Liên kết chuỗi giúp giảm nghèo trên vùng đất khó

Huyện Đam Rông - với 65% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số, được xem là vùng đất đặc biệt khó khăn của huyện Lâm Đồng. Việc phát triển liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ với vai trò quan trọng của các hợp tác xã đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho bà con nơi đây.

Chị K’hồng, ở thôn Pul, xã Đạ K’nàng (huyện Đam Rông) đang làm việc ở HTX Chuối Laba Đạ K’Nàng, nhờ được HTX quan tâm, tạo điều kiện làm việc trong môi trường cạnh tranh, nên bình quân mỗi tháng có lương ổn định từ 7 - 8 triệu đồng. Đây là số tiền bảo đảm cuộc sống cho gia đình chị nuôi con ăn học.

Đóng góp rõ nét của HTX

Chị K’hồng chia sẻ, trước đây, khi chưa có HTX phải đi làm công cho các hộ dân ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Làm ngày nào hưởng ngày đó nên thu nhập không ổn định.

Cùng với chị K’hồng, hiện nay, HTX chuối Laba Đạ K’nàng còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. Đây cũng là một trong những HTX hoạt động rất hiệu quả của huyện Đam Rông.

HTX chuối Laba Đạ K’nànggiúp tạo việc làm cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số.

Anh Nguyễn Huy Phương - Giám đốc HTX Laba Banana Đạ K’Nàng, cho biết HTX có 7 thành viên chủ lực và 47 hộ dân liên kết với diện tích trồng chuối Laba lên đến gần 200 ha, xuất khẩu đều đặn sang thị trường Nhật Bản.

Ngoài thị trường Nhật, nhờ thương hiệu được phát triển vững chắc và uy tín nên HTX đã được nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đặt vấn đề thu mua sản phẩm. Ngoài thị trường xuất khẩu, HTX còn dự kiến phát triển mạnh thị trường trong nước, đặc biệt là hệ thống các siêu thị để phát triển vùng nguyên liệu lên đến 300 ha.

Trong quá trình sản xuất, HTX luôn chú trọng tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Do vậy, sản phẩm chuối được thị trường Nhật Bản chấp nhận, thương hiệu của HTX chuối Laba Banana Đạ KNàng có bước phát triển ngày một vững chắc, là chỗ dựa cho các thành viên và các hộ liên kết. Từ đó, góp phần quan trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Không riêng gì HTX nêu trên, việc phát triển kinh tế hợp tác đã và đang giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Đam Rông - nơi 65% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số, được xem là vùng đất đặc biệt khó, vùng đất xa xôi của huyện Lâm Đồng.

Để giảm nghèo cho bà con thiểu số, thời gian qua Đam Rông đã đẩy mạnh liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Xác định phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững, giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Trong đó, các HTX nông nghiệp ở vùng đất khó này đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, dân tộc thiểu số, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Huyện Đam Rông chú trọng tìm đầu ra cho tráisầu riêng của bàcon dân tộc thiểu số thông qua mô hình liên kết.

Đơn cử như HTX Trái cây Tây Nguyên là 1 trong 19 HTX nông nghiệp đang phát triển hoạt động hiệu quả trên địa bàn, với 15 hộ thành viên sản xuất trên 40 ha cà phê ở xã Rô Men và xã Đạ R’Sal (huyện Đam Rông). Trong đó, có khoảng 25 ha trồng xen canh các loại cây ăn trái sầu riêng, bơ, chôm chôm, bưởi…đã được HTX tổ chức tiêu thụ lên đến hàng trăm tấn mỗi năm.

Hàng năm, UBND huyện Đam Rông phối hợp với các sở, ngành chuyên trách chuyển giao khoa học công nghệ sinh học sản xuất giống cây trồng, chuyển đổi canh tác giống mới, bảo quản sau thu hoạch... cho các HTX nâng cao năng suất cây trồng, mở rộng quy mô sơ chế, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động địa phương và dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nhiều HTX nông nghiệp còn ứng dụng hiệu quả các đề tài sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, đăng ký kiểu dáng, nhãn hiệu hàng hóa...

Đặc biệt, nhờ phát triển liên kết chuỗi và nâng cao chất lượng nông sản thông qua quy trình kỹ thuật sản xuất các nguồn giống mới, một số HTX trong huyện Đam Rông đã tiên phong mở rộng thị trường tiêu thụ theo hợp đồng đến hệ thống các siêu thị trong nước, đồng thời kết nối xuất khẩu sang thị trường các nước lớn trên thế giới.

Với việc liên kết chuỗi, phát triển kinh tế hợp tác đã góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng đất khó này. Như trong năm 2022, công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện Đam Rông đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giảm được 1.111 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 14,76% năm 2021 xuống còn 6,9% năm 2022.

Hiện nay huyện tập trung phát triển nhanh về diện tích, sản lượng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, dâu tằm, cây ăn quả. Đồng thời, Đam Rông còn đẩy mạnh công tác chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả (lúa một vụ, cà phê già cỗi) sang trồng các loại cây khác, góp phần giảm diện tích canh tác kém hiệu quả (dưới 50 triệu đồng/ha/năm).

Vùng đất khó này cũng rất chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm của nông dân thông qua mô hình liên kết. Đến nay, toàn huyện đã hình thành và hoạt động hiệu quả 11 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm vốn là thế mạnh của địa phương như dâu tằm, chuối Laba, sầu riêng, mắc ca, rau thương phẩm…

Trong năm 2023 này, mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững ở Đam Rông được xác định tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 4-5% (trong đó hộ nghèo giảm từ 1,5-2%, hộ cận nghèo giảm từ 2,5-3%).

Để hoàn thành mục tiêu này đang đòi hỏi vai trò góp sức của các HTX trong liên kết chuỗi cần tiếp tục phát huy hơn nữa. Nhất là tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo là bà con thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn này.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/lien-ket-chuoi-giup-giam-ngheo-tren-vung-dat-kho-1091180.html