Liêm sỉ xưa nay

Một chuyện xầm xì được cho là 'kỳ lạ' vừa xảy ra đối với giới nghệ sĩ điện ảnh. Những nghệ sĩ được xét Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này, Hội Điện ảnh Việt Nam yêu cầu phải viết một bản cam kết về việc phân chia tiền thưởng cho đồng tác giả và các thành phần sáng tác chính tham gia thực hiện tác phẩm.

Các nghệ sĩ trong cuộc coi đó là sự xúc phạm, sỉ nhục với họ vì họ đâu có tham lam mà vẫn thường rộng rãi chia sẻ với những người cộng tác. Vả lại, Luật Sở hữu trí tuệ cùng các thông tư hướng dẫn đã có đầy đủ, chi tiết. Nhưng phía những người quản lý lại viện dẫn một thực tế là đã từng có một số người nhận giải thưởng không nghiêm túc thực hiện quy định. Việc này dẫn đến những khiếu kiện liên miên kéo dài mà cơ quan quản lý phải giải quyết “cả năm không hết”.

Chuyện nhạy cảm, chuyện tế nhị, chuyện rất đời, chuyện sỉ nhục vậy là hiện hữu, đồng hành từ cả hai phía. Không chỉ là chuyện ứng xử, cũng không chỉ là chuyện trong giới nghệ sĩ, trong xã hội luôn có người, có lúc tham và không tham, liêm sỉ và vô liêm sỉ, trong sáng và vẩn đục.

Chuyện xưa đã kể về những vị quan Trần Thì Kiến (1260-1330) và Phạm Công Trứ (1600-1675) móc họng nôn ra những món ngon đã trót ăn vì lầm lỡ tin người để thể hiện sự liêm khiết và quyết xử lý những vụ đút lót, hối lộ. Những câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi không tham 10 lạng vàng do vua yêu thương ông mà sai người lén để vào nhà; về quan Thượng thư Nguyễn Duy Thì quyết không vì 2.000 lạng vàng của người quyền quý đem đến giường ông nhằm chạy tội... Hay chuyện Thái học sinh Đặng Tảo, người từng được sủng xí chọn đứng đầu bên giường ngự của vua, nhưng khi được vua ban tặng 20 mẫu đất ruộng, ông đã không dùng bởi không muốn ỷ thế vua tranh chấp với người khác vốn từng đứng tên đất. Lại có người như Uy giản hầu (không rõ tên) vốn có mẹ từng làm cung tần, tính tham lam thường chiếm đoạt ruộng đất của dân nhưng khi nghe vua khuyên dạy đã đem trả lại toàn bộ số ruộng đất ấy cho dân...

Những sự việc, những tấm gương thanh liêm hay tham bỉ được sử sách ghi lại đời nào cũng có. Ngay những người có tài, có công lớn và từng có tiếng thơm như Trần Khánh Dư, Trần Khắc Chung cũng được kể đến những thói tật và việc xấu. Chữ “liêm” có nghĩa là trong sạch, ngay thẳng, không tham của người. Chữ “sỉ” là xấu hổ. Liêm và sỉ đi cùng là liêm khiết, biết điều sỉ nhục. Những chữ này thường được nhắc đến nhiều nhất như một giá trị đạo đức hàng đầu của con người, đặc biệt là những người làm quan, giữ trọng trách. Gắn với họ là những từ thanh liêm-trong sáng, không tham lợi; liêm chính-chính trị thanh liêm; liêm bình-thanh liêm và cần cán, tận tụy; tâm sỉ-lòng biết xấu hổ; cách sỉ-biết xấu hổ mà sửa đổi nết hư...

Không trọng liêm sỉ, con người, xã hội sa vào trạng thái suy đồi. Không có những con người đề cao liêm sỉ, bộ máy nhà nước không thể liêm chính mà trở thành suy yếu, mục ruỗng. Nhìn rõ sớm nguy cơ và diễn biến trong thực tế của tiến trình cách mạng nước ta với những biểu hiện “làm quan cách mạng” của Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhắc nhở và căn dặn cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu thực hiện “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Ngày nay, khi đất nước đổi mới, phát triển, đời sống kinh tế, xã hội ngày càng đa dạng, đồng thời những hiện tượng quan liêu, tham nhũng, thoái hóa, biến chất, đánh mất mình trong những con người của bộ máy công quyền đã trở thành những căn bệnh nặng thì cuộc đấu tranh “xây” và “chống” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên càng cần coi trọng như một nhiệm vụ then chốt, quyết định. Thẳng thắn, tâm huyết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần yêu cầu cán bộ đảng viên phải nêu cao phẩm chất liêm sỉ, liêm chính, phải có lòng tự trọng, phải biết xấu hổ để vượt thoát khỏi những cám dỗ tầm thường. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên phải tiến hành thường xuyên, liên tục không ngừng nghỉ. Đó là nguồn cội để Đảng ta đã và mãi “là đạo đức, là văn minh” như mong mỏi của Bác.

SA MUỘN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/liem-si-xua-nay-649776