Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4: Bữa tiệc nghệ thuật đa sắc

Trong những ngày qua, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm với 7 vở diễn của các đoàn nước ngoài tham gia, đã thực sự trở thành một 'bữa tiệc' nghệ thuật đa sắc. Ở đó, các tác phẩm nước ngoài không chỉ mang đến những trải nghiệm nghệ thuật mới cho khán giả mà còn là bài học quý báu cho sân khấu Việt.

Vở “Tháng Tám” của Nhà hát Maldype (Hungary).

Vở “Tháng Tám” của Nhà hát Maldype (Hungary).

7 vở diễn nước ngoài tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 gồm: Tháng Tám (Hungary); Bpolar (Israel); Macbeth Mirror (Ấn Độ); Hai vạn dặm dưới biển (Hàn Quốc); Câu chuyện về bức tranh cổ (Trung Quốc); Ngôi đền quỷ ám (Singapore); Cánh đồng đẫm máu (Hy Lạp). Đây có thể được xem là những tiết mục xuất sắc nhất đã được BTC “sàng lọc” kỹ lưỡng từ 53 tiết mục của 40 quốc gia đăng ký tham gia ở cả tiêu chí khách quan và chủ quan.

Theo NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam: “Việc có nhiều quốc gia tham dự so với những kỳ tổ chức trước là tín hiệu mừng và nâng tầm uy tín của Liên hoan. Sau khi BTC gửi giấy mời có rất nhiều nước bày tỏ mong muốn được có mặt Liên hoan lần này”. Tuy nhiên, theo NSND Lê Tiến Thọ thì bên cạnh những lý do khách quan về kinh phí, thủ tục giấy tờ nên nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài đến phút chót đã phải xin rút… nhưng không phải vì thế mà BTC lựa chọn “đại trà” các tiết mục nước ngoài trình diễn tại Liên hoan lần này. Khi nhận được băng đĩa đăng ký tham dự, Hội đồng nghệ thuật thẩm định, nhận xét, đánh giá để lựa chọn trên tiêu chí cố gắng khách quan, công bằng. Hội đồng nghệ thuật gồm 5 chuyên gia là những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu có thành tích, có uy tín trong nghề. Trong số này có 2 chuyên gia nước ngoài từng cộng tác với Việt Nam, hiểu biết về văn hóa Việt Nam và có được cái nhìn tổng thể chung về sân khấu Việt cũng như sân khấu thế giới… “Về mặt bằng chung của các vở diễn tham gia của các đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia Liên hoan có rất nhiều cách tân trong nghệ thuật, kỹ thuật và đặc biệt là về sân khấu. Nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế hiện nay có xu hướng đơn giản hóa tối đa sân khấu, di chuyển gọn nhẹ và biểu diễn cũng hết sức cô đọng, tiết kiệm chi phí, công sức rất nhiều. Điều quan trọng là họ có khán giả, đáng để cho sân khấu Việt Nam học hỏi”- NSND Lê Tiến Thọ nhận xét.

Với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng của BTC có thế thấy sau hơn một nửa chặng đường các vở diễn nước ngoài đã thực sự tạo được ấn tượng mạnh không chỉ với khán giả mà ngay cả Hội đồng nghệ thuật. Đơn cử như vở Bpolar được chuyển thể từ truyện ngắn kinh điển Nhật ký của một người điên của Đoàn kịch Israel. Dựa trên truyện ngắn kinh điển của Gogol, sự phát triển của bệnh tâm thần được minh họa trên sân khấu, qua con mắt của nạn nhân. Điểm đặc biệt của vở diễn là không có một từ nào được nói trên sân khấu mà không thông qua chuyển động, nghệ thuật video, âm nhạc và ánh sáng, trong ngôn ngữ sân khấu độc đáo của đoàn nghệ thuật Israel. Ở đó, vở diễn là sự kết hợp âm nhạc, chuyển động ánh sáng, múa rối, diễn xuất không lời và các màn chiếu nghệ thuật video phong phú, nhằm tạo nên một sân khấu đa ngôn ngữ độc đáo, vượt qua ranh giới giữa “điện ảnh sống” và sân khấu điện ảnh. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ Israel đã thể hiện tài năng thông qua khả năng nhạc cảm, vận dụng ngôn ngữ hình thể tạo sự chuyển động của không gian, thời gian và đưa đến người xem những cảm xúc chân thật.

