Liên kết để trụ vững

Trong xu thế bùng nổ công nghệ thông tin, kinh tế số, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa cần phải liên kết lại để cùng phát triển, cùng nhau trụ vững được trên thương trường. DN đi một mình, đơn lẻ cũng có nghĩa là 'tự sát' - đó là chia sẻ của một số lãnh đạo DN trước làn sóng công nghiệp 4.0 ngày càng mạnh mẽ.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nhỏ cần liên kết lại để cùng phát triển.

Làn sóng kinh tế số ngày càng mạnh

Trong số hơn 600.000 DN đang hoạt động trên cả nước hiện nay, có tới 97% là DN nhỏ và vừa. Hạn chế về vốn, về quy mô sản xuất là nguyên nhân khiến cho phần lớn DN Việt Nam hoạt động khá cầm chừng, thiếu bền vững. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ của hàng trăm nghìn DN mỗi khi có những biến động của nền kinh tế. Bởi vậy, không có gì là lạ khi mỗi năm con số DN thành lập mới nhiều lên trong khi con số DN tuyên bố ngừng hoạt động cũng không phải là ít.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ hiện đại… các DN nếu vẫn giữ mãi tư duy hoạt động nhỏ lẻ, không chịu đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, không có sự liên kết thì sẽ rất khó có thể “chạy đường dài” trên con đường đua đầy chông gai mang tên “thương trường”. Đặc biệt, theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong thời buổi hội nhập hiện nay với xu hướng “số hóa” mọi lĩnh vực, các DN không thể ngồi yên mà cần phải hòa mình vào dòng chảy đó để bứt phá.

Theo TS Võ Trí Thành, nếu như trước đây nền kinh tế dựa vào công ty, DN là chủ yếu thì nay, vẫn trên nền tảng đó, nền kinh tế dựa vào đại chúng, dựa vào cá nhân. Ở đó, mỗi cá nhân đều có thể là một lập trình viên trong nền kinh tế hiện đại. Việt Nam với số lượng người sử dụng điện thoại thông minh, máy tính ngày càng nhiều, chính là cơ sở thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Bởi vậy, các DN cần chớp thời cơ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số đang đưa đến để có thể tận dụng và tạo đà bứt phá, hướng đến sự phát triển bền vững.

Mặc dù vậy, số liệu khảo sát của Bộ Công thương về mức độ sẵn sàng tiếp cận công nghệ 4.0 của các DN cho thấy, vẫn còn tới 61% DN đứng ngoài cuộc, chỉ 21% DN mới bắt đầu có sự chuẩn bị ban đầu, và số DN đã sẵn sàng chỉ có 18%. Với tỷ lệ khiêm tốn như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các DN sẽ tự đào thải mình ra khỏi “sân chơi công nghệ”, hay nói cách khác, tự tụt lại phía sau nền kinh tế toàn cầu.

Nhiều DN đã sẵn sàng

Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam cho biết, họ đã có sự đầu tư mạnh mẽ về trang thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại để đón đầu làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Misa cho hay, rồi đây công nghệ số sẽ xóa nhòa mọi khoảng cách không gian, thời gian. Theo ông Hoàng, trong bối cảnh hiện nay, chỉ có đầu tư vào công nghệ, ứng dụng công nghệ, DN mới có thể “sống thọ”. “Tôi cho rằng, trong xu hướng “số hóa”, chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, bản thân mỗi DN cần phải xác định ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ là nền tảng phát triển” – ông Hoàng nói.

Được biết Công ty Misa là một trong những DN đã có sự đổi mới công nghệ,đầu tư khá mạnh tay vào các trang thiết bị tiên tiến. Nhiều phần mềm trong quản lý, dịch vụ đã được đưa vào ứng dụng trong Công ty và đã phát huy được những hiệu quả tích cực.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh - chuyên gia cao cấp phụ trách đối tác phát triển phần mềm tại Microsoft châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, điểm bất lợi lớn nhất đối với DN trong bối cảnh 4.0 là không biết kết nối với nhau để sử dụng những thứ đã có sẵn mà lúc nào cũng phải làm mới. Theo ông Tuấn Anh, nhiều DN hiện nay có quan điểm rằng, khi liên kết với DN khác sẽ bị mất bí mật kinh doanh hay phải san sẻ... nhưng đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. DN nếu “đi một mình, đơn lẻ” sẽ không đi đến đâu và chỉ khi biết kết nối, dựa trên sức mạnh tập thể mới giúp DN phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn.

* Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp nếu vẫn giữ tư duy hoạt động nhỏ lẻ, không chịu đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, không có sự liên kết thì sẽ rất khó có thể “chạy đường dài” trên đường đua chông gai mang tên “thương trường”.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doanh-nhan/lien-ket-de-tru-vung-tintuc421450