Liên kết vùng để nâng cao giá trị nông sản

Làm sao để cùng một mặt hàng nông sản nhưng bán được giá cao hơn, cung ứng với khối lượng lớn và thường xuyên trong thời gian dài? Bài toán này chỉ được giải quyết khi đẩy mạnh liên kết vùng gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung.

Ngày 26/10, tại khách sạn Hà Nội Daewoo, Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn “ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT VÙNG - TĂNG TỐC PHÁT TRIỂN KINH TẾ: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã” do Tạp chí Kinh Doanh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, với sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Sản lượng nông sản manh mún vì thiếu liên kết

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc thu mua hệ thống siêu thị BigC/GO, Tập đoàn Central Retail Việt Nam, đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn để nông sản của hợp tác xã vào hệ thống siêu thị hiện đại. Theo đó, siêu thị rất khó khăn khi làm việc với nhà cung ứng mà chỉ đảm bảo số lượng hàng hóa trong một thời điểm của năm, với số lượng khiêm tốn.

Toàn cảnh diễn đàn.

Rõ ràng thực trạng mà bà Phương phản ánh cũng đang là tình trạng mà nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP vẫn khó đưa vào các hệ thống bán lẻ hoặc xuất khẩu bởi sản lượng quá nhỏ, quy mô sản xuất còn manh mún, thiếu tính liên kết giữa các vùng sản xuất.

Ông Dương Thái Trung, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng chỉ ra việc tiêu thụ hàng nông sản nước ta liên tục gặp khó khăn, hàng nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Nguyên nhân một phần là do đặc điểm sản xuất nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, manh mún (trung bình chỉ đạt 0,18ha/thửa và 2,5 thửa đất/hộ), hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), đánh giá chủ đề đẩy mạnh liên kết vùng gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung, phục vụ chế biến sâu chưa bao giờ là vấn đề cũ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Trước sự cần thiết trên, sắp tới cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, cùng với nỗ lực của Bộ ngành liên quan, đặc biệt vai trò của HTX sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu đồng bộ căn cơ.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, sản phẩm nông sản cần hàm lượng chế biến sâu và tinh thông qua xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, có hạ tầng giao thông vận tải giữa các vùng sản xuất, không gian trung chuyển thuận lợi.

Đồng thời, ông Toản nhấn mạnh cần xây dựng vùng nguyên liệu theo yêu cầu thị trường, áp dụng được công nghệ hiện đại. Tổ chức lại sản xuất cho người nông dân, khi doanh nghiệp tham gia liên kết với người nông dân thì phải nhìn ra được nhu cầu thị trường.

Thời cơ để đẩy mạnh phát triển liên kết vùng

Đặc biệt, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chỉ ra nghiên cứu của CIEM mới đây đã khảo sát kinh nghiệm xây dựng các cụm liên kết ngành ô tô của Thái Lan, cụm liên kết ngành nho Maharashtra và cụm liên kết ngành ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ. Qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng, đó là Chính phủ chú trọng và khuyến khích việc xây dựng và thực thi các chính sách “từ dưới lên”, với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và các bên liên quan tại địa phương.

Mặt khác, kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa cách tiếp cận “từ trên xuống” và “từ dưới lên” trong quá trình ban hành và thực thi các chính sách nhằm cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành.

Theo đó, Việt Nam cần tăng cường liên kết vùng và tích hợp kết nối chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp, nông nghiệp vào quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển địa phương, vùng và quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên vùng trên cả nước.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thẳng thắn chỉ ra câu chuyện nếu những quy định về tiếp cận đất đai chưa được tháo gỡ thì khó đẩy mạnh liên kết vùng. Thực tế, nhiều người giàu lên vì đất đai nhưng chi phí về đất đai cũng cản trở sự phát triển ghê gớm, không giải quyết nút thắt thì kéo lùi sự phát triển.

Vì vậy, chuyên gia này kỳ vọng sắp tới khi Luật Đất đai được sửa đổi sẽ giúp giải quyết những nút thắt trên, sửa phần gốc thay vì ngọn. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến khó lường từ thị trường thế giới, ông Thiên cho rằng cần giải quyết được bài toán liên kết phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có liên kết vùng, ngành thế nào để tận dụng được thời cơ.

Nhìn nhận thực trạng trong thời gian qua, PGS.TS. Trần Đình Thiên thẳng thẳn đánh giá liên kết vùng chưa thực sự thành công về thực tiễn, nếu không muốn nói là thất bại. Liên kết vùng phải có điều kiện tiên quyết nền tảng, nối kết các điều kiện tiềm năng, gắn bó với nhau không, trình độ xuất phát để bảo đảm có vùng phát triển thật, nếu không làm rõ, lập vùng ra thì không thể phát triển được. Thêm vào đó, có cơ chế vận hành và thể chế điều hành phát triển vùng.

Trước những đóng góp của nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh đánh giá rõ ràng cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng. Bên cạnh đó, để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại cùng với sự liên kết của doanh nghiệp và HTX thì phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn sẽ được Liên minh HTX Việt Nam tập hợp làm cơ sở đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành để từ đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là sau tác động của đại dịch COVID-19.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lien-ket-vung-de-nang-cao-gia-tri-nong-san-1088899.html