Liên Phái - Ngôi chùa linh thiêng mang sắc màu quý tộc giữa lòng Hà Nội

Tôi từng có ấn tượng mạnh với những bức ảnh chụp tháp Diệu Quang chùa Liên Phái nằm ở ngõ nhỏ trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Diệu Quang là một trong những tháp cổ đẹp nhất khu vực nội thành Hà Nội với vẻ thanh nhã, quý phái và lịch sử chùa Liên Phái cũng mang một màu sắc quý tộc riêng biệt.

Biến phủ đệ thành chùa

Gọi chùa Liên Phái mang một màu sắc quý tộc bởi nền đất xây chùa vốn là phủ đệ của phò mã Trịnh Thập. Trịnh Thập (1696-1773) lấy con gái thứ tư của Vua Lê Hy Tông và bản thân ông là cháu ruột Chúa Trịnh Cương. Nguyên nhân Trịnh Thập từ một phò mã Vua Lê, cháu Chúa Trịnh lại trở thành một người tu hành là thế này. Một lần Trịnh Thập cho gia nhân đào đất phía sau gò cao sau phủ đệ của mình để xây bể cảnh thì phát hiện ra một cái ngó sen. Ông cho rằng mình có duyên với Phật và quyết định xuống tóc đi tu, biến phủ đệ của mình thành chùa và trở thành tổ sư thứ nhất của dòng thiền Liên Tông do chính ông sáng lập.

Câu chuyện này mang mô típ quen thuộc của Phật giáo Việt Nam. Những vị vua chúa một hôm nằm mơ thấy đức Phật truyền dạy hoặc bắt gặp một biểu tượng linh thiêng nào đó của đạo Phật (hoa sen chẳng hạn), liền nguyện tâm xây chùa hoặc đặt tên chùa theo giấc mơ ấy, ví dụ cổ điển là chùa Một Cột và Vua Lý Thái Tông. Và phò mã Trịnh Thập cũng gần giống như vậy, bắt gặp một biểu trưng linh thiêng liên quan tới Phật giáo, ông quyết định xuất gia, trở thành Lân Giác thượng sĩ.

Câu chuyện vua chúa, quý tộc trở thành người tu hành không hiếm trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, điển hình nhất có thể kể đến Vua Trần Nhân Tông - người đã đi tu trên núi Yên Tử và sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm.

Quay lại ấn tượng ban đầu về chùa Liên Phái, tháp Diệu Quang được coi là một trong những ngôi tháp cổ cao tầng và đẹp nhất khu vực nội thành Hà Nội. Tháp xây dựng cuối thế kỷ XIX, cao 10 tầng xây kiểu lục lăng, giống một tòa cửu phẩm liên hoa. Tháp quét ve màu vàng trông rất cổ kính. Điểm đáng chú ý là các tháp cổ cao tầng ở khu vực nội thành Hà Nội hầu như không còn, ngôi tháp ở chùa Trấn Quốc khá đẹp nhưng là kiến trúc mới được xây dựng gần đây.

Cũng ở khuôn viên chùa Liên Phái, năm 1890, người ta còn xây một ngôi tháp nữa cao 9 tầng với kiến trúc rất tinh xảo. Và để chiêm ngưỡng ngôi tháp gần như bị lãng quên này, tôi một lần nữa được trải nghiệm rất thú vị về ngõ ngách Hà Nội.

Chùa Liên Phái theo thời gian đã lọt thỏm vào giữa khu dân cư, nhà cửa bao quanh sát sạt giống như hầu hết các ngôi chùa ở nội đô. Nhưng ở chùa Liên Phái, khuôn viên chùa một phần bị tách rời bởi một lối đi của người dân và ngôi tháp xây năm 1890 kia cùng một ngôi tháp khác đã bị cách biệt khỏi chùa chính bởi tường rào cao. Tôi đã phải đi vào trong ngõ rất lâu, vừa hỏi đường vừa xác định phương hướng để ra chỗ tháp. Ôi chao, thực là một mê cung của ngõ ngách Hà Nội. Đường vào ban đầu chỉ là một cái ngõ nhỏ nhưng bên trong lại tỏa ra hàng chục cái ngõ hẹp giống nhau, sâu hun hút và rất nhiều đường cụt.

