Liên kết sản xuất lúa ở Bình Minh: Đừng đi nhanh, hãy đi xa

KTNT - Được một người bạn tặng cho 5kg gạo kèm câu quảng cáo: 'Gạo trồng ở Ninh Bình quê cậu đấy', tôi hết sức ngạc nhiên. Quê tôi trước nay nổi danh với 'cơm cháy – thịt dê', hay Tràng An – Bái Đính hoặc du lịch homestay… chứ chưa hề nghe đến đặc sản gạo địa phương, lại còn được đóng túi 5kg tiện dụng và khá bắt mắt. Tò mò, tôi tìm hiểu thông tin và được biết đó là kết quả hợp tác của Công ty cổ phần Lộc Trời Miền Bắc cùng Công ty TNHH MTV Bình Minh (Kim Sơn – Ninh Bình). Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở sự hợp tác, nó thú vị hơn nhiều…

Bài 1: Ký ức lấn biển và mối duyên hợp tác

Bất cứ mối liên kết nào cũng có chung một nguyên tắc: các bên cùng có lợi, đây cũng là điều kiện tối thượng. Tuy nhiên, để có thể hình thành mối liên kết, cần phải hiểu mình có gì, thiếu gì và thỏa mãn được gì cho đối tác? Cái bắt tay giữa Lộc Trời và Bình Minh phần nào lý giải cụ thể, rõ nét hơn về bản chất của liên kết, hợp tác – một hình thức làm ăn vô cùng quan trọng khi muốn phát triển kinh tế bền vững.

Từ hai đầu đất nước

Lịch sử hình thành thị trấn Bình Minh gắn liền với quá trình khai hoang lấn biển của quân đội và nhân dân Việt Nam từ sau ngày giải phóng Ninh Bình 30/6/1954. Nông trường Bình Minh ra đời năm 1957 trên cơ sở ban đầu ban đầu là nông trường của Quân đội, khi thành lập Nông trường có diện tích 689,38ha, số lao động hiện có là 267 người, nông trường có 4 đội sản xuất phân bố theo địa bàn sản xuất.

Sau này, nông trường Bình Minh giải thể để chuyển đổi sang loại hình hoạt động mới là Công ty nông nghiệp Bình Minh với 100% vốn Nhà nước. Nhiệm vụ sản xuất của công ty là sản xuất 200ha cói, lúa, thủy sản. Tuy nhiên, để tạo động lực thúc đẩy cho sản xuất nông nghiệp huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũng đã có chủ trương cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Bình Minh nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp thực sự có năng lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Cánh đồng diện tích lớn là thế mạnh trong sản xuất lúa hàng hóa ở Bình Minh.

Ưu thế của Bình Minh là đang nắm giữ một cánh đồng lớn rộng tới 527ha với đầy đủ hệ thống thủy lợi, nhà xưởng, kho bãi kèm theo một lực lượng lao động nông nghiệp có kinh nghiệm… một điều kiện quá lý tưởng để xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên do thiếu vốn, thiếu khoa học công nghệ nên hoạt động sản xuất nông nghiệp của Công ty còn rất nhiều tiềm năng để ngỏ.

Ở đầu kia của đất nước, Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Công ty cổ phần BVTV An Giang) vốn đã nổi danh với vai trò tiên phong trong sản xuất các chế phẩm, phân bón hữu cơ sinh học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Mặc dù sở hữu rất nhiều lợi thế về giống, vốn, khoa học kỹ thuật nhưng Lộc Trời không hề dễ dàng khi tiến quân ra Bắc. Từ năm 2014 các sản phẩm của Lộc Trời đã được giới thiệu tới thị trường Bắc Bộ với đa dạng chủng loại: cao cấp có, bình dân có… nhưng vấp phải rất nhiều “chướng ngại vật” bởi phẩm cấp gạo trồng ở phía Nam không thể cạnh tranh và cũng không phù hợp với khẩu vị của người miền Bắc. Ông Nguyễn Viết Sáu, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Lộc Trời miền Bắc tiết lộ: “Trong kết quả khảo sát chúng tôi thực hiện ở các thị trường phía Bắc thì tới 2/3 người dân không dùng gạo miền Nam, nếu lựa chọn gạo hạt dài thì họ lại chọn gạo nhập khẩu từ Thái Lan. Người tiêu dùng có nhận xét chung là gạo miền Nam không đậm vị. Điều này chúng tôi cũng nhận thức được rõ ràng sau khi khảo nghiệm cùng một loại giống nhưng được trồng ở 2 miền khác nhau”. Từ đó, mong muốn phát triển vùng nguyên liệu ở phía Bắc nhanh chóng trở thành mục tiêu, mũi nhọn của lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời.

Ngay từ đầu, Tập đoàn Lộc Trời đã hướng đến và luôn ưu tiên những địa phương có quỹ đất rộng, đặc biệt thực hiện tốt phong trào dồn điền đổi thửa bởi ai cũng hiểu rằng, càng những thửa ruộng lớn thì chi phí đầu tư, thu hoạch càng giảm, chưa kể việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong gieo trồng cũng trở nên dễ dàng hơn. Vì thế khi xuống Bình Minh, những người tiên phong mở đường ra Bắc của Lộc Trời đã nhận thấy đây là cơ hội hợp tác rất tiềm năng, phù hợp với việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đất cũng như nâng cao cuộc sống cho bà con nông dân. Với những thửa ruộng trung bình từ 3-5ha thì Bình Minh là nơi duy nhất đáp ứng được yêu cầu này, chưa kể hệ thống tưới tiêu rất đồng bộ, thuận tiện cho sản xuất quy mô lớn.

