Liên kết, hợp tác nâng cao chuỗi giá trị nông sản sạch

Chương trình liên kết, hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An là một trong nhiều giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản của tỉnh Long An. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng thành phố có sản phẩm sạch, an toàn sử dụng và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm...

Nông dân thành phố Tân An (Long An) trồng rau thủy canh để cung ứng cho người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, Lê Minh Đức cho biết, nhiều mặt hàng nông sản của Long An được nông dân địa phương sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, sản lượng lớn để cung ứng theo đơn đặt hàng. Các mặt hàng chanh không hạt, thanh long, rau ăn lá, lúa, thịt heo, bò thịt... luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương và cho nhiều doanh nghiệp (DN) đầu mối tại TP Hồ Chí Minh để cung ứng trong nước và xuất khẩu.

Trong bảy tháng vừa qua, sản lượng cây trồng và vật nuôi ở Long An đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2017. Để ổn định đầu ra cho tất cả mặt hàng nông sản, Long An đã chủ động phối hợp TP Hồ Chí Minh ký hợp tác tiêu thụ nông sản sạch, an toàn thực phẩm. Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ chín hợp tác xã (HTX) và DN xây dựng chín chuỗi sản xuất và cung thực phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. UBND tỉnh Long An đã tổ chức cho các HTX sản xuất nông sản được chứng nhận VietGAP tham gia phiên chợ nông sản an toàn tại TP Hồ Chí Minh. Đến nay, đã có hơn 100 hợp đồng cung ứng giữa các DN tại TP Hồ Chí Minh và HTX, cơ sở sản xuất, nông trang… tại Long An.

Chủ nông trang Hải Âu, ở ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (Long An) Bùi Thị Ba cho biết, việc ký được hợp đồng tiêu thụ trái chanh không hạt vào hệ thống siêu thị SaiGon Co.op và Big C là không dễ dàng. Tuy nhiên, khi chương trình liên kết, hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và Long An mở ra thì cơ hội hợp tác tiêu thụ đã rộng mở cho trái chanh không hạt Bến Lức. Hiện, mỗi tháng, nông trang Hải Âu cung ứng trực tiếp cho các hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh khoảng 30 tấn sản phẩm, góp phần giúp ổn định “đầu ra” cho trái chanh không hạt.

Theo Giám đốc HTX thương mại dịch vụ Phước Thịnh, huyện Cần Giuộc (Long An) Đặng Duy Dũng, sau chuyến tham dự chợ phiên nông sản an toàn tại TP Hồ Chí Minh, HTX đã kết nối giao thương với các DN của thành phố giúp các mặt hàng rau, củ, quả của 60 xã viên sản xuất có đầu ra ổn định. Bình quân mỗi ngày, HTX cung ứng từ năm đến bảy tấn rau đến các DN của thành phố.

Giám đốc HTX Phước Hòa, xã Phước Vân, huyện Cần Đước (Long An) Kiều Anh Dũng cho biết, HTX hiện có 41 xã viên, sản lượng rau ăn lá được bà con sản xuất khoảng 300 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ chính là TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, HTX đã ký được hợp đồng cung cấp rau sạch cho siêu thị Satra với sản lượng khoảng một tấn/ngày và cung cấp đến bếp ăn tập thể một số DN trên địa bàn thành phố.

Huyện Cần Giuộc (Long An) giáp ranh với TP Hồ Chí Minh có diện tích trồng hoa màu chuyên canh lớn, năng suất đạt từ 20 đến 22 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 125.000 tấn/năm và thị trường tiêu thụ chính là TP Hồ Chí Minh cho nên việc tổ chức sản xuất hàng nông sản sạch, bảo đảm truy xuất nguồn gốc rau được địa phương thực hiện khá tốt. Toàn huyện tổ chức được 22 tổ sản xuất rau an toàn, một Liên hiệp HTX và chín HTX với 739 nông dân tham gia trồng 341 ha sản xuất rau an toàn, trong đó có ba HTX sản xuất đạt chuẩn VietGAP. Các HTX, cơ sở sản xuất rau trên địa bàn huyện đã thực hiện 41 hợp đồng với các đầu mối tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, vùng ven thành phố Tân An (Long An) cũng đang phát triển mạnh diện tích trồng hoa màu chuyên canh để cung ứng cho TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, mỗi đêm, các cơ sở giết mổ tại Long An chuyển về TP Hồ Chí Minh hơn 2.500 con heo được đeo vòng truy xuất nhận diện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Long An đã mời các thương nhân chợ đầu mối Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) đến liên kết, hợp tác với các HTX sản xuất mặt hàng củ, quả trên địa bàn huyện Đức Hòa. UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất và người dân thông qua khâu quản lý sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị gia tăng. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT Long An) đã tổ chức kết nối các cơ sở trong vùng sản xuất ban đầu với cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh; tập huấn kiến thức về quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi; thu mẫu giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm và đẩy mạnh truyền thông quảng bá sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi…

Nhiều mặt hàng nông sản của Long An đang được thị trường TP Hồ Chí Minh tiêu thụ rất mạnh. Nhiều DN lớn ở TP Hồ Chí Minh như: Công ty TNHH Thương mại quốc tế Minh Phan, Công ty TNHH Jia Hsin, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ San Hà… đã ký kết thu mua với các cơ sở xuất, nông dân Long An sau đó cung ứng vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố và nhiều địa phương khác trên cả nước.

Thực tế cho thấy, mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa Long An và TP Hồ Chí Minh đã góp phần nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, nâng cao được chuỗi giá trị gia tăng và sản phẩm đến tay người tiêu dùng bảo đảm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Bài, ảnh: THANH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37334602-lien-ket-hop-tac-nang-cao-chuoi-gia-tri-nong-san-sach.html