Một cảnh trong vở “Bpolar” của Đoàn kịch Israel.

Hay như vở diễn Hai vạn dặm dưới đáy biển của Đoàn kịch Hàn Quốc cũng chọn thế mạnh kịch không lời, tạo điểm nhấn bằng giao diện hình thể, gợi mở nhiều suy nghĩ cho người làm nghệ thuật trong nước. Bằng hiệu ứng của âm nhạc, âm thanh, ánh sáng và đặc biệt là tài năng của 4 nghệ sĩ, vở diễn đã cuốn khán giả vào câu chuyện khoa học viễn tưởng, với thuyền trưởng Nemo và những người bạn đã chiến đấu chống lại kẻ xâm lược, bảo vệ mảnh đất của tổ tiên, giúp đỡ người nghèo. Vở diễn còn gửi đến người xem thông điệp về một cuộc sống bình đẳng, tự do, nhân văn và hạnh phúc… Cũng sử dụng thủ pháp phi ngôn ngữ vở Tháng Tám của Nhà hát Maldype (Hunggari) cũng mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới. Vở diễn do Zoltán Balázs đạo diễn, được bắt nguồn từ những câu nói siêu hình của Schulz và những nhân tố triết học của ông. Nó đã được chuyển đổi từ trí tưởng tượng và cảm xúc sáng tạo của nhân loại sang chủ nghĩa phi ngôn ngữ. Vở diễn được dựa trên các công thức toán học chính xác của sự chuyển động cơ thể. Diễn xuất được xây dựng trên các chuyển động, cử chỉ, ngoại hình và nó dẫn dắt khán giả đến một chiều hướng mới, nhưng nó vẫn bao gồm các yếu tố của quá khứ, hiện tại trong thế giới đầy hoài niệm của chúng ta…

Thế nhưng, với một Liên hoan sân khấu thử nghiệm không hẳn lúc nào cũng có được sự toàn vẹn, thành công tuyệt đối. Dù đã có sự chuẩn bị, sàng lọc kỹ lượng những không hẳn vở diễn quốc tế nào cũng nhận được sự tán thưởng của Hội đồng nghệ thuật mà thậm chí còn bị “chỉ trích” khá nặng nề. Đơn cử như vở diễn Ngôi đền của quỷ ám của Singapore dù trước Liên hoan được đánh giá cao những sau khi trình diễn đã không đạt được kỳ vọng ở tiêu chí thử nghiệm. Theo đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà thẳng thắn đánh giá đây là vở diễn không có một chút thử nghiệm gì từ công tác biên kịch, đạo diễn cho tới nghệ thuật biểu diễn. Câu hỏi đặt ra đối với BTC Liên hoan là phải chăng sự cố ý lựa chọn vở diễn này vào mâm cỗ sân khấu của Liên hoan là để có đông đoàn quốc tế? Nếu mà như vậy thì nên đổi tên là Liên hoan quốc tế sân khấu chung chứ không nên đưa vào hai chữ “thử nghiệm”. “Đây cũng là một vấn đề mà những nhà tổ chức Liên hoan cần cân nhắc để làm sao thu hút được nhiều hơn số lượng các đơn vị quốc tế tham dự, đồng thời các chương trình cũng thể hiện rõ nét hơn về tiêu chí thử nghiệm để vở diễn không bị lạc lõng so với các đơn vị khác” - NSND Giang Mạnh Hà nói.

Nhưng rồi dù thành công hay thất bại thì với sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật nước ngoài đã mang đến cho Liên hoan những làn gió mới và xu hướng của sân khấu quốc tế là kịch không lời. Trong những ngày qua Liên hoan thực sự đã trở thành nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp của nghệ sĩ trong nước và quốc tế, hướng tới tìm kiếm, sáng tạo cách làm, cách kể mới, qua đó làm giàu nghệ thuật sân khấu là những mong muốn của những người làm sân khấu thử nghiệm.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/am-nhac/lien-hoan-quoc-te-san-khau-thu-nghiem-lan-thu-4-bua-tiec-nghe-thuat-da-sac-tintuc449430