Một lý do khác để chọn Bình Minh liên quan đến giống lúa mà Tập đoàn Lộc Trời muốn triển khai ở miền Bắc, đó là giống Bắc Thơm 7. Ngoại trừ các giống gạo đặc sản địa phương như Tám Xoan (Hải Hậu), Séng Cù (Lào Cai)… thì có thể khẳng định đây là giống lúa ngon nhất ở phía Bắc, hội tụ đầy đủ “khí chất” đáng mặt anh tài, có thể cạnh tranh được với giống địa phương. Và điều đặc biệt, với những giống lúa có mùi thơm, hương vị đậm đà, nếu được trồng ở vùng đất hơi nhiễm phèn mặn, nhất là vùng đất ven biển thì lại phát huy hết được ưu thế tiềm năng của giống.

Khi tư tưởng lớn gặp nhau

Sau khi đã hội tụ đầy đủ các yếu tố: “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”, mối duyên được se lại bằng bản thỏa thuận được ký kết ngày 11/1/2017 giữa Công ty cổ phần Lộc Trời Miền Bắc và UBND huyện Kim Sơn. Theo đó, người nông dân sẽ tham gia góp ruộng đất với tư cách như cổ đông của Công ty và trở thành công nhân. Công ty cổ phần Lộc Trời có trách nhiệm áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Sự hợp tác này sẽ góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp của bà con nông dân, mang lại hiệu quả cao hơn, tránh tình trạng nông dân bỏ ruộng do năng suất thấp.

Lộc Trời xem đây là bước đi chiến lược bởi nếu thành công ở Bình Minh, cơ sở để nhân rộng các vùng nguyên liệu khác tại miền Bắc là rất lớn. Chưa kể chiến lược này hoàn toàn trùng khớp với mong muốn của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, đó là: hình thành một vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của tỉnh, vừa giữ lại một dấu ấn Bình Minh của thời “quai đê lấn biển”, vừa có thể phát triển dấu ấn ấy ở một tầm cao hơn, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thanh, UVTƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình cho biết: “Khi Công ty Lộc Trời đặt vấn đề liên kết hợp tác để sản xuất lúa ở Bình Minh, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Thứ nhất, đây là việc làm phù hợp với chủ trương của tỉnh, thứ hai là cơ hội giúp bà con nông dân thay đổi tư duy, cách làm, cách sản xuất; thứ ba có thể giúp Ninh Bình trở thành trung tâm lúa gạo ở Đồng bằng Bắc Bộ trong tương lai không xa. Vì những lý do trên, chúng tôi tạo điều kiện để Lộc Trời có được cơ hội hợp tác tốt nhất với nông dân”.

Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. HĐND tỉnh này cũng đã kịp thời thể chế thành Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Trong đó đã xác định đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với sản phẩm có lợi thế, gắn kết thị trường tiêu thụ và hiệu quả kinh tế bền vững dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tăng cường các hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực và sản phẩm đột phá, hiệu quả cao; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bà Thanh cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Bình Minh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Công ty Lộc Trời là cổ đông chiến lược của Bình Minh. Sau cổ phần hóa, chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ với cổ đông chiến lược thực hiện xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo trên địa bàn huyện Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung. Khôi phục các giống lúa đặc sản đã thất truyền tại địa phương, giúp Kim Sơn trở thành vùng nguyên liệu lúa đặc sản giá trị cao của tỉnh, xây dựng thương hiệu gạo cho Ninh Bình; xây dựng Bình Minh thành đô thị nông nghiệp (công nghiệp trong nông nghiệp) - mô hình mẫu đầu tiên ở khu vực phía Bắc.

Ông Huỳnh Văn Thòn, AHLĐ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời khẳng định sẽ cùng nông dân huyện Kim Sơn, Ninh Bình xây dựng thương hiệu lúa gạo nổi tiếng. Đặc biệt với tinh thần “Phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý và đạo lý, Công ty sẽ đảm bảo các phúc lợi và nâng cao đời sống người nông dân, làm văn minh nông thôn cùng tiến trình đổi mới hoạt động sản xuất nông nghiệp”- ông Thòn nhấn mạnh.

Tâm đắc với mô hình liên kết hợp tác này, ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND Huyện Kim Sơn đánh giá: “Kim Sơn là vùng đồng bằng ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình, diện tích đất trồng lúa trên 8.300ha/vụ, thuận lợi phát triển nông nghiệp toàn diện. Vì vậy, sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Lộc Trời Miền Bắc sẽ là cơ hội vàng để ngành nông nghiệp Kim Sơn phát triển tối đa lợi thế của mình, qua đó mang lại giá trị kinh tế cho huyện cũng như nâng cao đời sống của người nông dân”.

Tố Loan

Bài 2: Mùa vàng nơi đất mặn

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/lien-ket-san-xuat-lua-o-binh-minh-dung-di-nhanh-hay-di-xa-post3625.html