Liên kết sản xuất: Hướng đi để 'giữ lửa' các làng nghề truyền thống

Hiện nay nhiều làng nghề còn chưa có chiến lược phát triển sản phẩm, chưa đủ sức xây dựng thương hiệu làng nghề để khai thác tốt hơn thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nghệ nhân làm khảm trai làng Chuôn Ngọ, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sản xuất manh mún, chất lượng hàng hóa còn thấp, nhiều làng nghề vẫn chưa có chiến lược phát triển sản phẩm, chưa đủ sức xây dựng thương hiệu làng nghề để khai thác tốt hơn thị trường trong nước và xuất khẩu…

Đây là một trong những tồn tại được nêu ra trong báo cáo kết quả phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương).

Quy mô còn nhỏ lẻ

Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về làng nghề (bao gồm cả làng nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp) ở các tỉnh/thành phố đã được giao cho ngành nông nghiệp tổ chức thực hiện. Ở cấp Trung ương, làng nghề giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì quản lý, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện hoạt động phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Tổng hợp báo cáo từ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, đến năm 2020, cả nước có 165 nghề truyền thống; 1.951 làng nghề (trong đó có 1.062 làng nghề và 889 làng truyền thống) đã được công nhận theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, trong số 1.951 làng nghề, có 1.656 làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (chiếm 84,8% tổng số làng nghề).

Tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất trong làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của cả nước đạt khoảng hơn 55.000 tỷ đồng, tăng 13,75% so với năm 2018. Tổng vốn và tài sản của các cơ sở sản xuất trong làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp là hơn 14.000 tỷ đồng.

Số lượng lao động tham gia sản xuất kinh doanh tại các cơ sở sản xuất trong làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp là 1.261.389 lao động, tăng 1,27% so với năm 2018. Thu nhập của lao động trong các làng nghề bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, số lượng các cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh trong làng nghề là 335.594 cơ sở, tăng 1,14% so với năm 2018, bao gồm 2.786 doanh nghiệp, 339 hợp tác xã, 509 tổ hợp tác và 331.960 hộ gia đình, trong đó, nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản có số lượng cơ sở sản xuất nhiều nhất với 203.775 cơ sở, chiếm 60,7%; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 78.212 cơ sở, chiếm 23,3%; tiếp đến là nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ 41.460 cơ sở, chiếm 12,35%...

Theo đại diện Cục Công Thương địa phương, hình thức tổ chức sản xuất hiện nay trong các làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất tại các hộ gia đình, với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhưng đang có xu hướng chuyển mạnh sang các mô hình tổ chức liên kết sản xuất.

Ở nhiều địa phương đã hình thành hệ thống các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư liên kết với các hộ gia đình, làng nghề trong cung ứng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm tăng nhanh sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Làng Phú Vinh, Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội nổi tiếng với nghề truyền thống mây tre đan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điển hình tại tỉnh Ninh Bình và Vĩnh Long đã hình thành một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng mây tre đan, liên kết với hàng trăm làng nghề, hàng chục nghìn hộ gia đình để đào tạo nghề, cung cấp nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Việc phát triển làng nghề nói chung, làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp nói riêng đã góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, qua đó, góp phần ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới,” đại diện Cục Công Thương địa phương cho hay.

Đồng bộ các giải pháp để phát triển bền vững

Thực tế hiện nay, hệ thống các văn bản quản lý đối với lĩnh vực làng nghề đã tương đối đầy đủ, như Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư, Luật Xây dựng; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Hợp tác xã, nghị định về Khuyến công, nghị định về Tổ hợp tác…. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Công Thương địa phương, việc phát triển làng nghề giai đoạn vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Nguyên nhân của việc này có thể là do khâu tổ chức triển khai còn có nơi chưa được tốt. Đặc biệt, công tác tuyên truyền để cho các cơ quan, đơn vị và người dân tại các làng nghề hiểu và thực hiện đúng theo định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn thực hiện chưa được tốt. Đây là điều cần sớm khắc phục trong thời gian tới để các làng nghề phát triển ổn định, bền vững.

Bên cạnh đó, công nghệ thiết bị phục vụ sản xuất của các làng nghề phần lớn lạc hậu, thủ công và bán cơ khí; mẫu mã đơn điệu, chậm thay đổi, kém sức cạnh tranh; nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chưa chủ động được, chưa có quy mô tập trung, chưa tạo được các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hóa lớn; các cơ sở sản xuất của các làng nghề gặp nhiều khó khăn nhất là tiếp cận vay vốn, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao tay nghề; nội tại yếu, năng lực cạnh tranh rất thấp...

Trong cơ chế thị trường, do thu nhập nghề thấp, bấp bênh nên lao động trong các làng nghề chuyển dịch mạnh từ nông thôn ra các đô thị lớn tìm việc làm, hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Do đó, công tác nhân cấy, truyền nghề không được phát triển tốt, dẫn tới số lượng nghệ nhân, thợ nghề giỏi ở các làng nghề dần bị mai một.

Những người "giữ lửa" cho các làng nghề truyền thống. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề đang bị xuống cấp, sự phát triển “nóng” của các làng nghề thời gian qua dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao, khó kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của làng nghề.

“Nhiều làng nghề còn chưa có chiến lược phát triển sản phẩm, chưa đủ sức xây dựng thương hiệu làng nghề để khai thác tốt hơn thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong các làng nghề có tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nên không được bảo vệ dẫn đến không có động lực sáng tạo mẫu mã, nguyên liệu mới, từ đó làm giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh của sản phẩm,” đại diện Cục Công Thương địa phương cho hay.

Để hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, Cục Công Thương địa phương đã xây dựng và trình duyệt Đề án: “Giải pháp phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;” Xây dựng và trình lãnh đạo Bộ Công Thương dự thảo Nghị định quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

Thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục các hoạt động khuyến công và hoạt động phát triển cụm công nghiệp để hỗ trợ các cơ sở sản xuất (cơ sở công nghiệp nông thôn) tại các địa phương trên cả nước, trong đó có các cơ sở sản xuất tại các làng nghề.

Các giải pháp trên nhằm góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, giúp các cơ sở tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển các làng nghề bền vững, phát triển công nghiệp nông thôn./.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lien-ket-san-xuat-huong-di-de-giu-lua-cac-lang-nghe-truyen-thong/901523.vnp