Liên danh Hezbollah thắng cử tại Li-băng, phá tan mưu đồ Mỹ

Sự trỗi dậy của Hezbollah đã tạo ra một thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm, có thể làm thất bại mọi chính sách của Mỹ và đồng minh ở Li-băng...

Liên danh Hezbollah giành thế đa số trong Quốc hội Li-băng

Reuters ngày 7/5 đưa tin, Hezbollah và các đồng minh chính trị đã có chiến thắng quan trọng trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Li-băng, qua đó mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng cả về quân sự lẫn chính trị của Iran tại vùng đất nóng.

Thủ lĩnh Hezbollah, Sayyed Hassan Nasrallah, đã gọi kết quả này là “một chiến thắng toàn diện cả về chính trị lẫn pháp lý và đạo đức cho phong trào kháng chiến” chống lại Mỹ và Israel, đảm bảo quyền bình đẳng cho các dân tộc tại Trung Cận Đông.

Các ứng viên của Hezbollah hoặc được hỗ trợ hay liên minh với tổ chức này đã nhận được sự ủng hộ tại các thành phố lớn.

Theo kết quả cuối cùng thì Hezbollah và các đồng minh chính trị đã giành được 65 ghế/128 ghế tại Quốc hội Li-băng.

Mỹ đã thất bại trong việc thanh tẩy Hezbollah

Đặc biệt Hezbollah và các đồng minh chính trị của mình đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri ở Beirut, Tripoli và Sidon - những thành trì của Phong trào Tương lai, đảng chính trị của Thủ tướng Saad al-Hariri.

Trong khi đó liên minh chính trị của vị Thủ tướng thân phương Tây đã đánh mất hơn 1/3 số ghế của mình qua cuộc tổng tuyển cử "10 năm mới có 1 lần" này.

Cụ thể liên minh chính trị của Thủ tướng Hariri chỉ giành được 21 ghế, so với 33 ghế khóa trước.

Báo Al-Akhbar bình luận rằng chiến thắng của Hezbollah và các đồng minh chính trị trong cuộc bầu cử Quốc hội Li-băng diễn ra ngày 6/5 vừa qua là một “cái tát choáng váng mặt mày” với Thủ tướng Hariri.

Còn ông Andrew Tabler, chuyên gia phân tích chính trị thuộc Viện Washington của Mỹ thì nhận định: "Hariri tiếp tục suy yếu trong bất kỳ chính phủ nào tại Li-băng trong tương lai. Khả năng chế ngự của Hezbollah là rất đáng kể", Reuters tường thuật.

Đáng chú ý trong chiến thắng của Hezbollah là trong số các nghị sĩ mới được bầu có những nhân vật chính trị từng buộc phải rời khỏi chính trường Li-băng, sau khi cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri bị ám sát năm 2005, mà Hezbollah bị quy trách nhiệm.

Sự trở lại của tướng Jamil al-Sayyed, cựu Giám đốc tình báo Li-băng, bạn thân của Tổng thống Syria Assad và từng là người đàn ông quyền lực nhất Li-băng trong 15 năm nội chiến 1975-1990, là một điểm nhấn quan trọng.

Bên cạnh đó, việc thắng cử lần đầu tiên của ông Faisal Karami, con trai Thủ tướng Li-băng cuối cùng thân Syria, Omar Karami, cũng làm cho chiến thắng chính trị của Hezbollah thêm ý nghĩa.

Như vậy, với chiến thắng của phong trào du kích Hezbollah và các đồng mnh chính trị trong cuộc tổng tuyển cứ ngày 6/5/2018 tại Li-băng, cho thấy "yếu tố Iran - Syria" đã làm nhạt nhòa "yếu tố Mỹ - phương Tây" trong bàn cờ chính trị Li-băng.

Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah và Tổng thống Li-băng Michel Aoun - hình ảnh mà Washington không bao giờ muốn thấy

Vì vậy, Reuters đã bình luận: "Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Hezbollah và các đảng phái chính trị ủng hộ tổ chức này đã tạo ra một thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm, có thể làm thất bại mọi chính sách của phương Tây ở Li-băng".

Mưu đồ Mỹ phá sản

Xin nhắc lại là năm 2004, LHQ đã thông qua Nghị quyết 1559 về việc giải giáp nhóm du kích Hezbollah khiến cho tổ chức chính trị-vũ trang này phải tồn tại như một "tổ chức khủng bố quốc tế”.

Tuy nhiên, do Nghị quyết 1559 không có quy định chế tài với các bên trong trường hợp vi phạm nên Hezbollah đã thoát hiểm và trở thành cái gai của Mỹ và Israel cần phải bị nhổ bỏ.

Đặc biệt, kể tứ năm 2012, khi Hezbollah tham gia vào cuộc chiến ở Syria để ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, Washington đã tìm mọi cách để loại bỏ “mầm họa Hezbollah” đối với mưu đồ của Mỹ ở Syria và Trung Đông.

Sau những tuyên bố chính trị chống lại Hezbollah, ngày 25/10/2017, Mỹ đã chính thức luật hóa việc loại bỏ tổ chức chính trị-vũ trang này, khi Hạ viện Mỹ ủng hộ 3 biện pháp trừng phạt mới đối với Hezbollah.

Thứ nhất sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với bất cứ thực thể nào bị phát hiện hỗ trợ Hezbollah, nhất là cung cấp vũ khí, mà mục đích là hướng tới cả Tehran lẫn Damascus.

Thứ hai sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề với Iran và Hezbollah, trong đó có các biện pháp quân sự - nếu Tehran và “cánh tay phải” của mình ở Trung Đông có hành động sử dụng dân thường làm "lá chắn sống".

Thứ ba hối thúc EU liệt Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố, điều mà đồng minh của Mỹ vẫn chưa làm theo tinh thần Nghị quyết 1559 của LHQ, nhằm cô lập hoàn toàn tổ chức chính trị-vũ trang này, sau một thời gian thoát hiểm.

Với động thái được xem là mở lối của Hạ viện Mỹ cho chính quyền và quân đội Mỹ, “khủng bố” Hezbollah đã nằm trên đỉnh đầu ruồi của mọi đường ngắm hướng tới từ Washington.

Kịch bản giả vờ từ chức của Hariri đã không mang lại hiệu quả

Sau khi đưa Hezbollah trở thành “đích ngắm cho mọi đường ngắm”, Washington đã có bước đi tiếp theo, mà được nhìn nhận là quyết cho nhóm du kích này vào rọ, qua chiêu trò "tội phạm hóa chính trị".

Nước cờ của Mỹ được bắt đầu bằng việc từ chức của Thủ tướng Li-băng Saad al-Hariri với một cách thức vừa bất ngờ, vừa đáng ngờ. Đó là thông báo từ chức từ Ả-rập Saudi, với lý do tính mạng bị đe dọa bởi Hezbollah.

Việc ông Hariri từ chức vì tính mạng bị đe dọa mà thủ phạm được chỉ đích danh là Hezbollah khiến nhóm du kích này bị gắn thêm tội danh mưu sát chính trị, sau khi đã là nghi phạm trong vụ ám sát cố Thủ tướng Rafik al-Hariri.

Khi Hezbollah tiếp tục bị cáo buộc mưu sát chính tri, tổ chức này nguy cơ bị tìm diệt bất ở cứ đâu.

Rõ ràng, khi bị xem là lý do khiến Thủ tướng Hariri từ chức, Hezbollah đã bị "án chồng án" và phải đối mặt nguy cơ bị xóa sổ chứ không chỉ bị giải giáp nữa.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/lien-danh-hezbollah-thang-cu-tai-li-bang-pha-tan-muu-do-my-3357809/