Liên tiếp 2 trẻ tử vong sau truyền dịch: Chăm sóc trẻ tiêu chảy thế nào?

Việc liên tiếp 2 bé tử vong do truyền dịch sau khi tiêu chảy đã khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng, băn khoăn. Đặc biệt là khi bệnh tiêu chảy ở trẻ là rất phổ biến.

Việc liên tiếp 2 bé tử vong do truyền dịch sau khi tiêu chảy đã khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng (ảnh minh họa)

Liên tiếp 2 cháu bé tử vong do truyền dịch sau tiêu chảy

Ngày 17/10, Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân, Hải Phòng xác nhận với báo chí trường hợp bé gái 6 tuổi tử vong tại bệnh viện trong quá trình cấp cứu.

Ông Nguyễn Việt Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa quận Lê Chân, Hải Phòng cho biết, bệnh viện tiếp nhận cháu Nguyễn Ngọc H. (6 tuổi, trú quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) trong tình trạng mệt mỏi, môi khô, đi ngoài và nôn nhiều vào khoảng 4h50 sáng 16/10.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mất nước nặng nên chỉ định, cho thở oxy, truyền nước điện giải, ủ ấm và cho bệnh nhi nằm tại phòng lưu bệnh nhân, bên cạnh phòng cấp cứu. Tuy nhiên, sau khoảng 40 phút truyền dịch, cháu H có biểu hiện co giật và tử vong sau đó.

Bệnh viện đa khoa quận Lê Chân, nơi xảy ra sự việc bé 6 tuổi tử vong

Điều đáng nói là cùng ngày, một bệnh nhi 22 tháng tuổi cũng tử vong do truyền dịch sau khi bị sốt, tiêu chảy.

Theo đó, chiều 15/10, vợ chồng anh Nguyễn Đình Dân đưa con trai đến phòng khám tư của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc ở quận Long Biên khám vì bé sốt, tiêu chảy. Tuy nhiên do bé uống thuốc không bớt đau nên bố mẹ tiếp tục đưa đến phòng khám này kiểm tra lại.

Tại đây, bác sĩ Cúc trực tiếp truyền dịch cho bé. Sau khoảng 5 phút truyền dịch, bé tím tái, anh Dân gọi bác sĩ kiểm tra. Bệnh nhi sau đó được đưa đến Bệnh viện Đức Giang cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Mặc dù chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây tử vong của hai trẻ, tuy nhiên việc liên tiếp 2 bé tử vong do truyền dịch sau khi tiêu chảy đã khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng, băn khoăn. Đặc biệt là khi bệnh tiêu chảy ở trẻ là rất phổ biến.

Phòng khám chuyên khoa nội nơi xảy ra sự việc bé 22 tháng tuổi tử vong

Chăm sóc trẻ tiêu chảy thế nào cho đúng cách?

Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài từ 3 lần trở lên trong ngày và phân nhiều nước. Tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, đe dọa tính mạng chỉ trong thời gian ngắn.

Có rất nhiều lý do khiến trẻ tiêu chảy như: Trẻ ăn phải thức ăn ôi thiu, không được bảo quản tốt. Trẻ không rửa tay trước khi ăn hoặc dụng cụ ăn uống không vệ sinh... Ngoài ra, trẻ bị thiếu men gây rối loạn tiêu hóa hoặc hực hành ăn dặm chưa đúng cách cũng có thể gây tiêu chảy.

Theo Điều dưỡng CKI Bùi Thị Ngọc Ánh, Khoa Tiêu hóa, BV Nhi TW, đối với trẻ bị tiêu chảy vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là phải bồi phụ lại lượng nước đã mất do trẻ đi ỉa nhiều lần mà phương pháp bù bằng đường miệng là phương pháp tốt nhất.

Dung dịch muối đường (Oresol) là loại dung dịch được dùng phổ biến nhất. Phụ huynh có thể pha 1 gói Oresol vào 1 lít nước đun sôi để nguội, cho trẻ uống theo yêu cầu (nếu trẻ nôn, uống ít một), mỗi khi cho trẻ uống cần lắc đều dung dịch đã pha, chỉ sử dụng dung dịch này trong vòng 24 giờ.

Nếu không có sẵn Oresol thì dùng các nguyên liệu sau: 1 thìa gạt ngang muối (dùng thìa cà phê 5ml), 8 thìa gạt ngang đường (thìa cà phê 5ml), 2 hoặc 3 thìa nước cam hoặc chanh, tất cả pha trong 1 lít nước sôi để nguội. Hoặc 30g bột gạo, 1 thìa gạt ngang muối (thìa cà phê 5ml ), đun sôi trong một lít nước.

Trẻ bị tiêu chảy, khát nước thì cho trẻ uống theo nhu cầu. Sau mỗi lần đi ngoài cho uống thêm 1 cốc dung dịch trên. Nếu trẻ bị nôn thì cho trẻ uống ít một và tăng số lần lên.

Đối với trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ ăn bình thường, không nên bắt trẻ nhịn ăn dẫn đến hạ đường huyết, cơ thể suy nhược và thiếu ăn dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng. Nếu trẻ còn đang bú vẫn cho trẻ bú bình thường và cho ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu. Cho trẻ ăn nhiều bữa một ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường.

Phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ thế nào

Cần bảo quản thức ăn sạch sẽ, tránh bị ôi thiu. Bên cạnh đó phụ huynh cũng cần nhắc nhở trẻ phải rửa tay trước khi cho trẻ ăn và trước khi chế biến thức ăn.

Khi trẻ có 1 trong các biểu hiện sau: Sốt, phân trẻ có lẫn máu, trẻ nôn nhiều, ỉa nhiều, phân lỏng, khát hoặc rất khát, không tốt lên sau 2 ngày điều trị cha mẹ cần cho trẻ đi khám tại bệnh viện.

Xem thêm: Thanh Hóa: Bé 15 tháng tuổi tử vong với nhiều vết thương 'lạ', gia đình nói lỗi tại bệnh viện

Ngọc Châu - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/lien-tiep-2-tre-tu-vong-sau-truyen-dich-cham-soc-tre-tieu-chay-the-nao-53677-9.html