Lịch sử tai nạn liên tiếp của hàng không Indonesia những năm gần đây

Thảm họa máy bay Lion Air JT610 Indonesia đã làm chấn động truyền thông thế giới. Nhìn lại lịch sử hàng không nước này, có thể thấy hàng loạt tai nạn liên tiếp trong nhiều năm.

Mới đây nhất vào ngày 11/8, chiếc máy bay Pilatus của hãng hàng không tư nhân Dimonim Air chở theo 7 hành khách và 2 thành viên phi hành đoàn đã rơi xuống vùng núi hẻo lánh tại tỉnh Papua, phía Đông Indonesia. Theo AFP, giới chức Indonesia cho biết chiếc máy bay đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu trong hành trình bay kéo dài 40 phút. Ảnh: AFP.

Chỉ có duy nhất cậu bé 12 tuổi sống sót một cách thần kỳ sau vụ tai nạn. Khi được đội cứu hộ phát hiện, cậu bé vẫn tỉnh táo và bị gãy xương. Trong ảnh, nhân viên cứu hộ sử dụng cáng để đưa cậu bé ra khỏi rừng. Ảnh: AFP.

Ngày 18/12/2016, cũng tại tỉnh Papua, Indonesia, máy bay vận tải không quân Hercules C-130 của nước này đã lao vào khu vực núi Jayawijaya, khiến toàn bộ 13 người trên chuyến bay thiệt mạng. Ảnh: Twitter.

Theo AFP, máy bay Hercules C-130 đang chở 12 tấn vật dụng thiết yếu và xi măng từ thành phố Timikia tới thị trấn Wamena. Trong ảnh, các điều tra viên đang xem xét hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: AFP.

Chiếc máy bay quân sự hoàn toàn bị nghiền nát với nhiều mảnh vỡ văng xa trên diện tích rất rộng, khiến công tác điều tra và cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân vụ tai nạn được cho là do thời tiết xấu. Ảnh: AFP.

Trước đó vào ngày 18/8/2015, chuyến bay mang số hiệu TGN267 của hãng hàng không Trigana Air cũng gặp nạn vì lý do tương tự. Khi rơi xuống vùng rừng tại khu vực Okbape, cách sân bay Oksibil 14 km, máy bay đang chở 49 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn. Trong ảnh, các mảnh vỡ của chiếc máy bay nằm rải rác trong rừng. Ảnh: AFP.

Cùng năm 2015, vụ tai nạn máy bay quân sự thảm khốc nhất trong lịch sử Indonesia được ghi nhận khi chiếc máy bay không quân Hercules C-130 chở 113 người rơi xuống khu dân cư tại thành phố Medan. Chỉ 2 phút sau khi cất cánh, động cơ máy bay gặp sự cố và phi công đã cố gắng quay đầu nhưng bất thành. Ảnh: AFP.

Toàn bộ người trên máy bay, bao gồm 12 thành viên phi hành đoàn và 101 hành khách (trong số đó có cả người nhà của sĩ quan không quân), đều được xác định tử vong. Vì rơi vào khu vực dân cư nên vụ tai nạn gây ra thiệt hại rất lớn. Có 11 dân thường thiệt mạng và nhiều công trình bị phá hủy. Ảnh: Reuters.

Chiếc C-130 Hercules gặp nạn bắt đầu hoạt động từ 51 năm trước. Sau vụ tai nạn, nhân viên cứu hộ nỗ lực tìm kiếm nạn nhân xấu số trong đống đổ nát. Vụ tai nạn xảy ra trước sự khiếp sợ của người dân địa phương. Ảnh: AP.

Trước đó, vào năm 2014, năm thảm họa của hàng không thế giới, vụ tai nạn thảm khốc của máy bay AirAsia mang số hiệu QZ8501 đã gây chấn động với toàn bộ 162 người tử vong. Đây là một trong những vụ tai nạn kinh hoàng nhất trong lịch sử hàng không Indonesia. Ảnh: AP.

Trên hành trình từ Surabaya (Indonesia) tới Singapore, chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn hình radar và rơi xuống vùng biển Java. Các nhà điều tra sau đó xác định nguyên nhân vụ tai nạn là do lỗi hệ thống điều khiển bánh lái. Ảnh: CNN.

Theo Reuters, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia cho biết: “Phi cơ bị lệch khỏi lộ trình thông thường và rơi vào tình trạng mất tốc độ kéo dài. Tình hình ngày càng nghiêm trọng khiến các phi công không thể khắc phục”. AirAsia là hãng hàng không giá rẻ khá nổi tiếng của Malaysia với phạm vi hoạt động ở hàng chục quốc gia trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Nhiều mảnh vỡ ở hiện trường chiếc máy bay Lion Air rơi Đội cứu hộ có mặt tại hiện trường chiếc máy bay Lion Air rơi ghi lại hình ảnh mặt biển Java lềnh bềnh mảnh vỡ và các vật dụng của hành khách.

Hương Ly

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lich-su-tai-nan-lien-tiep-cua-hang-khong-indonesia-nhung-nam-gan-day-post888260.html