Liên kết, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nước ta đang ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu (CGTTC) do chỉ tham gia những khâu mang lại giá trị gia tăng (GTGT) thấp, chủ yếu là lắp ráp, gia công.

Tại Việt Nam, khoảng 300 doanh nghiệp (DN) đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế chứ không phải sản xuất. Trong số này, chỉ có 2% là DN lớn, 2 đến 5% là DN vừa, còn lại là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính của DN Việt Nam là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính; thiếu tính lan tỏa từ đối tác nước ngoài đến DN trong nước. Ðáng chú ý, liên kết trong nước với nước ngoài, giữa DN xuất khẩu với các DN cung cấp đầu vào trong nước còn yếu, rất ít DN kết nối được vào chuỗi GTGT toàn cầu; tỷ lệ DN FDI sử dụng đầu vào trong nước còn thấp…

Việc kết nối các DN trong nước với DN FDI chưa đạt hiệu quả mong muốn là do thiếu nhà cung cấp trong nước cạnh tranh, khiến cho các DN nước ngoài sẽ tìm kiếm đối tác ở nơi khác; thiếu tiếp cận tài chính - rào cản kinh doanh hàng đầu của các DN Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin; thiếu lao động có kỹ năng - cản trở của tất cả các ngành, nổi bật là trong các ngành may mặc, dệt… do cơ cấu quản trị của DN đầu chuỗi nước ngoài và hệ thống giáo dục địa phương không thể bắt kịp nhu cầu của môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh. Các chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ chưa hiệu quả, còn chung chung, thiếu các chương trình liên quan tiếp cận tài chính và thị trường…

Vì thế, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, hoặc có thể tiếp tục phát triển làm nền tảng xuất khẩu cho các CGTTC và chuyên sâu ở chức năng gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp, hoặc có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện nay để đa dạng hóa và vươn lên tham gia các công đoạn GTGT cao hơn trong chuỗi. Muốn đạt được bước phát triển cao hơn, chúng ta cần cải cách kinh tế, kết nối các DN, tạo môi trường chính sách, thể chế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; quan tâm lợi ích của người lao động.

Mới đây, Bộ Công thương phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố hai báo cáo "Việt Nam trước ngã rẽ - tham gia CGTTC thế hệ mới" và "Nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường kết nối giữa DN vừa và nhỏ với DN đầu tư nước ngoài" được đánh giá có nhiều nhận định, khuyến nghị quý báu để Chính phủ, các bộ, ngành nỗ lực hành động mạnh mẽ, cải cách sâu rộng, đồng bộ giúp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào CGTTC. Các báo cáo đã chỉ ra, Việt Nam cần có những cách tiếp cận mới, đưa ra khung chính sách mới bằng cách tiếp tục hội nhập, cải cách trong nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế, cải cách DN nhà nước để nguồn lực được phân bổ hiệu quả. Ðể vươn lên, cần thúc đẩy công nghệ, nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo nhằm bước lên bước cao trong chuỗi GTGT.

Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam U.Ði-ôn đánh giá, Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi hoạt động cuối cùng. Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn phát triển để đa dạng hóa và đem lại GTGT cao, tận dụng những đổi mới sáng tạo, vươn lên và nâng cao GTGT bằng những cải cách và sáng kiến chính sách ở những lĩnh vực như giao thông, dịch vụ, thủ tục biên giới và hội nhập khu vực. Việt Nam là quốc gia có luồng vốn FDI tốt nhưng cần tác động lan tỏa hơn.

Các chuyên gia WB cũng đưa ra một số khuyến nghị chính như: cải thiện sự phối hợp giữa các bộ, ngành, tạo thuận lợi về trao đổi thông tin và liên hệ giữa DN trong nước và DN FDI, phát huy thế mạnh của một số nhà cung ứng trong nước. Nếu đạt được vị thế cao hơn trong các CGTTC, Việt Nam có thể thu hút thêm FDI quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và tạo thêm cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước.

Nhưng để đạt mục tiêu đó, Chính phủ cần có một gói sáng kiến cải cách toàn diện như: thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hạ tầng thông qua đẩy mạnh huy động vốn của khu vực tư nhân và áp dụng cách tiếp cận tổng hợp hơn trong phát triển các hành lang giao thông; phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh và tự do hóa các quy định về FDI; hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu; thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để bảo đảm nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ.

BẢO TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34071002-lien-ket-tham-gia-sau-vao-chuoi-gia-tri-toan-cau.html