Liên đoàn Arab 'thắp sáng' nhiều kỳ vọng

Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 32 tại Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh khu vực vẫn 'âm ỉ' những 'điểm nóng', trong khi tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường. Vấn đề nổi bật nhất tại hội nghị này, như thường lệ vẫn là thúc đẩy các biện pháp giải quyết khủng hoảng, tăng cường các nỗ lực ngăn chặn, chấm dứt xung đột.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 32 diễn ra ở Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 32 diễn ra ở Saudi Arabia. Ảnh: Reuters

Bình luận về sự kiện, giới quan sát chỉ ra rằng, bên cạnh khát vọng phát triển, những ưu tiên quan trọng hàng đầu của AL hiện nay được phản ánh rõ nét trong hàng loạt vấn đề của khu vực như căng thẳng Israel - Palestine, khủng hoảng Syria, sự trỗi dậy của các phe nhóm vũ trang đối lập… Đáng chú ý nhất trong chương trình nghị sự là vấn đề Syria và phát triển kinh tế xanh.

Hội nghị diễn ra trong thời điểm Syria vừa trở lại AL sau 12 năm bị loại khỏi liên đoàn, kể từ khi bùng nổ nội chiến năm 2011. Hội nghị lần này ghi nhận tình cảm nồng ấm của nhiều quốc gia thành viên AL dành cho sự trở lại của Syria. Hiện nay, Syria đang trong quá trình giải quyết khủng hoảng chính trị dai dẳng hơn 1 thập kỷ nội chiến, cùng với đó là cuộc khủng hoảng nhân đạo sau thảm họa động đất diễn ra vào tháng 2/2023.

Thông qua hội nghị lần này, AL đã chủ trương tăng cường nỗ lực giúp Syria thoát khỏi khủng hoảng, chấm dứt đau khổ cho người dân ở các vùng chịu thiệt hại. Tuy nhiên, các nước Arab chắc chắn sẽ không ngay lập tức thực hiện quá trình này, bởi các lệnh cấm vận của Mỹ dành cho Syria vẫn được xem là rào cản rất lớn.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, điều quan trọng nhất là chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải giải quyết thành công cuộc khủng hoảng chính trị, từ đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ có những động thái tích cực nhằm gỡ bỏ trừng phạt, mở đường cho dòng đầu tư quốc tế đổ vào tái thiết Syria. Đây cũng là mong muốn chung của nhiều quốc gia AL, điển hình nhất là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng địa chính trị.

Liên quan tới trọng tâm phát triển kinh tế, AL đang vạch ra định hướng về việc phát triển các mô hình kinh tế mới phù hợp hơn với thực tiễn và xu hướng tương lai, như kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Lâu nay, các nước Arab có thế mạnh chủ lực về kinh tế dầu mỏ. Tuy nhiên, thực tế loại hình này đã qua thời hoàng kim, đặc biệt là sự chuyển dịch định hướng chung của thế giới về phát triển xanh. Vì vậy, khu vực này sẽ cần phải thay đổi căn bản cách nghĩ để không phải ở tình thế sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên sẵn có.

Các nhà phân tích cũng cho hay, khu vực đã đề xuất sáng kiến Trung Đông Xanh vào năm 2021 nhằm giúp các quốc gia trong khu vực phát triển các chương trình, kế hoạch lớn phục vụ nền kinh tế, nhưng vẫn chưa triển khai các hoạt động cụ thể. Bởi, sáng kiến này ở tầm vĩ mô, trong khi thực tế trước mắt là hàng loạt thách thức cơ bản như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19, lạm phát khiến giá cả tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt của người dân.

Một số học giả chính trị khu vực cho rằng, điều đặc biệt hàng đầu trong hội nghị thượng đỉnh của AL vừa qua là việc liên đoàn cho thấy mong muốn nhận được hỗ trợ tích cực hơn trong công tác phát triển các mô hình kinh tế mới và thân thiện, đặc biệt là định hình một số dự án quan trọng có thể được công bố và triển khai ngay sau hội nghị. Cùng với đó, UAE tới đây sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 28 của Liên hợp quốc (COP28). Đây sẽ là cơ hội tốt để AL tiếp tục nỗ lực nâng cao vị thế của khối Arab trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới, phần nào thúc đẩy những sự hỗ trợ từ bên ngoài đối với công cuộc phát triển xanh của khu vực.

Hội nghị vừa qua đặt ra những câu hỏi về sự chuyển biến của khu vực. Khi câu trả lời vẫn còn mơ hồ, giới chuyên gia vẫn lạc quan rằng, liên đoàn đang có những định hướng tích cực, thắp sáng những kỳ vọng phát triển cho các quốc gia Arab, từ đó lan tỏa tới các vấn đề toàn cầu.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lien-doan-arab-thap-sang-nhieu-ky-vong-post461551.html