Liên thủ đối phó

EU, Nga và Trung Quốc cùng Iran đã thỏa thuận một cơ chế cụ thể bảo vệ lợi ích kinh tế và thương mại cho Iran để nước này tiếp tục tuân thủ và thực hiện hiệp ước ký vào năm 2015

Cờ Iran bay trước tòa nhà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Vienna, Áo. Ảnh tư liệu - Ảnh: Reuters

EU, Nga và Trung Quốc cùng Iran đã thỏa thuận một cơ chế cụ thể bảo vệ lợi ích kinh tế và thương mại cho Iran để nước này tiếp tục tuân thủ và thực hiện hiệp ước ký vào năm 2015 về vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA), sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước này. Cơ chế ấy là cách thức các đối tác này thực thi để đối phó với ý định của phía Mỹ trừng phạt không chỉ Iran mà còn cả những quốc gia, công ty và cá nhân tiếp tục hợp tác với Iran. EU, Nga và Trung Quốc muốn duy trì hiệu lực của hiệp ước này. Iran cũng chủ ý tiếp tục tham gia nhưng với điều kiện mà những bên tham gia ký kết khác là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức phải đảm bảo những lợi ích kinh tế và thương mại chính đáng của Iran không bị ảnh hưởng. Việc đạt được sự nhất trí về cơ chế nói trên được tuyên cáo trước khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại khóa họp Đại hội đồng LHQ năm nay ở New York (Mỹ).

[VIDEO] Tổng thống Mỹ, Iran 'khẩu chiến' tại Liên Hiệp Quốc

Hiệu quả thực tế của cơ chế này đến đâu thì phải chờ, nhưng chỉ như thế thôi cũng đã có tác động chính trị và tâm lý đặc biệt. Nó trấn an và khích lệ Iran tiếp tục tham gia JCPOA cũng như các đối tác bên ngoài tiếp tục quan hệ hợp tác với Iran. Nó phát đi thông điệp là thế giới không lệ thuộc vào Mỹ trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran nói riêng và các vấn đề thế giới nói chung. Nó là cách các đối tác liên thủ để cô lập Mỹ khi bị Mỹ bất chấp, và tạo tiền lệ mới bất lợi đối với Mỹ.

Phạm Lữ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/lien-thu-doi-pho-1008166.html