Liên hợp quốc lấy tiền từ đâu để duy trì hoạt động?

Mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo, các quốc gia thành viên của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này mới chỉ đóng góp 70% tổng số tiền cần thiết để duy trì các hoạt động thường kỳ trong năm nay, dẫn tới thâm hụt 230 triệu USD vào cuối tháng 9 vừa qua. Đây là lần thâm hụt lớn nhất trong 10 năm qua. Vậy LHQ lấy tiền từ đâu để duy trì các hoạt động của mình?

Mức đóng góp phân bổ hợp lý nhưng phức tạp

Theo tờ Le Figaro của Pháp, Điều 17 của Hiến chương ngày 26-6-945 chỉ rõ, 193 quốc gia thành viên đều có nghĩa vụ đóng góp tài chính đối với tổ chức này. Mức đóng góp tùy theo từng quốc gia.

Le Figaro nhấn mạnh, Đại hội đồng LHQ đóng vai trò quan trọng đối với các vấn đề nội bộ. Đại hội đồng LHQ chịu trách nhiệm đàm phán và phê duyệt các khoản tài chính khác nhau của tổ chức, được xem xét ba năm một lần. Ngân sách hoạt động chung bao gồm chi phí hoạt động của nhân viên và các cơ quan chính (Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký, Tòa án Công lý Quốc tế,…). Ví dụ, trong giai đoạn 2019-2021, tổng ngân sách của LHQ là 12,386 tỷ USD, bao gồm: Ngân sách hoạt động chung là 5,868 tỷ USD và ngân sách dành cho 14 hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) trên thế giới là 6,518 tỷ USD.

 Lá cờ của Liên hợp quốc. Ảnh: Le Figaro

Lá cờ của Liên hợp quốc. Ảnh: Le Figaro

Mức đóng góp của các quốc gia thành viên vào ngân sách LHQ được thiết lập bằng sự phân bổ hợp lý nhưng phức tạp. Đối với ngân sách hoạt động chung, tiêu chí xác định mức đóng góp chính là tổng sản phẩm quốc gia (GNP), nhưng các yếu tố khác như: Tỷ lệ nợ và tỷ lệ chuyển đổi cũng được tính đến.

Kể từ năm 2000, các khoản đóng góp đã được giới hạn ở mức 22% mỗi quốc gia. Nước đóng góp cho LHQ nhiều nhất hiện nay là Mỹ với 674,2 triệu USD, tiếp đó lần lượt là Trung Quốc (334,72 triệu USD), Nhật Bản (238,78 triệu USD), Đức (169,80 triệu USD), Anh (127,34 triệu USD), Pháp (123,43 triệu USD), Italy (92,20 triệu USD), Brazil (82,19 triệu USD), Canada (76,23 triệu USD), Nga (67,05 triệu USD). Theo Le Figaro, Pháp là nước đóng góp ngân sách nhiều thứ 6 cho LHQ. Việc đóng góp này có xu hướng giảm trong 15 năm qua, từ 6,03% GNP trong giai đoạn 2004-2006 xuống còn 4,43% trong giai đoạn 2019-2021 do nền kinh tế Pháp bị trì trệ trong vài năm gần đây.

Giới hạn đóng góp thấp nhất là 0,001% GNP đối với các quốc gia nghèo nhất, bao gồm nhiều quốc gia châu Phi như Eritrea, Gambia, Somalia.., hoặc các đảo nhỏ như Nauru, Samoa, Saint Lucia….

Thành viên thường trực HĐBA đóng góp nhiều hơn vì "trách nhiệm đặc biệt"

Việc đóng góp tài chính cho các hoạt động GGHB về cơ bản cũng giống như đóng góp vào ngân sách hoạt động chung của LHQ. Ngoài ra, các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Pháp và Anh) phải đóng góp nhiều tiền hơn vì "trách nhiệm đặc biệt" của họ trong tổ chức lớn nhất hành tinh này. Các quốc gia khác được xếp theo tiêu chí từ phát triển đến kém phát triển. Ví dụ, mặc dù Brazil đóng góp 2,95% vào ngân sách hoạt động chung của LHQ, nhưng nước này chỉ dành 0,76% GNP vào ngân sách cho hoạt động GGHB. Trong khi đó, các nước kém phát triển nhận được sự cứu trợ tối đa.

Hoạt động GGHB là một phần thiết yếu trong công việc của LHQ. Hiện nay, lực lượng GGHB triển khai 14 nước trên thế giới, trong đó lực lượng GGHB ở Nam Sudan (UNMISS) nhận được nhiều hỗ trợ tài chính nhất (hơn 1,184 tỷ USD). Hơn 27.000 nhân viên của UNMISS chịu trách nhiệm “bảo vệ thường dân, giám sát việc tôn trọng các quyền cơ bản, tạo điều kiện cung cấp viện trợ nhân đạo và thực hiện thỏa thuận chấm dứt chiến sự".

Với ngân sách 1,138 tỷ USD, lực lượng GGHB ở Mali (MINUSMA) có nhiệm vụ hỗ trợ, duy trì ổn định chính trị ở quốc gia châu Phi này. Trong khi đó, lực lượng GGHB sử dụng khoản ngân sách 1,012 tỷ USD để bảo vệ và duy trì hòa bình tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Cũng theo Le Figaro, trong giai đoạn 2010-2011, ngân sách dành cho lực lượng GGHB chỉ có 7,8 tỷ USD, giảm hơn 17% trong 10 năm do LHQ hoàn thành sứ mệnh ở Nam Tư cũ, Rwanda, Somalia. Năm 2013, ngân sách của GGHB “chiếm chưa đến 1% trong tổng chi phí quân sự toàn cầu (1747 tỷ USD), ước tính khoảng 17,47 tỷ USD.

PHƯƠNG LINH (theo Le Figaro)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/lien-hop-quoc-lay-tien-tu-dau-de-duy-tri-hoat-dong-593321