Liên Hợp Quốc ủng hộ đề xuất của Nga lập công ước về tội phạm mạng

Một phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc - Ảnh: TTXVN

Ngày 27/12, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua một đề xuất của Nga việc việc soạn thảo một công ước mới về tội phạm mạng.

Nghị quyết trên nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc với dự kiến lập một ủy ban chuyên gia quốc tế vào năm 2020. Nghị quyết nêu rõ ủy ban này sẽ nghiên cứu soạn thảo một "công ước quốc tế toàn diện nhằm ngăn chặn việc sử dụng công nghệ thông tin và tin học vào các mục đích tội phạm”.

Mỹ kêu gọi thế giới nên mở rộng hiệp định về tội phạm mạng hiện hành, Công ước Budapest 2001, trong đó nêu rõ hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền, gian lận và ấu dâm.

Nga phản đối Công ước Budapest, cho rằng văn kiện này cho phép các nhà điều tra tiếp cận các dữ liệu máy tính xuyên biên giới, điều này vi phạm chủ quyền quốc gia. Công ước Budapest vốn do Hội đồng châu Âu soạn thảo, song có cả Mỹ và Nhật Bản tham gia.

Cùng ngày 27/12, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết, yêu cầu tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay thảm khốc năm 1961, khiến Tổng Thư ký LHQ thời đó, ông Dag Hammarskjold thiệt mạng. Nghị quyết yêu cầu Tổng Thư ký LHQ đương nhiệm, ông Antonio Guterres tái bổ nhiệm luật sư chuyên trách Mohamed Chande Othman tiếp tục xem xét các dữ liệu đã nhận được và những thông tin mới phát sinh từ các quốc gia liên quan, trong đó bao gồm cả các cá nhân và tổ chức tư nhân, để sau đó rút ra kết luận từ các cuộc điều tra đã được tiến hành.

Nghị quyết cũng kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan công bố toàn bộ hồ sơ về vụ tai nạn máy bay năm 1961 mà những nước này đang nắm giữ, hợp tác và hỗ trợ đầy đủ đối với luật sư chuyên trách của LHQ. Nghị quyết cũng yêu cầu các nước liên quan phải lập tức giao nhiệm vụ cho các quan chức cấp cao và độc lập rà soát lại trong các kho dữ liệu an ninh, tình báo và quốc phòng toàn bộ các chi tiết liên quan vụ tại nạn này. Theo nghị quyết, Tổng Thư ký LHQ phải báo cáo tiến trình điều tra trước khi kết thúc khóa họp thứ 75 của Đại Hội đồng LHQ.

Luật sư Mohamed Chande Othman được LHQ chỉ định điều tra về vụ tai nạn máy bay xảy ra tại Zambia này từ đầu năm 2018, với thời hạn sẽ kết thúc vào cuối năm 2019. Theo ông Othman, các nước Pháp, Bỉ, Thụy Điển và Zimbabwe đã trả lời mọi câu hỏi của ông, nhưng Mỹ, Anh và Nam Phi thì đang giữ kín các thông tin về vụ tai nạn máy bay thảm khốc này. Luật sư Othman cho biết: "Những thông tin được yêu cầu làm rõ chính là mắt xích còn thiếu, khiến sự hình dung hiện tại không đầy đủ và những điểm còn thiếu trong hồ sơ điều tra cũng đồng nghĩa với việc chưa thể đưa ra kết luận về nguyên nhân của vụ tai nạn. Nam Phi, Vương quốc Anh và Mỹ chắc hẳn đang nắm giữ thông tin quan trọng không được tiết lộ".

Ông Othman đã yêu cầu được gia hạn thời gian điều tra, đồng thời đề cập khả năng các quốc gia thành viên LHQ đã chặn mọi liên lạc liên quan vụ tai nạn, cũng như sự tồn tại của các vũ khí tại Katanga có thể tấn công máy bay chở ông Hammarskjold. Ông Othman cũng đề cập sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài, bao gồm cả phi công và nhân viên tình báo, trên mặt đất tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn.

Trong khi đó, ngày 28/12, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua ngân sách thường niên của LHQ, lên tới 3.084 tỉ USD, cao hơn so với mức 2.849 tỉ USD đã chi tiêu trong năm 2019. Đây là lần đầu tiên trong 45 năm qua, LHQ lên kế hoạch ngân sách thường niên. Từ năm 1974, ngân sách của LHQ được chuẩn bị theo định kỳ 2 năm/lần. Ngân sách thường niên sẽ được chi tiêu theo năm dương lịch.

Ngân sách này được dùng cho các hoạt động của LHQ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có các vấn đề chính trị, luật pháp và công lý quốc tế, hợp tác khu vực vì phát triển, các vấn đề nhân đạo và quyền con người, và thông tin công. Ngoài ra, LHQ còn có ngân sách riêng cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Trong tài khóa kết thúc vào ngày 30/6/2020, ngân sách cho việc này là 6,51 tỉ USD.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/233256/lien-hop-quoc-ung-ho-de-xuat-cua-nga-lap-cong-uoc-ve-toi-pham-mang.html