Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018: Nửa chặng đường đã qua

Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 đã đi được hơn nửa chặng đường với 18/27 vở diễn của 16/22 đơn vị.

Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc (LHSK KNCN) năm 2018 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 11/4- 26/4/2018 đã đi được hơn nửa chặng đường với 18/27 vở diễn của 16/22 đơn vị. Tuy chưa kết thúc liên hoan, nhưng có thể thấy một số điểm nổi bật về phong cách kịch và một số vấn đề về sân khấu kịch nói Việt Nam hiện tại.

Vở "Bão tố Trường Sơn".

Tính từ năm 2009 đến nay là 9 năm LHSK KNTQ mới lại được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, và lần đầu tiên số lượng các đơn vị ngoài công lập tham gia liên hoan đạt kỷ lục 13/22, tạo nên một không khí “kịch nói” với giới nghệ sĩ sân khấu và công chúng yêu kịch nói của thành phố, giống như một đại tiệc nhiều sắc màu, khẩu vị, phong cách tụ hội hiếm có.

Chưa hết liên hoan, chưa xem hết 27 vở diễn, nhưng với 18 vở đã qua của 16 đoàn có thể đã “nhìn” thấy một số vấn đề mới và chưa mới của sân khấu kịch nói Việt Nam hiện tại.

Đa dạng đề tài và rõ nét phong cách kịch hai miền

Đây là một LHSK KNCN mà biên độ đề tài được mở rộng, dù có sự khuyến khích các đề tài về cách mạng và thực hiện theo tấm gương đạo dức Hồ Chủ Tịch, có rất nhiều vở mang tính hiện thực xã hội không né tránh thói hư tật xấu, lấy chuyện xưa nói chuyên nay, có vở đề cập đến các vấn đề thời sự nóng từ nông thôn cho đến thành thị, từ chuyện tranh chấp đất đai cho đến các dự án công nghiệp lớn…

Có nhiều vở tính nhân văn rất cao, từ chuyện những mảnh đời nghiệt ngã đến tình người trong những hoàn cảnh trớ trêu, kể cả những bài học luân lý nhân quả gieo gió gặt bão như sự cảnh tỉnh con người hãy yêu thương nhau, biết trân trọng cuộc sống an bình …

Điểm chung nhất của nhiều vở diễn là có sự sáng tạo, bắt nhịp cuộc sống để chuyển tải những thông điệp đời thường dưới góc nhìn sân khấu; hoặc “khoác áo mới” cho tác phẩm văn học để nó trở nên “đời” hơn, gần gũi hơn với cuộc sống thường ngày.

Vở "Con tốt sang sông".

Cũng qua những vở diễn của các đơn vị công lập - chiếm gần như tuyệt đối các đoàn phía Bắc và ngoài công lập là các đơn vị của TP Hồ Chí Minh, thấy rất rõ hai phong cách của sân khấu kịch. Một là vẫn rất chỉn chu, nghiêm cẩn, mang tính chính luận cao, nhiều vở mang tính lịch sử cách mạng như : Con tốt sang sông, Sóng muôn đời thao thức (Nhà hát kịch Quân đội), Bão tố Trường Sơn (Nhà hát kịch Việt Nam), Gặp lại người đã chết (Nhà hát Kịch Công an nhân dân), Tình đồng đội (Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn)…

Hay mang tính hiện thực xã hội với các vần đề nóng như Vùng lạnh, Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nhà hát Kịch Hà Nội), Thiên đường (Đoàn Kịch nói Hải Phòng), Nhà Ô sin, Hoa cúc xanh trên đầm lầy (Nhà hát Tuổ Trẻ), Dưới ánh đèn (Sân khấu thể nghiệm Hội NSSKVN)…

Vở "Thiên thần nhỏ của tôi".

Ngược lại với sân khấu ngoài công lập, thì tính thị trường rất cao trong các vở kịch tham gia liên hoan. Ngoài một số vở có tính chính luận và đề tài cách mạng như Châu về hợp phố (Sân khấu kịch Hồng Vân), Rặng trâm bầu ( Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi), thì các vở tham gia của các sân khấu rất đa dạng, theo nhũung xu hướng kịch “ăn khách” của thị trường.

Như kịch nặng chất kinh dị, rùng rợn như Quỷ sống (Cty TNHH sân khấu - điện ảnh Gia đình), Oan hồn (Cty cổ phần đầu tư Giải trí Phươc Sang)…, hay nặng chất hài như Đám cưới chùm (Cty TNHH Nụ cười mới) , Mua chồng 30 vạn (Cty Cổ phần TTQC Sài Gòn phẳng), nặng chất thể nghiệm như Yêu là thoát tội (Nhà hát Thế Giới Trẻ), Gương mặt kẻ khác (Sân khấu Kịch 5B)…

Hoặc rất đời thường như Hiu hiu gió bấc(Sân khấu kịch Buffalo), Tiếng vạc sành (Sân khấu kịch Minh Nhí), Đàn bà dễ có mấy tay(Sân khấu kịch Hồng Vân), Tiếng giày đêm(Cty TNHH Giải trí hero Film).

