Liên hoan sân khấu Thủ đô: Điều gì đọng lại?

(Toquoc)- Có thể nói, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất là cuộc “tổng duyệt” lớn nhất của sân khấu Thủ đô giai đoạn hiện nay. Khép lại một Liên hoan khá đông khán giả, nhưng các vở diễn vẫn là những vấn đề cũ, quan niệm cũ…

Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất (26/9/2014 - 5/10/2014) vừa khép lại. 9 đêm diễn với 9 vở kịch đa dạng thể loại: kịch nói, cải lương, tuồng, chèo, trong đó cũng có những vở diễn lần đầu ra mắt như: Cánh chim trắng trong đêm (Nhà hát Chèo Hà Nội), Bản danh sách điệp viên (Đoàn kịch Công an nhân dân)… Khán giả đến rạp rất đông, có lẽ bởi “miễn phí vé vào cửa”. Các giải thưởng đã được trao, nhưng không mấy ai dám tin tưởng, những vở diễn đoạt giải cao nhất có thể sống độc lập, bán vé sau kỳ Liên hoan. Vấn đề đổi mới sân khấu Thủ đô cũng được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình nhắc tới.

Chất lượng chưa cao

9 đêm diễn của Liên hoan sân khấu Thủ đô, dù không tập trung ở một địa điểm (vở diễn của nhà hát nào được biểu diễn tại địa chỉ của nhà hát đó) nhưng khán giả Thủ đô đã đến xem rất đông. Trong đó, kể cả những vở diễn đã ra mắt khá lâu như “Nhà có ba chị em gái” (Nhà hát Tuổi trẻ) hay “Đường đua trong bóng tối” (Nhà hát Cải lương Hà Nội) vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả các các nghệ sĩ đồng nghiệp.

Tuy nhiên, cần phải nhớ, đây là Liên hoan không bán vé. Và khán giả đến đông chưa hẳn bởi chất lượng các vở diễn cao.

Không nhiều vở diễn có thể sống độc lập, bán vé sau Liên hoan

Đánh giá điều này, PGS,TS Trần Trí Trắc- Chủ tịch Hội đồng Giám khảo của Liên hoan cho biết: “Rất nhiều năm qua và ngay cả 9 đêm diễn ở Liên hoan lần này, cái đẹp mới của hiện thực mới, cùng quan điểm mới về cái đẹp của nghệ sĩ quá hạn chế, biểu hiện nhiều vấn đề cũ, vở cũ, quan niệm cũ với những nhược điểm: kết cấu nhân vật lỏng lẻo, nhân vật chính diện mờ nhạt hơn nhân vật phản diện, nhân vật tiêu cực gây được dấu ấn trong lòng khán giả nhiều hơn nhật vật tính cực. Không ít vở, nghệ sĩ thì quá nhiều nhưng nhân vật lại quá ít hoặc nhân vật thì đông mà hình tượng thì sơ sài. Thậm chí, có vở thắt nút đã đơn giản mà mở nút còn dễ dàng hơn”.

Còn NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu- Trưởng BTC Liên hoan thì cho rằng: “Các vở diễn có tác phẩm mới, có chất lượng, đó là điều vui của Liên hoan. Nhưng hạn chế là chưa có những tác phẩm xứng tầm với sự lớn mạnh của 60 năm Thủ đô”.

Cũng cần nói thêm, những vở diễn được dàn dựng vẫn còn mang tính dự thi, để đi dự Liên hoan là chính. Bởi vậy, nội dung vẫn bó buộc vào việc cổ động, ca ngợi một chiều, không cho thấy sự đa dạng của cuộc sống, con người hôm nay.

Đáng tiếc nhất là ở vở diễn “Những người con Hà Nội” (Nhà hát kịch Hà Nội) của đạo diễn gạo cội Doãn Hoàng Giang. Dù vở diễn được trao Giải thưởng cho vở diễn xuất sắc nhất (cùng với Cánh chim trắng trong đêm và Hà Nội gió mùa), song đây là vở diễn nặng tính chào mừng, chưa có điểm nhấn. Vở diễn quy tụ gần 100 diễn viên và không thật sự dành vai chính cho ai. Mặc dù đạo diễn cực kỳ khéo léo khi lấy hình tượng nhân cách người Hà Nội - hào hoa, phong nhã và luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình – làm sợi chỉ xuyên suốt vở kịch, song với thời lượng dài, câu chuyện đơn giản, “vở diễn thắt nút đã đơn giản mà mở nút còn dễ dàng hơn” chưa hấp dẫn được khán giả.

