Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc lần 2: Những màu sắc tươi trẻ và sáng tạo

Đó là nhận định của giới chuyên môn về Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc lần 2 vừa bế mạc tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, TP Buôn Ma Thuột. Sau hai năm COVID bị ngắt quãng, Liên hoan lần này cho thấy một sự hồi sinh mạnh mẽ của các đoàn nghệ thuật, ước vọng làm nghề sôi sục của các nghệ sĩ. Có thể nói, đây là một liên hoan của những khám phá mới, đầy hy vọng.

Lần đầu tiên nhạc kịch, ballet Việt tham dự liên hoan

Ba giải xuất sắc của Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc đã được trao cho ba vở diễn công phu, độc đáo là vở nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Người cầm lái” và 2 vở ballet “Kiều” và “Hàm lệ minh châu” về Mỵ Châu - Trọng Thủy. Đây cũng là ba tác phẩm làm nên điểm nhấn của liên hoan năm nay, lần đầu tiên có những vở nhạc kịch, ballet Việt Nam tham dự liên hoan, cho thấy sự sáng tạo mới mẻ và cập nhật với các xu thế mới của thế giới của các đoàn nghệ thuật, để Liên hoan không bị rơi vào tình trạng cũ và nhàm.

Vở nhạc kịch “Người cầm lái” của Nhà hát CAND giành giải xuất sắc tại Liên hoan.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài thay mặt hội đồng nghệ thuật của liên hoan nhận xét: “Liên hoan đã có một bức tranh đa sắc khi kết hợp được những tác phẩm bám chắc vào chất liệu bản sắc của từng vùng miền và những tác phẩm sử dụng ngôn ngữ đương đại một cách sáng tạo. Về sáng tác, chỉnh biên nâng cao, nhiều chất liệu nguyên gốc được sử dụng trong Liên hoan như: Hát then, hát khắp, hát canh, hát tế lễ dân ca Tây Nguyên, dân ca Nam bộ, đàn ca tài tử, hát Aray, Khmer… Bên cạnh những tiết mục múa khai thác, phục dựng lễ tế, lễ cúng, lễ hội dân gian, nhiều tiết mục tìm tòi sáng tạo gây được ấn tượng tốt về thị giác, tạo điều kiện để diễn viên thể hiện tối đa kỹ năng biểu diễn của mình”.

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, với nguồn năng lượng dồi dào đã chứng minh khả năng dàn dựng vũ kịch xuất sắc.Vở ballet “Hàm lệ minh châu” đã chạm vào cảm xúc người xem, thể hiện được năng lực chuyên môn cao của các nghệ sĩ.

Được chia làm 4 màn, vở Ballet sẽ có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa câu chuyện của một đôi trai gái trong xã hội hiện đại và mối tình đau khổ giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy trong truyền thuyết. Là sản phẩm có sự pha trộn giữa nghệ thuật Ballet cổ điển, múa dân gian truyền thống và múa đương đại, sự giao thoa văn hóa giữa phương Tây và phương Đông, “Hàm lệ minh châu” là một vở múa độc đáo và mới lạ đối với công chúng trong nước và quốc tế.

Nhà hát Công an Nhân dân lần đầu tiên trình làng một vở nhạc kịch đồ sộ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Người cầm lái” do nghệ sĩ Tuyết Minh làm tổng đạo diễn. Có thể nói, vở diễn đã gây được tiếng vang lớn trong lòng công chúng cũng như giới làm nghề.

Chia sẻ bên lề Liên hoan, biên đạo múa Tuyết Minh nói: “Vở diễn là sự cố gắng và tâm huyết của tôi cũng như anh em nghệ sĩ Nhà hát Công an Nhân dân. Đó cũng là một cái ngưỡng tôi đã vượt qua trong sự nghiệp của mình. Tôi cảm nhận được tình cảm cao nhất của các đơn vị, đồng nghiệp và khán giả. Vở “Người cầm lái” diễn vào đêm bế mạc nên rất đông khán giả và các đoàn đến xem. Họ vỗ tay ở những trường đoạn đang diễn giúp diễn viên thăng hoa. Đặc biệt cảm động có những khán giả lên sân khấu tặng bánh dày giò và cơm nắm cho diễn viên. Sự đón nhận của khán giả là đích đến của một vở diễn. Cũng có người nói rằng, kết cấu, thủ pháp opera chưa đặc trưng, nhưng tôi chỉ lấy nền tảng cổ điển châu Âu để đưa văn hóa dân tộc vào. Tôi muốn làm những vở diễn Việt Nam, câu chuyện Việt Nam gần gũi với người Việt”.

Lần đầu tiên giành giải xuất sắc ở thể loại rất khó, nhạc kịch, Nhà hát Công an Nhân dân đã khẳng định được tiềm năng của mình. “Tôi mong từ thành công này, nhà hát sẽ tìm được những hướng đi mới mẻ, cập nhật với xu thế mới, để không chỉ cống hiến cho lực lượng Công an mà còn đến rộng rãi hơn với công chúng trong và ngoài nước, xứng đáng là nhà hát đầu ngành của lực lượng Công an”. Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ.