Tôi đã nhiều lần khám phá ngõ phố Hà Nội mà cũng choáng ngợp bởi mê cung ngõ ngách kiểu này. Cái cổng có chữ “Chùa Liên Phái” mờ mờ trong bóng tối giữa ban ngày và cuối cùng tôi cũng đến được dưới chân ngôi tháp gần như bị lãng quên kia để ngắm nhìn. Xung quanh tháp có bờ tường bao quanh để ngăn chặn lấn chiếm, một cái cổng cao luôn khóa chặt, một vòi nước công cộng có vài người đàn bà đang giặt giũ quần áo, nhìn cảnh đó lòng người không khỏi dâng một nỗi niềm man mác vì cảnh trí đã đổi thay quá nhiều.

Tháp Diệu Quang là công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Liên Phái

Tháp Diệu Quang là công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Liên Phái

Chiêm ngưỡng những ngôi tháp cao tầng với kiến trúc tinh xảo

Chùa Liên Phái còn một ngôi tháp nổi danh nữa là tháp Cửu Sinh - ngôi tháp đá cổ và có lai lịch rõ ràng nhất của Hà Nội. Tháp được xây dựng vào khoảng năm 1733, là năm mất của Lân Giác thượng sĩ và phần tro cốt thi hài của ông được đặt ở đây. Sở dĩ tháp có tên Cứu Sinh vì Cứu Sinh là một biệt hiệu khác của Lân Giác thượng sĩ.

Điều thú vị là tuy ngôi tháp có lịch sử mấy trăm năm nhưng trông nó khá mới, tháp xây bằng đá xanh, cao 5 tầng, lòng tháp đặt bài vị thờ Lân Giác thượng sĩ và vị trí xây tháp đúng vào chỗ ngày trước người ta tìm thấy cái ngó sen. Và một điều đặc biệt nữa ít người để ý, gò đặt tháp Cứu Sinh là một trong những gò đất tự nhiên hiếm hoi còn giữ được gần như nguyên bản ở khu vực nội thành Hà Nội. Gò nhô cao hơn hẳn khu vực xung quanh, trước gò là nhà thờ tổ thấp hẳn xuống, nơi đặt tượng của Lân Giác thượng sĩ.

Nhân vật mang đầy mâu thuẫn lịch sử đương thời

Trong chùa Liên Phái ngoài sự chú ý đến các tháp cổ, kiến trúc chùa xưa được bảo tồn khá nguyên vẹn với tòa ngang dãy dọc rất cổ kính, trang nhã, nhiều bia cổ, chuông và có cả tượng của một nhân vật lịch sử Nguyễn Đăng Giai.

Nguyễn Đăng Giai là ai và vì sao có tượng thờ ở chùa Liên Phái? Nguyễn Đăng Giai (?-1854) là quan lại cao cấp nhà Nguyễn, có thời từng làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình) và từng nhiều lần mang quân đánh dẹp các cuộc nổi dậy của nông dân. Xuất thân con nhà Nho, là võ tướng nhưng Nguyễn Đăng Giai là người rất mến mộ đạo Phật, chính ông là người đứng ra chủ trì xây chùa Báo Ân với quy mô to lớn ngay cạnh hồ Gươm mà ngày nay chỉ còn sót lại tháp Hòa Phong. Khi người Pháp phá chùa Báo Ân để xây các công sở của mình, tượng Phật được di chuyển đến các chùa khác và tượng Nguyễn Đăng Giai được đưa về chùa Liên Phái. Nhưng ngay cả việc Nguyễn Đăng Giai cho xây chùa Báo Ân cũng gây ra nhiều tranh cãi lúc đương thời và có một bài thơ mỉa mai ông về việc này như sau:

“Phúc đức gì mày bố đĩ Giai?

Làm cho tổn Bắc lại hao Đoài!

Kìa gương Vũ đế còn soi đó,

Ngã tử Đài thành, Phật cứu ai?”.

Có thể lời trách móc này xuất phát từ việc xây ngôi chùa quá lớn, hao tổn công sức, vật lực của nhân dân và không mang nhiều lợi ích thiết thực cũng như bản thân Nguyễn Đăng Giai, người có công giúp dân cứu đói nhưng cũng trực tiếp tham gia đánh dẹp nhiều cuộc nổi dậy của nông dân. Một nhân vật lịch sử mang đầy những mâu thuẫn của lịch sử đương thời.

Và bây giờ, khi tôi đang yên lặng trong ngôi chùa xưa, ngắm nhìn những ngôi tháp cổ, nghe tiếng chim gù trong tán lá mà nhớ đến những nhân vật của một thời cùng những thăng trầm biến đổi mà lòng không khỏi man mác, suy tư về những gì được mất của ngày đã qua.

Nhà văn Uông Triều

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/lien-phai-ngoi-chua-linh-thieng-mang-sac-mau-quy-toc-giua-long-ha-noi/789543.antd