Liên kết '6 nhà' vẫn chưa đủ mạnh

Là một nền kinh tế nông nghiệp, nhưng nông sản Việt Nam vẫn không thể tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Hầu hết nông sản Việt Nam chỉ xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp. Đặc biệt, sự liên kết các thành phần tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu của Việt Nam rất yếu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn bên lề Diễn đàn 'Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu' vừa được tổ chức.

PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự liên kết của các thành phần tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu hiện nay ở Việt Nam?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn

Thứ trưởng Hà Công Tuấn

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu trước kia được xác định chỉ có 4 “nhà”: Nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp (DN), nhà phân phối, nhưng bây giờ được xác định gồm 6 “nhà”: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN, nhà băng và nhà phân phối. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các “nhà” rất yếu. Một con số chứng minh: Chúng ta có 50.000 DN nông nghiệp nhưng chỉ có hơn 1.000 DN thực chất có liên kết giữa các “nhà”. Chúng ta có 13.400 hợp tác xã (HTX) nhưng thực chất chỉ có hơn 1.000 HTX tham gia liên kết này.

Trong nền kinh tế thị trường, liên kết giữa DN với HTX, với nông dân, với các nhà khoa học… là con đường tất yếu, vừa là giải pháp vừa là động lực phát triển nền nông nghiệp. Thế nhưng, liên kết giữa các “nhà” trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam rất yếu, chưa nói đến việc tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

PV: Thưa Thứ trưởng, nguyên nhân của sự liên kết yếu đó xuất phát từ đâu?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Nguyên nhân từ sự mạnh ai người nấy làm, không liên kết để tạo thành sức mạnh tập thể, nếu có cũng rời rạc, chưa tận dụng cơ hội lấy thế mạnh của người này để bù đắp cho điểm yếu của người kia. Bên cạnh đó, nguồn vốn hạn hẹp, cơ chế chính sách về tín dụng, đất đai có những bất hợp lý, chưa điều chỉnh được hết...

Trong nền kinh tế thị trường, liên kết giữa DN với HTX, với nông dân, với các nhà khoa học… là con đường tất yếu, vừa là giải pháp vừa là động lực phát triển nền nông nghiệp. Thế nhưng, liên kết giữa các “nhà” trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam rất yếu, chưa nói đến việc tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Chính vì vậy Bộ NN&PTNT thông phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chức Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu” để khẳng định vai trò của sự liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, vừa là giải pháp vừa là động lực để chúng ta phát triển nền nông nghiệp hàng hóa mở như hiện nay. Đồng thời, hội thảo nhằm rà soát, đánh giá lại thực trạng liên kết trong chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam, nhất là về cơ chế, chính sách, để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, thúc đẩy xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và quốc gia...

PV: Với cương vị của một nhà quản lý, theo Thứ trưởng, làm như thế nào để sự liên kết giữa nông dân và DN ngày càng chặt chẽ, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nông sản Việt Nam khi vươn ra thị trường toàn cầu?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Tôi muốn nói tới hơn 10 triệu hộ nông dân của chúng ta trong suốt thời kỳ đổi mới vừa qua, họ là hạt nhân phát triển kinh tế, hạt nhân sáng tạo. Đó là những người lao động chân chính làm nên nền nông nghiệp của chúng ta hôm nay. Nhưng trong nền kinh tế mở, từng hộ gia đình nông dân sẽ không thể nào tiếp cận được những yêu cầu, tiêu chuẩn mới đang thay đổi rất nhanh chóng của thị trường thế giới. Muốn thâm nhập thị trường thế giới phải có sự liên kết giữa các thành phần có liên quan, trong đó đặc biệt là DN. DN là đầu tàu dẫn dắt, có vai trò rất quan trọng. Nhưng, chúng tôi muốn DN không chỉ tham gia vào quá trình sản xuất, nhất là giai đoạn thu hoạch, chế biến, chế biến sâu nông sản, mà còn là lực lượng tiên phong trong chuỗi liên kết. Bởi DN có vốn, có kinh nghiệm quản trị kinh doanh, có điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, làm lan tỏa những mô hình nông nghiệp mới tới nông dân. Và, chính DN là những người thâm nhập thị trường quốc tế, từ đó trở lại hướng dẫn, đào tạo, dẫn dắt nông dân sản xuất hàng hóa theo những tiêu chuẩn quốc tế. Chưa kể DN có thể tiếp cận dễ dàng hơn đối với các nguồn tín dụng trong nước và ngoài nước, trên cơ sở đó, bằng nhiều phương thức như hợp đồng cung ứng, dịch vụ đầu vào..., DN ký kết với nông dân bao tiêu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Nông dân khó có thể làm được điều đó.

Việt Nam có nhiều nông sản nhưng mới chỉ xuất thô, ví dụ như hạt điều

Chúng tôi rất muốn thời gian tới phải đẩy nhanh sự hợp tác giữa DN với nông dân, giữa DN với HTX. Đây là sự liên kết thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất nông nghiệp.

PV: Thưa Thứ trưởng, thời gian qua, một số tập đoàn nước ngoài đã đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vào chuỗi phân phối của họ ở trong nước cũng như trên thị trường thế giới. Ông đánh giá như thế nào về sự liên kết giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Nhìn lại thời gian qua, rất nhiều DN nước ngoài và DN trong nước đã liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị, nhất là khâu cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Chúng ta ghi nhận sự hợp tác của họ và mong muốn DN trong nước học tập được kinh nghiệm quản trị, phương cách tổ chức... của DN nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn lên, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

PV: Để tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, chúng ta có cần cơ chế chính sách ưu tiên đối với những hàng nông sản chủ lực, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Hiện nay chúng ta đã có 10 nhóm hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch trên 1 tỉ USD. Đó được coi là những nhóm mặt hàng chủ lực. Trong số rất nhiều mặt hàng nông sản hiện có, chúng ta phải lựa chọn những mặt hàng có lợi thế để có chính sách ưu tiên trong từng thời điểm.

