Liên kết HTX với làng nghề để tạo 'đòn bẩy' xây dựng nông thôn mới

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các làng nghề truyền thống tại địa phương trong thời kỳ mới, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã tích cực đẩy mạnh liên kết các làng nghề với HTX nông nghiệp. Qua đó, thu nhập của người dân được nâng cao, đời sống cải thiện, góp phần bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống và xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững.

Xã Phú Nghĩa có 7/7 làng làm nghề mây tre đan với 90% số hộ tham gia, trong đó có 3 làng được công nhận là làng nghề (Phú Vinh, Quan Châm, Khê Than).

Tuy nhiên, quá trình phát triển của đa số các làng nghề trên địa bàn xã Phú Nghĩa gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao. Hầu hết chủ hộ sản xuất chưa được đào tạo về lĩnh vực quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường...

Nhằm giải quyết những khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các làng nghề, năm 1976, HTX nông nghiệp Phú Nghĩa được thành lập trên quy mô toàn xã, trở thành cầu nối quan trọng giữa các hộ sản xuất cá thể, kết nối nguồn cung sản phẩm phong phú và thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống.

HTX góp phần thúc đẩy sản xuất làng nghề

Hiện nay, HTX nông nghiệp Phú Nghĩa và các làng nghề mây tre, giang đan truyền thống trong xã có sự liên kết chặt chẽ. Phần lớn các hộ gia đình tham gia làng nghề là thành viên của HTX. Các hộ cùng nhau xây dựng những tiêu chí chung về sản phẩm, hỗ trợ nhau trong việc gia công, tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như đầu ra cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của địa phương.

Trao đổi với phóng viên VnBusiness, ông Hoàng Đăng Trãi, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Nghĩa cho biết: “HTX đã tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên cũng như bà con địa phương tham gia vào các làng nghề sản xuất mây tre đan, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua các công ty, doanh nghiệp”.

Nói đến nghề mây tre đan ở xã Phú Nghĩa, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung (sinh năm 1955). Ông Trung sinh ra và lớn lên tại làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa - cái nôi làm nghề truyền thống mây tre đan nổi tiếng, hiện là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Mây tre Phú Vinh.

Gần nửa thế kỷ gắn bó với công việc đan lát, ông Trung cũng như nhiều nghệ nhân lâu năm khác luôn trăn trở nỗi lo nghề truyền thống tại của địa phương sẽ bị mai một theo thời gian. Do đó, ông quyết định liên kết sản xuất với HTX nông nghiệp Phú Nghĩa để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các làng nghề, qua đó thu hút nhân lực trẻ tham gia vào công việc này.

“UBND xã đã phối hợp với HTX hỗ trợ việc thiết kế tem mác, logo, quảng bá thương hiệu. Đồng thời giới thiệu các đơn vị liên kết để tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu... Đây chính là tiền đề để xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho làng nghề trong tương lai gần”, ông Trung chia sẻ.

Theo thống kê của UBND xã Phú Nghĩa, hiện có khoảng 7.800 nhân khẩu sinh sống bằng nghề làm mây tre đan, chiếm 90% số hộ trong toàn xã. Nếu lượng đặt hàng ổn định, thu nhập mỗi lao động được khoảng 150-200 nghìn/ngày. Với mức sống ở khu vực ngoại thành, thu nhập như vậy tương đối ổn định, có thể trang trải cho cuộc sống.

Nghề mây, tre, giang đan đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã Phú Nghĩa với 90% số hộ tham gia.

Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch COVID-19 vừa qua, các làng nghề mây tre đan tại xã Phú Nghĩa vẫn duy trì sản xuất, mang lại doanh thu từ 110 - 120 tỷ đồng vào năm 2020 và tạo sinh kế cho hơn 6.000 lao động tại địa phương.

Những năm gần đây, sản phẩm mây, tre, giang đan của các làng nghề tại xã Phú Nghĩa đã vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha... Thị trường xuất khẩu mây, tre, giang đan ngày càng mở rộng và giá trị kim ngạch thu được ngày càng nhiều.