Ngoài vở nhạc kịch “Người cầm lái”, Tuyết Minh cũng là tác giả và tổng đạo diễn của vở ballet “Kiều” đã gây dấu ấn mạnh mẽ trong năm qua.

Sức trẻ từ một liên hoan

Chất lượng của Liên hoan ca múa nhạc Toàn quốc lần 2 hơn hẳn lần 1, đó là khẳng định của giới chuyên môn về liên hoan lần này. Đặc biệt, điều đáng ghi nhận năm nay là sức trẻ của các đoàn nghệ thuật. Nhiều đoàn trong Nam đầu tư, đổi mới về nội dung, hình thức, thể hiện sự trẻ trung và đổi mới, cập nhật được ngôn ngữ mới của thế giới. Chúng ta bắt đầu có một thế hệ nhạc sĩ, biên đạo trẻ tham gia sáng tạo, còn những nghệ sĩ gạo cội lùi vào vai trò cố vấn nghệ thuật, tạo sức trẻ cho liên hoan lần này.

Như đảm nhiệm các vai chính trong vở ballet “Hàm lệ minh châu” là các nghệ sĩ tài năng của nhà hát như NSƯT Phan Lương, nghệ sĩ Văn Nam, nghệ sĩ Vũ Anh… cùng nhiều NSƯT và các nghệ sĩ khác. Ở lĩnh vực múa, có các nghệ sĩ xuất sắc như NSƯT Trần Hoàng Yến (Nhà hát Nhạc Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh), nghệ sĩ múa Quang Anh, Thu Hằng, diễn viên solid của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam....

Trong lĩnh vực sáng tác, những đoàn ít gây tiếng vang như đoàn Ca múa nhạc Bình Dương, Ninh Thuận lần này tạo được những hiệu ứng tốt, năng động, trẻ trung do biên đạo và ê kíp tại địa phương làm, có nhiều chương trình gây tiếng vang. Đặc biệt lần này 22 đơn vị đầu ngành, khó phân biệt đoàn nào hơn đoàn nào. Nhà hát Công an với vở “Người cầm lái” ghi dấu ấn mạnh mẽ, còn hai đơn vị nhạc vũ kịch quá nổi tiếng. “Toàn đoàn mạnh gặp nhau nên Ban Giám khảo có thể có sự cân đối hợp lý về huy chương để động viên tinh thần của các nghệ sĩ, nhất là khi trải qua 2 năm dịch bệnh khó khăn”. Biên đạo múa Tuyết Minh nói.

Vở "Ballet Kiều" của Nhà hát Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh.

Có một thực trạng từ các kỳ liên hoan, đó là số phận của những tác phẩm được giải thưởng sẽ đi về đâu, hay lại rơi vào tình trạng “đắp chiếu” rất lãng phí. Lần này, ba vở diễn giành giải xuất sắc từ 3 nhà hát đều có kế hoạch biểu diễn dài hơi. Vở ballet “Kiều” của Nhà hát nhạc Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh đã công diễn nhiều buổi và được dư luận đánh giá cao. Sắp tới đây, vào ngày 20-8-2022, balle “Kiều” sẽ công diễn trong chương trình “Giai điệu mùa thu”, sau đó sẽ quay lại với khán giả Hà Nội. Vở nhạc kịch “Người cầm lái” cũng sẽ có tour lưu diễn các tỉnh trong thời gian tới và tiếp tục công diễn tại Hà Nội. Vở “Hàm lệ minh châu” của Nhà hát Nhạc Vũ kịch cũng đã có những suất diễn cháy vé tại Hà Nội. Còn với những chương trình ca múa nhạc quá đồ sộ thì khó để có những buổi diễn sáng đèn, điều này các đoàn nghệ thuật cần tính toán lại.

Lễ bế mạc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2) tổ chức tối 30-6 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, TP Buôn Ma Thuột. Liên hoan do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức, với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ, cán bộ các nhà hát trên toàn quốc.

Ngoài 3 giải xuất sắc, liên hoan còn trao 7 huy chương vàng cho Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội với chương trình “Rạng rỡ vinh quang- Sao vàng tỏa sáng”, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông sen với chương trình “Sen trắng”, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển tỉnh Phú Yên với chương trình “Nẫu”.

Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An với chương trình “Sắc”, Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk với chương trình “Những bức tranh bazan đỏ"; Đoàn văn công Quân khu 7 với “Đất mẹ miền Đông” và trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Dương với chương trình“Bình Dương - Đất ấm - Tình người”.

Ban tổ chức còn trao 4 huy chương bạc và 4 huy chương đồng cho các chương trình, vở diễn; 45 huy chương vàng, 61 huy chương bạc và 18 huy chương đồng cho giải tiết mục, diễn viên. Và 7 giải xuất sắc cho các thành phần sáng tạo, trong đó giải nam và nữ diễn viên múa chính xuất sắc đều thuộc về hai diễn viên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam là Phan Văn Lương (vai Trọng Thủy) và Phạm Thu Hằng (vai Mỵ Châu).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/lien-hoan-ca-mua-nhac-toan-quoc-lan-2-nhung-mau-sac-tuoi-tre-va-sang-tao-i659763/