Liên minh tập đoàn phản đối thuế quan, Trump có suy chuyển?

Liên minh do các tập đoàn công nghiệp của Mỹ thành lập nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Donald Trump phải gỡ bỏ các biện pháp thuế quan.

Sau nhiều tháng phát động cuộc chiến “âm thầm” chống lại việc áp thuế nhập khẩu bổ sung của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hơn 60 tập đoàn công nghiệp Mỹ ngày 12/9 tuyên bố thành lập một liên minh nhằm công khai phản đối chính sách được cho là gây hậu quả vượt xa so với dự kiến.

Liên minh trên bao gồm các công ty là thành viên của một số tập đoàn lớn trên toàn nước Mỹ. Trong số đó, có Viện Dầu khí Mỹ, đại diện cho các tập đoàn năng lượng lớn như Exxon Mobil, Chevron, và Hiệp hội Các nhà bán lẻ Mỹ, bao gồm cả các tập đoàn Target, Autozone.

Ông Dean Garfield, giám đốc điều hành của Hội đồng Công nghệ thông tin (Hội đồng quy tụ các thành viên lớn như Microsoft, Alphabet và Apple) cho biết: "Trong suốt 8 tháng qua, đã có nhiều nỗ lực thuyết phục Tổng thống Trump và chính quyền Mỹ rằng các biện pháp thuế quan sẽ không có tác dụng".

Các tập đoàn công nghiệp Mỹ thành lập liên minh phản đối chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump

Các cuộc họp hằng tuần của liên minh được tổ chức với sự tham gia của đại diện nhiều ngành nghề trong nền kinh tế Mỹ với sự chủ trì của Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF), trong đó có các thành viên Amazon, Macy và Walmart.

Cụ thể, nhóm có kế hoạch vận động các nghị sỹ đảng Cộng hòa ở năm bang Ohio, Pennsylvania, Illinois, Indiana và Tennessee thuyết phục ông Trump bãi bỏ chính sách áp thuế bổ sung. Trong khi không can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung dự kiến diễn ra vào ngày 6/11 tới, nhóm sẽ hối thúc các cử tri thảo luận vấn đề thương mại với các nghị sỹ. Liên minh này cũng dự kiến đến cuối năm nay sẽ mở rộng ảnh hưởng sang hàng chục bang khác tại Mỹ.

Liên minh trên được thành lập trong trong bối cảnh ông Trump khiến chính trường Mỹ nóng lên về vấn đề áp thuế bổ sung đối với mặt hàng nhập khẩu từ một số nước.

Với lý do an ninh quốc gia, Tổng thống Trump tuyên bố áp mức thuế 25% và 10% lần lượt đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Canada và Mexico. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua.

Mỹ cũng áp mức thuế quan đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. Mới đây, Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến nay, Bắc Kinh cũng đã đánh thuế đáp trả tương xứng và tuyên bố sẽ trả đũa nếu Mỹ tiếp tục áp các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vẫn chưa rõ sức ép từ liên minh nói trên có khiến ông Trump thay đổi chính sách thuế quan hay không, nhưng rất có thể, vị tổng thống Mỹ vẫn giữ nguyên quan điểm cứng rắn của mình.

Mới đây nhất, khi lãnh đạo Tập đoàn Apple gửi một bức thư đến Đại diện Thương mại Mỹ vào ngày 7/9 cho rằng, việc Mỹ áp đặt các mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ khiến các sản phẩm của hãng này tăng giá, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter rằng:

"Giá của Apple có thể tăng do mức thuế lớn mà Mỹ có thể áp đặt lên Trung Quốc. Thế nhưng có một giải pháp là Apple hãy chuyển các nhà máy sản xuất về Mỹ thay vì đặt tại Trung Quốc và bắt đầu xây dựng các nhà máy mới ngay bây giờ".

Ông Trump cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, tất cả quốc gia đã áp đặt rào cản thương mại và thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào quốc gia của họ cần phải loại bỏ những rào cản và thuế quan đó hoặc dành những đặc quyền cho nhau nhiều hơn vì thương mại Mỹ phải công bằng và không thiên vị.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng căng thẳng thương mại leo thang sẽ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất thiết bị hàng hải Mỹ, một số thành viên của tổ chức này đang cân nhắc cắt giảm nhân viên do chi phí tăng đến 35%.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/lien-minh-tap-doan-phan-doi-thue-quan-trump-co-suy-chuyen-3365371/