Liên minh châu Âu chưa thống nhất về gói tài chính hỗ trợ chống dịch

Tới 6h ngày 5-4, thế giới đã có tới 1.196.944 ca nhiễm Covid-19, trong đó 64.580 người đã tử vong, 246.121 người được chữa khỏi.

Các quốc gia châu Âu vẫn phải tự mình ứng phó Covid-19 khi EU chưa đưa ra được giải pháp tài chính.

Châu Âu

Trong khi Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác đã tung ra các kế hoạch tài chính khổng lồ để ứng phó với khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh, châu Âu vẫn loay hoay với nỗ lực này do sự bất đồng quan điểm trong nội bộ. Điều này khiến 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn phải đối phó dịch bệnh bằng các kế hoạch chi tiêu riêng. Trong đó, các nước giàu có (như Đức, Hà Lan) có thể thực hiện các gói chi tiêu lớn, song những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như Tây Ban Nha và Italia lại không có đủ nguồn lực tài chính.

Trong bối cảnh đó, hai nước này đang kêu gọi kiến tạo một công cụ tài chính thông qua một khoản vay chung của tất cả 19 quốc gia thành viên khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone). Đây là một trong các đề xuất được đưa ra trước thềm cuộc họp ứng phó khủng hoảng của các bộ trưởng tài chính EU (dự kiến diễn ra vào ngày 7-4). Những công cụ này sẽ gom lại các khoản vay của các nước thành viên Eurozone để khắc phục các khó khăn kinh tế do dịch bệnh và trong một khoảng thời gian được giới hạn.

Hiện nay, Tây Ban Nha vẫn là nước có số ca nhiễm nhiều nhất châu Âu (126.168 trường hợp, tăng 6.969 trường hợp so với một ngày trước đó).

Dù vẫn là nước có số ca tử vong đứng đầu thế giới (15.362 người), Italia đã ghi nhận số ca điều trị tích cực giảm lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, xuống còn 3.994 trường hợp. Thực tế này khiến quan chức y tế Italia lạc quan rằng dịch có thể sẽ suy giảm sau lễ Phục sinh. Đất nước hình chiếc ủng đang có 124.632 người nhiễm Covid-19, tăng 4.805 trường hợp so với một ngày trước đó. Cơ quan y tế tại đây đã đảm bảo 9.284 giường bệnh điều trị tích cực (tăng 79% so với 5.579 giường ở thời điểm ban đầu), đồng thời bổ sung khoảng 72,3 triệu thiết bị y tế cho tất cả các bệnh viện trên cả nước này để ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

Châu Mỹ

Mỹ tiếp tục là điểm nóng về dịch bệnh khi có tới 30.963 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại đây lên tới 308.124 người. Nước này cũng có tới 8.395 người thiệt mạng (tăng 991 trường hợp), chỉ đứng sau Tây Ban Nha và Italia. Điều này tương ứng với cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc "tuần cam go nhất" của nước Mỹ sắp đến với "nhiều ca tử vong" do sự bùng phát của dịch. Các bang có số bệnh nhân trên 10.000 người là New Jersey, Michigan, California, Louisiana, Florida, Massachusetts và Pennsylvania.

Cũng trong phát biểu tại cuộc họp báo của lực lượng đặc nhiệm chuyên trách phòng, chống dịch tại Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump cam kết sẽ cung cấp cho các điểm nóng của dịch bệnh trên khắp nước Mỹ các vật tư y tế cần thiết nhằm đối phó với đại dịch. Ông lưu ý rằng, chính phủ liên bang đã thiết lập các bệnh viện dã chiến mới tại một số bang và hiện đã sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân bị lây nhiễm tại một bệnh viện dã chiến ở New York. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cho biết, 29 triệu liều thuốc chống sốt rét sẽ được bổ sung vào kho dự trữ chiến lược quốc gia dành cho các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Châu Á và châu Đại dương

Tại Australia, Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud cho biết, những lao động người nước ngoài làm việc kết hợp kỳ nghỉ và làm việc theo thời vụ sẽ được kéo dài thời gian lưu trú thêm nhiều nhất là 1 năm nếu họ đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc chăm sóc sức khỏe, là người cao tuổi hoặc mong muốn ở lại để giúp Australia vượt qua đại dịch.

Chính phủ Australia cũng miễn trừ người lao động thuộc diện trên khỏi quy định không được làm cho cùng một chủ lao động trong thời gian quá 6 tháng. Khi hết thời hạn làm việc theo chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ, nếu người lao động nước ngoài không thể trở về nước, họ sẽ được hỗ trợ để làm một công việc mới trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, bất kỳ người lao động nào chuyển đến làm việc tại một khu vực mới đều phải tự cách ly trong 14 ngày. Australia hiện có 5.550 ca nhiễm Covid-19 (tăng 96 ca so với ngày trước đó), trong đó 30 người đã thiệt mạng.

Tại Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đã thông báo đến tất cả các cơ quan và phái bộ ngoại giao được thừa nhận tại Campuchia về việc tự động gia hạn visa du lịch cho tất cả các công dân nước ngoài đến Campuchia sau ngày 1-1 mà không thể trở về nước do không có chuyến bay do dịch bùng phát.

Trong khi đó, chính quyền thủ đô Jakarta của Indonesia đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các địa điểm du lịch tới ngày 19-4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Hiện Indonesia ghi nhận 2.092 ca nhiễm bệnh (tăng 106 trường hợp), nhiều nhất tại Đông Nam Á. Nước đứng thứ hai là Thái Lan, với 2.067 ca nhiễm (tăng 89 trường hợp).

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ viện trợ 5,8 triệu USD cho Palestine sau khi đã viện trợ 800.000 USD hồi tuần trước nhằm mục đích hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2, đồng thời cải thiện điều kiện sức khỏe của những người nhiễm bệnh. Palestine hiện có 216 ca mắc Covid-19, 1 trường hợp tử vong.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/963418/lien-minh-chau-au-chua-thong-nhat-ve-goi-tai-chinh-ho-tro-chong-dich