Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng, tăng cường hội nhập thị trường

Với chủ đề 'Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng, tăng cường hội nhập thị trường', diễn đàn Mekong Connect 2019 đã chính thức diễn ra tại TP. Cần Thơ.

Đồng Tháp là 01 trong 04 tỉnh trong Câu lạc bộ ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (CLB) đồng tổ chức Diễn đàn.

"Tự cứu mình trước khi trời cứu"

Diễn đàn có sự tham gia của khoảng 700 khách mời quan trọng và doanh nhân, 45 đoàn thuộc lãnh đạo các tổ chức trong và ngoài nước, 40 doanh nghiệp tham gia khu triển lãm, 20 cơ quan báo, đài quốc tế và Việt Nam, 15 lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương và đối tác, 30 diễn giả uy tín của quốc tế và Việt Nam.

Tỉnh Đồng Tháp có Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tham dự.

Tỉnh Đồng Tháp có Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tham dự.

Phát biểu về tầm quan trọng và ý nghĩa của diễn đàn, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp mượn câu chuyện của tỷ phú Lý Gia Thành thành công nhờ hợp tác để nói đến yêu cầu cấp thiết của sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, sự thay đổi là thuộc tính của thế giới, cái mới chưa kịp định hình, thì đã xuất hiện cái mới hơn. “Ngoài kia gió đang thổi” - đó là sự thay đổi của thị trường thế giới, của biến đổi khí hậu. Trước sự thay đổi nhanh chóng đó, ngay bây giờ phải có sự hành động từ cấp địa phương, cấp vùng và không thể chậm chân hơn nữa.

Với tư cách là Chủ nhiệm Câu lạc bộ ABCD Mekong, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia, hiến kế tại Diễn đàn để đưa nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long cùng vươn ra biển lớn, kích hoạt tinh thần liên kết trong nông dân, doanh nghiệp, với phương châm "tự cứu mình trước khi trời cứu".

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nhấn mạnh thông điệp về sự thay đổi, liên kết, hợp tác để phát triển

Đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thì Diễn đàn này là cơ hội tốt để kết nối các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp với hộ nông dân, hợp tác xã, nhà khoa học, tổ chức tín dụng và kết nối giữa khu vực tư nhân với nhà nước.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kỳ vọng sẽ có nhiều kết nối, hợp tác, liên kết cùng phát triển bền vững, vì sự phát triển chung của đồng bằng và cả nước.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã phân tích, làm rõ những thời cơ, thách thức của kinh tế nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới; triển vọng phát triển thương mại của nông sản đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực; tích hợp và gắn kết du lịch với nông nghiệp để phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, phát huy thế mạnh nông sản Việt Nam ở thị trường Asean v.v..

Ngoài phiên toàn thể, tại Diễn đàn này, Ban Tổ chức phân chia cho 04 tỉnh, thành phố ABCD chủ trì thực hiện các chủ đề khác nhau. Trong đó, “Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng” do tỉnh Đồng Tháp chủ trì; “Bắt mạch xu huớng thị trường, định hướng cho nông sản đồng bằng” do thành phố Cần Thơ chủ trì; “Ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị” do tỉnh An Giang chủ trì và “Liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa” do tỉnh Bến Tre chủ trì.

Cũng tại Diễn đàn này còn diễn ra triển lãm sinh động, thực tế với các mô hình hoạt động sáng tạo hướng tới phát triển, bền vững. Các triển lãm của doanh nghiệp điển hình với những sản phẩm mới, công trình mới lạ sẽ được 04 tỉnh ABCD Mekong giới thiệu đến doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, Đồng Tháp triển lãm hình ảnh về Hội quán nông dân, mô hình “Cây xoài nhà tôi”, Cà phê doanh nghiệp, Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu.

