Liên kết khu kinh tế vẫn chưa chặt chẽ

Không những không liên kết hợp tác, mà các khu kinh tế ở khu vực còn cạnh tranh lẫn nhau, kéo lùi sự phát triển.

Triệt tiêu lợi thế của nhau

Đến nay, sau 10 năm thành lập, vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đã có 4 khu kinh tế (KKT) bao gồm Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhơn Hội (Bình Định). Nhìn chung, các KKT ở khu vực có điều kiện thuận lợi để phát triển khi đều là những KKT ven biển, nằm trên tuyến giao thông Bắc - Nam, cửa ngõ ra biển trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây...

Việc liên kết các khu kinh tế tại khu vực miền Trung còn lỏng lẻo

Cùng với nhiều KCN, các KKT đã có những đóng góp vào sự phát triển ở khu vực. Trong đó, tập trung vào chuyển dịch cơ cấu, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm... Theo số liệu thống kế gần đây, các KKT và KCN trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung thu hút hơn 1.280 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 500 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư đã thực hiện hơn 210 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách khoảng 40 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, đầu tư vào các KKT có 420 dự án, với vốn đầu tư đăng ký hơn 380 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, nhìn chung các KKT ở khu vực vẫn chưa tạo được những đột phá như kỳ vọng. Quy mô đầu tư của các KKT hay KCN còn khiêm tốn. Các ngành nghề thu hút đầu tư còn trùng lặp, chính sách thu hút thiếu đồng bộ. Hàm lượng khoa học, công nghệ trong các dự án còn thấp…

Đơn cử, tổng vốn đầu tư trung bình trên một dự án của các KCN trong vùng chỉ là 104,1 tỷ đồng, dự án FDI là 258 tỷ đồng. Trong khi mức bình quân chung của cả nước lần lượt là 236 tỷ đồng và 357,8 tỷ đồng...

Đặc biệt, các KKT trong khu vực vẫn còn loay hoay với bài toán liên kết nếu không muốn nói là còn cạnh tranh gay gắt với nhau. Việc các KKT thiếu sự liên kết đã làm triệt tiêu lợi thế của nhau, chưa khai thác hết được những tiềm năng vốn có, kéo lùi sự phát triển.

Tại Hội nghị “Liên kết phát triển các KKT và KCN trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung” vừa tổ chức tại Thừa Thiên - Huế, nhiều chuyên gia cho rằng, nhìn chung các địa phương trong khu vực còn thiếu liên kết, nhưng thừa sự cạnh tranh ngay trong nội bộ vùng.

Hầu hết các địa phương đang cạnh tranh thu hút đầu tư bằng những cơ chế ưu đãi, chứ chưa phải là dựa trên những tiềm năng hay lợi thế vốn có. Khu vực miền Trung có nhiều lợi thế, nhưng lại không có KCN hay KKT chuyên sâu. Các KKT cũng thu hút đầu tư na ná như nhau, trùng lắp, thiếu sự hỗ trợ và bổ sung cần thiết cho nhau mà trở thành cạnh tranh lẫn nhau vì nguồn lực có hạn.

Mô hình quản lý vùng

Theo PGS - TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã tròn 10 năm thành lập vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời một cách rõ ràng thành công hay thất bại, đặc biệt trong vấn đề liên kết vốn đã được đề cập rất nhiều.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đã đến lúc cần đặt vấn đề một cách thẳng thắn về liên kết của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Trước hết, phải đánh giá cho được, việc xây dựng KKT và KCN của miền Trung trong thời gian vừa qua thành công hay thất bại?

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn lại mô hình liên kết phát triển vùng sau 10 năm thành lập. Trong đó, có việc phát triển các KKT, KCN. Để từ đó đưa ra một mô hình liên kết có tính tiên tiến, sáng tạo và bền vững. Tập trung khắc phục tình trạng không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, làm cho vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình.

Cũng theo PGS, TS Trần Đình Thiên, các KKT, KCN khu vực miền Trung có tiềm năng lợi thế tương đối giống nhau. Bởi vậy, mỗi địa phương nên chọn một lợi thế để tạo thành điểm chung cho vùng. Đặc biệt, không phát triển đồng thời các KKT hiện có, mà lựa chọn những KKT có nhiều thuận lợi nhất trong thu hút đầu tư, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao, để tập trung hỗ trợ.

Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất việc cần thiết phải có cơ quan quản lý vùng hay xây dựng các mô hình thể chế quản trị vùng. Ông Đàm Minh Lễ, Phó trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho rằng, để phát huy tiềm năng và liên kết phát triển vùng, phải có cơ chế điều phối, quản trị vùng. Liên kết vùng phát triển KCN và KKT ở khu vực chỉ có thể thực hiện được khi có quá trình phân cấp hợp lý giữa cơ quan quản lý vùng và địa phương giữa Nhà nước và thị trường. Phải điều chỉnh, xây dựng cơ sở pháp lý cho sự hoạt động của cơ quan quản lý vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.

Cụ thể, cơ quan này phải có đủ tư cách pháp nhân, cơ chế và nguồn lực để thực hiện vai trò chức năng của mình trong quá trình phát triển các KKT lẫn KCN trên địa bàn. Bảo đảm điều kiện cơ chế và nguồn lực để thực hiện vai trò chức năng của cơ quan này...

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế chính sách thích hợp, thúc đẩy liên kết để tạo điều kiện phát triển nhanh hơn cho các địa phương. Đồng thời, hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển KCN và KKT; Tập trung các nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng KT - XH, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng như xây dựng các con đường ven biển, mở rộng sân bay và các tuyến đường cao tốc trong khu vực...

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập từ năm 2008, ở vị trí trung bộ của đất nước, gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Diện tích tự nhiên của vùng là 27.881 km2 chiếm 8,45% diện tích cả nước; dân số khoảng 6,5 triệu người, chiếm trên 7% dân số cả nước.

Vùng có điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc - Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, nối Myama, Lào, Campuchia với đường hàng hải quốc tế thông qua Biển Đông và Thái Bình Dương.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/lien-ket-khu-kinh-te-van-chua-chat-che-75663.html