Một DN Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam

Thực tế Nhà nước đã có rất nhiều chính sách ưu tiên cho nông nghiệp, như Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chính phủ có Nghị quyết 30/NQ-CP về việc dành gói tín dụng 100 nghìn tỉ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch...

DN không chỉ tham gia vào quá trình sản xuất, nhất là giai đoạn thu hoạch, chế biến, chế biến sâu nông sản, mà còn là lực lượng tiên phong trong chuỗi liên kết. Bởi DN có vốn, có kinh nghiệm quản trị kinh doanh, có điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, làm lan tỏa những mô hình nông nghiệp mới tới nông dân.

Nhưng cơ chế là để tạo ra sân chơi nhằm thu hút đầu tư của DN. Còn hỗ trợ của Nhà nước cho DN chỉ có thể dành cho DN khởi nghiệp và DN nhỏ. Không thể có một quốc gia nào mà Nhà nước mãi mãi hỗ trợ bằng tiền cho DN. Cho nên, theo quan điểm của chúng tôi, Nhà nước sẽ đồng hành với DN, tạo sân chơi cho DN, có những cơ chế, chính sách về đất đai để cho các DN đầu tư vào nông nghiệp…, không thể hỗ trợ bằng tiền.

PV: 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã đạt 30,2 tỉ USD. Theo Thứ trưởng, liệu năm 2019, chúng ta có đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 42-43 tỉ USD?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Năm 2019 có thể nói là năm vô cùng khó khăn, vì tác động của dịch bệnh trong chăn nuôi, diễn biến thị trường phức tạp do căng thẳng quan hệ thương mại giữa các quốc gia có tiềm lực lớn, nhất chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... Chính vì vậy, nhằm duy trì tăng trưởng xuất khẩu của ngành nông nghiệp theo mục tiêu đặt ra, hằng tháng, chúng tôi đều có những rà soát, đánh giá, có điều chỉnh giải pháp trên cơ sở lấy ngành hàng có lợi thế bù cho ngành hàng yếu thế, ví như lấy gỗ và lâm sản bù cho trồng trọt, chăn nuôi... Nhưng về cơ bản, đến bây giờ chúng tôi có thể khẳng định tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2019 không cao như năm 2018 nhưng sẽ đạt trên 2%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ phấn đấu đạt trên 41 tỉ USD, trong phạm vi chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao 41-42 tỉ USD.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Việt Nam chỉ xuất khẩu nông sản thô

Việt Nam mới chỉ tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Đó là nhận định của ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”.

Ông Hoàng Quang Phòng nhận định, Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều lợi thế trong sản xuất các mặt hàng nông sản nhiệt đới. Từ năm 2013 đến năm 2018, công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm khoảng 5-7%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bình quân tăng khoảng 8-10%/năm; năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỉ USD.

Hiện tại Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trong khu vực với nhiều sản phẩm đặc trưng như: Cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo. Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam đã có mặt tại gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mặc dù đạt được một số thành tựu nhất định và đang có nhiều lợi thế, nhưng thời gian qua, nông sản Việt Nam vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng và thế mạnh của mình. Trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản chủ yếu do khâu chế biến, bao bì và các hoạt động thương mại. Nông sản Việt Nam được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường thế giới, nhưng có đến 80% phải thông qua các thương hiệu nước ngoài. Nói cách khác, Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị gia tăng ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Đến nay, cả nước có 2.975 HTX nông nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 1.082 DN. Cả nước có 1.254 chuỗi nông sản an toàn được chứng nhận với 1.452 sản phẩm; có 3.172 điểm bán nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có 469 điểm được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nguyên nhân chính, theo ông Phòng, đó là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng hàng hóa nông sản chưa đồng đều, việc ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao, còn hạn chế. Đặc biệt, việc liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế bởi nguồn lực chính không đủ để thực hiện; việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết bộc lộ nhiều hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, DN đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi giá trị.

Đáng chú ý, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, trong khi các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn chậm triển khai. Lĩnh vực xuất khẩu nông sản luôn phải đối mặt với rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Mặt khác, nhiều DN nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính không cao, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản bảo đảm, dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng bị hạn chế.

Để giải quyết những khó khăn đó, ông Phòng nhấn mạnh: Việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ là giải pháp giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, giúp nông sản Việt Nam có thể đạt được giá trị tăng cao hơn khi tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Bên cạnh đó, thời gian tới cần phải đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và khuyến khích DN đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản nói riêng.

Song song với các giải pháp đó, theo Bộ NN&PTNT, phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và các thông tin về thị trường (quy chuẩn, tiêu chuẩn, giá cả, dự báo...); tuyên truyền về các mô hình liên kết hiệu quả, các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng thành công vào thực tiễn; thông tin về các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ... đến các kênh phân phối, để kết nối cung - cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, cần tăng cường áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ nông dân các kiến thức về sản xuất theo các quy chuẩn VietGap, GlobalGap, Oganic... nhằm sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm...

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lien-ket-6-nha-van-chua-du-manh-552735.html