Hai phong cách kịch đã tạo nên sự khác biệt rõ rệt của sân khấu kịch công lập và ngoài công lập, kịch Bắc - kịch Nam. Kịch Bắc sân khấu hoành tráng cùng chiều sâu tư tưởng những thông điệp chuyển tải nhưng có phần “khô” không dễ cảm nhận với số đông công chúng, và kịch Nam thì chất “thị trường” nhiều hơn, mang cảm giác “quen quen” nên dễ gần dễ cảm, dễ thu hút công chúng.

“Thầy” già “con hát” chưa có danh

Nhìn vào danh sách các đạo diễn tham dự LHSK KNCN 2018, có thể thấy vẫn là những cái tên đã thành danh từ vài chục năm nay… Cho dù đã có sự “đổi ngôi”, nhiều đơn vị xã hội hóa tham gia thì vẫn thấy liên hoan là “sân chơi” của các đạo diễn đã thành danh mấy chục năm nay.

27 vở diễn tham gia thì có đến 5 vở do NSND Lê Hùng làm đạo diễn: Gặp lại người đã chết (Nhà hát Kịch Công an nhân dân), Sóng muôn đời thao thức (Nhà hát Kịch Quân đội), Tình đồng đội (Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nhà hát Kịch Hà Nội), Thiên đường (Đoàn Kịch nói Hải Phòng).

Ngoài ra là 4 vở do NSƯT Trần Minh Ngọc đạo diễn, và những cái tên quá quen thuộc như NSND Hoàng Dũng, NSND Anh Tú, NSND Lê Khanh. Thậm chí, sân khấu ngoài công lập thì các vở diễn cũng được giao cho những tên tuổi như: NSND Trần Nhượng, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Hồng Vân, NSƯT Trịnh Kim Chi… Rất hiếm đạo diễn “lạ”, mới, trẻ.

Còn kịch bản thì cũng có những cái tên rất quen từ bao năm nay như Chu Thơm, Đăng Chương, Xuân Đức…, còn không thì kịch cũng đã rất cũ, có vở đã diễn từ hơn 20 năm trước, nay mang dựng lại như vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy có từ hơn 20 năm trước, Lũ quỷ sống được đổi tên từ vở Mẹ yêu mà cố NSƯT Đoàn Bá dàn dựng cách đây hơn 20 năm; Người mẹ thứ hai cũng được khai thác từ kịch bản 20 năm tuổi; Tiếng vạc sành từng gây tiếng vang trên Sân khấu IDECAF từ năm 2004; Tiếng giày đêm cũng trở lại sau gần 20 năm; từ khi xuất hiện vào năm 2011 Yêu là thoát tội đã có mặt ở đủ các hội diễn sân khấu (cải lương, chèo, kịch nói).

Vở "Yêu là thoát tội".

Khán giả vẫn mong mỏi có những yếu tố mới, lạ từ các vở diễn như: Kịch bản mới, diễn viên mới, hay chí ít là đạo diễn mới, nhưng có lẽ ở LHSK KNCN 2018 này vẫn là điều “xa xỉ”, cơ hội giao lưu, cọ xát của các đạo diễn trẻ vẫn còn xa vời.

Có thể nói, liên hoan này cũng phản ánh thực trạng của sân khấu kịch nói Việt Nam hiện nay, khi các đạo diễn trẻ vẫn chưa thể hiện được bản thân, dù đã được đào tạo chuyên ngành đạo diễn bài bản tại các trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh. Đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc, người có tới 4 vở trong LHSK KNCN 2018 cũng chia sẻ: “Sân khấu chỉ có những người già như chúng tôi làm đạo diễn sẽ là một sân khấu thiếu tương lai. Hãy tạo điều kiện cho người trẻ xuất hiện, trao cho họ cơ hội và sự tin yêu, đừng buộc họ phải tự bơi nữa”.

Sự cũ kỹ của các kịch bản dự Liên hoan, thiếu những vở diễn quy mô, thể hiện được những đề tài lớn mang tính xã hội và thời đại như lời cảnh báo mạnh mẽ sân khấu kịch nói Việt Nam đang trì trệ, nếu không muốn nói là đi thụt lùi.

Với những ưu khuyết điểm bổ sung cho nhau, một LHSK KNCN với nhiều đổi mới và cởi mở lần này là cơ hội cần thiết có sự định hướng, đổi thay quyết liệt để chuyển mình cho bước phát triển mới để người làm nghệ thuật trong Nam ngoài Bắc học hỏi lẫn nhau, định hướng phát triển cho sân khấu kịch trong giai đoạn mới./.

CTV Hoài Hương/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/lien-hoan-san-khau-kich-noi-toan-quoc-2018-nua-chang-duong-da-qua-753436.vov