Phát triển nông nghiệp, cán đích xã NTM

Bên cạnh thúc đẩy phát triển các làng nghề mây tre đan truyền thống, xã Phú Nghĩa còn chú trọng sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình đó, không thể không kể đến những đóng góp tích cực từ HTX nông nghiệp Phú Nghĩa.

Cụ thể, HTX đã mạnh dạn đăng ký các loại giống cây trồng mới, liên kết các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, giảm bớt chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp.

HTX cũng chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch sản xuất, tuyên truyền đến hộ nông dân về giống, quy trình sản xuất để bà con nắm được và thực hiện. HTX còn liên kết sản xuất với các HTX lân cận như HTX rau quả sạch Chúc Sơn, nâng cao chất lượng sản phẩm rau màu của địa phương.

Không chỉ tạo thu nhập cho người dân, các làng nghề tại xã Phú Nghĩa còn là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Năm 2022, tổng sản lượng lúa gạo tại xã Phú Nghĩa đạt 3.912,9 tấn, tăng 3,2% so với năm 2021. Giá trị màu quy thóc và tổng sản lượng lương thực cả hai vụ bình quân đầu người đạt 316kg/năm, tăng 16kg so với chỉ tiêu đề ra. Tổng giá trị thu nhập từ trồng trọt đạt 38,05 tỷ đồng.

Trên địa bàn xã hiện có 28 trang trại chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm là 528.583 con, trong đó lợn 19.584 con, gia cầm thủy cầm là 508.679 con. Ước doanh thu từ chăn nuôi đạt 261 tỷ đồng.

Diện tích thủy sản trang trại đạt 44,32 ha, diện tích vụ mùa nông dân không cấy chuyển sang chăn nuôi cá, vịt là 196 ha. Kết quả, tổng giá trị thu nhập ngành trồng trọt và chăn nuôi năm 2022 ước đạt 382,5 tỷ đồng.

Về lĩnh vực phòng chống thiên tai, thủy lợi, trên cơ sở nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã đã thành lập ban chỉ huy và các tiểu ban phòng chống thiên tai, xây dựng phương án phục hồi sản xuất sau mùa mưa bão, đồng thời chỉ đạo các tổ đội khơi thông dòng chảy kịp thời khi có tình trạng tắc nghẽn xảy ra.

Với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân, xã Phú Nghĩa đã hoàn thành 19/19 tiêu chí theo quy định, thành công đưa địa phương trở thành xã NTM vào năm 2020 và tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Đẩy mạnh chương trình OCOP, tiến tới xây dựng NTM nâng cao

Từ khi được phát động đến nay, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo động lực cho các HTX và làng nghề mây tre đan ở xã Phú Nghĩa nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chương trình xây dựng NTM đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn xã Phú Nghĩa.

Hiện nay, toàn huyện Chương Mỹ có tổng số 145 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, làng nghề mây tre đan Phú Vinh thuộc xã Phú Nghĩa có tới 49 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, điển hình như: Bộ đèn đan vảy rồng, bát bộ ba, khay để hoa quả...

Trong thời gian tới, xã Phú Nghĩa tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Theo đó, chính quyền xã thường xuyên mở các lớp tập huấn xây dựng sản phẩm OCOP cho người dân, khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm OCOP.

Xã cũng thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, xây dựng chuỗi liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm; quy hoạch, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất trong các làng nghề có mặt bằng để mở rộng nhà xưởng sản xuất; xây dựng hệ thống xử lý môi trường trong các làng nghề.

Từ nay đến cuối năm 2023, lãnh đạo xã Phú Nghĩa cho biết sẽ tiếp tục vận động người dân phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình canh tác hiệu quả; thúc đẩy mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với kinh tế tuần hoàn và sử dụng công nghệ cao; xây dựng các HTX có các sản phẩm OCOP bán qua sàn thương mại điện tử.

Kim Yên - Hà Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/lien-ket-htx-voi-lang-nghe-de-tao-apos-don-bay-apos-xay-dung-nong-thon-moi-1095320.html