Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018: Liên hoan của thế hệ nghệ nhân trẻ

Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018 diễn ra từ ngày 1 - 5/11/2018 tại Hà Tĩnh với sự tham gia của 13 tỉnh, thành có di sản ca trù. Liên hoan năm nay vắng bóng lớp nghệ nhân lớn tuổi mà thay vào đó là lớp đào nương, kép đàn kế cận.

Liên hoan năm nay là Liên hoan của lớp nghệ nhân trẻ.

Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 do Cục Văn hóa cơ sở, Viện Âm nhạc, Cục Di sản văn hóa và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh tổ chức.

Theo Ban tổ chức, Liên hoan Ca trù toàn quốc năm nay sẽ có sự tham gia của 13 tỉnh, thành có di sản ca trù như: Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Phòng, Hưng Yên,Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ,Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Các chương trình tham gia Liên hoan sẽ gồm một phần nội dung bắt buộc và một phần nội dung không bắt buộc.

Với nội dung chương trình bắt buộc, mỗi đoàn sẽ xây dựng một chương trình tham gia Liên hoan, trong đó phải trình bày tối thiếu 3/15 thể cách quy định bắt buộc, 1 tác phẩm của Nguyễn Công Trứ (có thể được hát bằng 1/3 thể cách bắt buộc đã chọn). Phần còn lại của chương trình là các tiết mục tự chọn, thể hiện những nét đặc trưng độc đáo của địa phương.

Phần nội dung chương trình không bắt buộc là phần thi “Tài năng ca trù 2018”. Đối tượng dự thi là các đào nương, kép đàn, quan viên; quy định độ tuổi từ 15- 55 tuổi. Ở phần này, các đoàn có thể đăng ký tham gia hoặc không.

PGS.TS. Đăng Hoành Loan tại cuộc họp báo giới thiệu Liên Hoan ngày 24/10/2018.

PGS.TS.Đặng Hoành Loan, Tổng đạo diễn của Liên hoan cho biết: Sau 10 năm ca trù được UNESCO vinh danh, Liên hoan lần này vắng bóng những nghệ nhân lớn tuổi mà thay vào đó là lớp nghệ nhân thế hệ mới, lớp trẻ được đào tạo, truyền dạy. Đây là điều đáng mừng cho thấy lớp trẻ đã có nhiều người yêu thích ca trù. Ngoài ra, năm nay Ban tổ chức tập hợp mỗi tỉnh một đơn vị, từ đó ta có thể đánh giá được việc duy trì sự phát triển, ứng xử với ca trù của tỉnh đó tới đâu, đánh giá được thái độ của địa phương đó ứng xử với công ước quốc tế đã cam kết như thế nào.

Một điểm mới của Liên hoan năm nay là đêm khai mạc, Ban tổ chức đã mạnh dạn đưa âm nhạc đương đại vào âm nhạc ca trù. Sự kết hợp giữa cổ và kim kéo dài trong 15 phút giữa múa hiện đại cùng với âm nhạc hiện đại kết hợp với lối hát ca trù. Đây là cách làm để chúng ta đưa ca trù dần tham gia vào âm nhạc hiện đại, giúp cộng đồng có cái nhìn khác trong phương pháp ứng dụng âm nhạc cổ truyền vào hiện đại.

Cụ thể, đêm khai mạc mở màn bằng tác phẩm Thiên thai với 3 chương: Chương 1, cảnh tươi đẹp của thiên thai (nhạc không lời) kéo dài 5 phút. Chương 2, hát bài thơ Thiên thai của cụ Nguyễn Thị Sinh (dựa theo băng), giới thiệu giọng hát, đào nương và kép đàn giống như vi hành thiên thai.

Chương 3, nhạc hiện đại, điêu múa hiện đại với mong muốn cuộc sống như trên thiên thai. Cơ cấu giải thương cuẩ Liên hoan năm nay được xây dựng với nhiều hạng mục khác nhau. Tất cả các giải thưởng đều do Hội đồng thẩm định nghệ thuật bỏ phiếu bầu chọn.

Di sản hát ca trù chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào tháng 10/2009. Ban tổ chức cho biết, Liên hoan ca trù toàn quốc năm nay là cơ hội để Việt Nam tổng kết và đánh giá lại toàn bộ thành quả phục hưng ca trù và báo cáo thực trạng sống của ca trù hiện nay trong đời sống xã hội đương đại. Qua đó, Việt Nam khẳng định đã thực hiện đầy đủ và đạt được những kết quả thiết thực trong hành động quốc gia như đã cam kết với UNESCO.

Kết quả của Liên hoan cũng sẽ là một trong những cơ sở dữ liệu để tiến tới thực hiện hồ sơ xin chuyển di sản hát ca trù từ danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Minh Quế

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lien-hoan-ca-tru-toan-quoc-nam-2018-lien-hoan-cua-the-he-nghe-nhan-tre-64635