trong nội bộ EU. Vì thế, bà Ursula von der Leyen và ông Charles Michel sẽ phải tìm cách dung hòa được lợi ích của các nước và thuyết phục được các chính phủ ủng hộ một dự án chung. Đây sẽ là thách thức cực kỳ khó khăn, nếu nhìn vào thực tế là vài năm qua, rạn nứt giữa các nước Tây Âu là hạt nhân sáng lập EU với các nước Đông Âu, đặc biệt là nhóm nước Visegrad (Ba Lan, Hungary, CH Séc và Slovakia) ngày càng gay gắt.

Sau vấn đề môi trường, các thách thức trong 5 năm tiếp theo sẽ là việc thực hiện các cải tổ mang tính bước ngoặt với EU. Có thể kể ra ở đây là việc cải tổ chính sách cạnh tranh nhằm bảo vệ tốt hơn các công ty châu Âu trước sự cạnh tranh từ bên ngoài, đặc biệt từ các công ty . Tiếp đến là xây dựng một EU đoàn kết, mạnh mẽ và tự chủ hơn về mặt quốc phòng, kể cả trong các lĩnh vực mới như chiến tranh mạng, nhằm gia tăng vai trò của châu Âu trong NATO và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Ngoài ra, EU những năm tới cũng cần phải hoàn thiện được một chính sách rõ ràng, minh bạch và mạnh mẽ hơn trong việc mở rộng khối sang phía Đông và Nam châu Âu cũng như trong việc ứng xử với các nước láng giềng có vai trò địa chính trị quan trọng như Ukraine.

EU sẽ làm gì để khẳng định lại sức mạnh quốc tế của mình?

Theo tổng kết của nhiều cuộc thăm dò dư luận trong năm qua tại châu Âu thì mặc dù có nhiều tiếng nói thất vọng về thực trạng của EU trong vài năm qua khi xảy ra các biến cố như Brexit, khủng hoảng tị nạn rồi sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy, cực hữu… nhưng đa số người dân châu Âu cho rằng bên cạnh các thành tựu như việc cho phép công dân các nước tự do di chuyển, buôn bán và làm việc nội khối, thì một trong những tài sản lớn nhất của EU chính là việc khối này có thể hành động như một siêu cường địa chính trị bên cạnh Mỹ và Trung Quốc. Nói cách khác là người dân EU vẫn coi Liên minh này là một sự đảm bảo cho vai trò cường quốc của châu Âu trong quan hệ quốc tế.

Nhưng thực tế, như chính nhận định của giới học giả châu Âu, thì ảnh hưởng của châu Âu đang mờ nhạt dần, một phần vì sau Chiến tranh Lạnh, châu Âu đã không còn giữ vị trí là sân khấu chính của chính trị thế giới. Điều này thể hiện ở việc Mỹ đã chuyển trọng tâm chính sách sang phía Đông, tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngoài ra, việc nhiều quốc gia và nhiều khu vực trên thế giới gia tăng sức mạnh kinh tế, chính trị trong hai thập kỷ qua, đặc biệt là Trung Quốc, cũng khiến ảnh hưởng của châu Âu giảm sút.

Vì vậy, có nhiều tiếng nói tại châu Âu, đặc biệt là tại Pháp, cho rằng để EU giữ được vị thế trên thế giới thì châu lục này cần phải xây dựng được một chiến lược về đối ngoại và an ninh độc lập, mạnh mẽ và tự chủ hơn so với Mỹ. Châu Âu cần thoát khỏi cái bóng của Mỹ để có một năng lực quốc phòng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh mà quyền lực mềm là không đủ mà cần phải có quyền lực cứng đi cùng.

Nhưng từ nhận thức đến hành động là một việc không đơn giản. EU vẫn là một tập hợp gồm 27 quốc gia với các lợi ích quốc gia rất khác nhau và rất khó có thể có được tiếng nói chung trong hai vấn đề đối ngoại và quốc phòng, vốn thuộc về chủ quyền tối cao của mỗi nước. Ngoài ra, EU hiện đang ở vào giai đoạn chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp rút khỏi chính trường nên quyền lực hiện đã rất suy yếu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều tham vọng nhưng lại gây ra nhiều ác cảm vì cách hành xử có phần độc đoán và kiêu ngạo, trong khi các lãnh đạo mới của EU là bà Ursula von der Leyen và ông Charles Michel đều không phải là các chính trị gia có uy tín cao.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, nhất là khi nước Anh đã rời khối, thì EU chỉ có một con đường duy nhất để duy trì sức mạnh, đó là đoàn kết thành một khối, có quan điểm và cách tiếp cận chung với Mỹ, Trung Quốc và Nga bởi không một quốc gia EU đơn lẻ nào hiện nay có đủ tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. Nhưng đây là thách thức cực kỳ khó khăn./.

Quang Dũng/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/lich-su-lien-minh-chau-au-sang-chuong-moi-985760.vov