Gian hàng triển lãm của Đồng Tháp tại Diễn đàn

Chia sẻ kinh nghiệm

Vận hành nông nghiệp theo "tư duy kinh tế", với mục tiêu giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến, những năm qua, Đồng Tháp đã thực hiện nhiều mô hình thí điểm liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị của 05 ngành hàng chủ lực (lúa, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt) trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Với những cách làm trên, đến nay, Đồng Tháp đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ máy móc, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần tăng năng suất chất lượng sản phẩm, tăng giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Sản phẩm của doanh nghiệp ngày càng nâng lên và đứng vững trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Nhiều mặt hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2018, lần đầu Đồng Tháp đã xuất khẩu hàng nông, thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD và đầu năm 2019, Đồng Tháp đã xuất khẩu thành công lô xoài đầu tiên sang Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Đồng Tháp nói riêng dễ gặp rủi ro do các yếu tố môi trường, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, đầu ra nhiều loại nông sản còn bấp bênh; thiếu sự liên kết, hợp tác để phát triển sản xuất các loại nông sản có chất lượng cao, phần lớn nông sản xuất khẩu thô nên chưa hấp dẫn thị trường nước ngoài, chất lượng nông sản không đồng đều do thiếu kho bảo quản, công nghệ chế biến còn lạc hậu.

Với thị trường nhiều biến động như hiện nay, vấn đề đặt ra là làm sao để nông sản của đồng bằng đáp ứng cả về sản xuất, kinh doanh và các quy định phù hợp với xu thế thị trường.

“Bắt mạch” thị trường, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinamit cho rằng, yếu tố chất lượng, an toàn của nông sản phải được đặt lên hàng đầu. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, cần phải truyền thông sâu rộng tới người nông dân về điều này, phải xây dựng uy tín và niềm tin với người tiêu dùng; từ đó nâng giá thành sản phẩm, tạo giá trị cao hơn.

Theo các chuyên gia, xu hướng thị trường quyết định tất cả câu chuyện về nông sản. Và kể cả những câu chuyện về khởi nghiệp cũng phải bắt nhịp theo xu thế thị trường.

Đồng hành với các dự án khởi nghiệp của tỉnh trong thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Định - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp (LBCD) khẳng định, khó khăn nhất của các dự án khởi nghiệp là khâu tiêu thụ sản phẩm.

Ông Định cũng lưu ý thanh niên khởi nghiệp, không thể khởi nghiệp dựa trên cái mình có mà phải theo những cái mà thị trường cần. Bên cạnh đó, uy tín, chất lượng sản phẩm là yêu cầu hàng đầu, từ đó đầu tư dây chuyền hiện đại, chú trọng quy trình kiểm soát nguyên liệu đầu vào v.v..

Nói về cơ hội xuất khẩu mặt hàng thủy sản, ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang cho biết, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với ngành hàng cá tra của Việt Nam; khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đáp ứng những yêu cầu trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

Đánh giá sơ bộ của nghiên cứu về thương mại xoài tại thành phố Cần Thơ và thành phố Cao Lãnh phục vụ cho xuất khẩu xoài, ông Đặng Anh Tài (Chương trình Sáng kiến đối tác đô thị Phát triển kinh tế địa phương (PMI LED)) cho biết, khó khăn chung của 02 địa phương trong sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu xoài là quy mô diện tích trồng xoài nhỏ, chủ yếu hộ gia đình, phân tán và thiếu liên kết; sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu có giá trị cao về tiêu chuẩn sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc; mức độ sẵn sàng thương mại chưa cao v.v..

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một số chính sách như: Phát triển các hình thức liên kết sản xuất hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã; liên kết vùng xoài nguyên liệu; xây dựng các mô hình điểm, hợp tác xã trồng xoài ứng dụng nông nghiệp công nghệ 4.0; đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu xoài; đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch v.v..

Kết thúc phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan một lần nữa khẳng định, “liên kết” vẫn là từ khóa quyết định sự thành công, phát triển. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải có khát vọng làm giàu, thoát khỏi cái bẫy của đồng bằng là tự bằng lòng. Tất cả phải cùng thay đổi, để tạo giá trị mới và sức cạnh tranh cho nông sản, vì sự phát triển bền vững.

Ra đời từ sáng kiến của mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong, qua 04 lần tổ chức (2015, 2016, 2017, 2019), Mekong Connect là diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, nhà quản lý chính quyền, các chuyên gia trong ngoài nước cùng các đối tượng có mối quan tâm và lợi ích liên quan đến đồng bằng sông Cửu Long.

Diễn đàn năm nay kỳ vọng sẽ có cách nhìn, cách tiếp cận mới nhằm thay đổi nền nông nghiệp từ “Tư duy sản xuất” sang “Tư duy kinh tế” theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển đồng bằng sông Cửu Long bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và xu thế thị trường.

Văn Khương dongthap.gov.vn

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/lien-ket-chuoi-gia-tri-dong-bang-tang-cuong-hoi-nhap-thi-truong-post31637.html