Tuy vậy, vở diễn vẫn được tặng Giải thưởng vở diễn xuất sắc nhất. Lý giải điều này, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng: “Vở diễn còn phải phấn đấu nhiều, ví dụ phải rút gọn lại, số lượng diễn viên quá đông, hình tượng trung tâm của nhân vật chưa được đầu tư, thời gian hạn chế. Tuy nhiên, đây là Liên hoan chào mừng Giải phóng Thủ đô nên vẫn cần những vở diễn chào mừng. Đã là chào mừng bao giờ cũng có một vấn đề là tập trung ca ngợi, còn những vấn đề khác như hành vi, ứng xử, điển hình tiên tiến chưa nói được nhưng mục đích chính là ca ngợi những con người Hà Nội, những chiến sĩ Hà Nội đã bảo vệ Thủ đô trong thời khắc lịch sử”.

Cần sự đổi mới

Nhìn lại những vở diễn của Liên hoan, điều cần thiết là sự đổi mới của sân khấu Thủ đô. Bởi khán giả đến đông trong những buổi biểu diễn Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất, đó chưa phải là tín hiệu đáng mừng bởi nếu đặt các vở diễn đứng độc lập để bán vé, liệu bao nhiêu vở diễn có thể sống được? Mặc dù như NSND Lê Tiến Thọ khẳng định: “Khán giả đến rất đông là một thành công của Liên hoan, mặc dù chúng ta biết, khó mà mở ra những vở diễn đề tài chiến tranh cách mạng mà khán giả đến để mua vé, nhưng chúng tôi cho rằng, lễ kỷ niệm, chào mừng mà khán giả đến xem đông đã là thành công”. Thì câu chuyện làm thế nào để khán giả đến với sân khấu, để người nghệ sĩ sống được bằng nghề vẫn cần lời giải.

Để sân khấu thu hút được khán giả, không có con đường nào khác là sự đổi mới.

Không nhiều vở diễn có khả năng khiến khán giả mua vé đến rạp trong Liên hoan này ngoài “Cánh chim trắng trong đêm” của Nhà hát Chèo Hà Nội. Tiếp tục đầu tư kỹ lưỡng từ sân khấu đến hình ảnh, sau “Vương nữ Mê Linh” được nhà hát đầu tư tiền tỉ để xây dựng thì đây có thể là vở diễn tiếp theo bán được vé của Nhà hát chèo Hà Nội.

Bởi vậy, để sân khấu thu hút được khán giả, không có con đường nào khác là sự đổi mới.

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng: “Sân khấu của chúng ta trước tiên phải nắm bắt được đời sống xã hội, những vở diễn phải nói được tiếng nói của khán giả ngày hôm nay đang suy nghĩ, tác giả, tác phẩm phải có tính dự báo. Đó là những điều mà sân khấu phải vươn tới. Có như vậy mới cuốn hút người xem, mới giành được sự quan tâm sâu sắc của công chúng. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho đội ngũ diễn viên, sáng tác, dàn dựng. Nếu chúng ta đầu tư hời hợt, ít chất lượng hoặc điều kiện sân khấu hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp thì khán giả sẽ quay lưng”.

PGS.TS Trần Trí Trắc thì cho rằng: “Điều sống còn của nghệ thuật sân khấu Việt Nam là cần đổi mới phương pháp sáng tác, xây dựng đội ngũ tác giả tài năng, hùng hậu. Làm thế nào để những tác phẩm “phục vụ chính trị” thành những “bữa tiệc đặc sản” sang trọng, ngon lành và thiêng liêng đối với khán giả cùng với sức sống lâu dài trong nhiều thời gian chứ không phải chỉ để “chào mừng” chỉ để diễn một đêm”.

NSND Lê Tiến Thọ cho biết, trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ sân khấu sẽ tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu, bên cạnh đó, tổ chức nhiều hơn nữa các Liên hoan sân khấu, không chỉ là phạm vi Thủ đô. Bên cạnh đó, sẽ kêu gọi đầu tư cho việc dàn dựng, quảng bá tác phẩm. Hy vọng, khi có sự nhận thức này, con đường đổi mới của sân khấu Thủ đô sẽ không còn xa./.

Bài&ảnh: Dạ Minh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/12/nghe-thuat-bieu-dien/127745/lien-hoan-san-khau-thu-do-dieu-gi-dong-lai.aspx