Liên tiếp chó nuôi cắn người ở Hà Tĩnh: Có chế tài nhưng quên xử lý

Thời gian gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra tình trạng chó nuôi cắn người. Điểm chung của các vụ việc nêu trên là do lỗi của chủ nuôi không xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, mà để thả rông hoặc khi đưa chó ra nơi công cộng không đeo rọ mõm hoặc xích giữ... theo quy định.

 Con chó học sinh nuôi trong ký túc xá tấn công nữ lao công

Con chó học sinh nuôi trong ký túc xá tấn công nữ lao công

3 vụ chó cắn trong vòng 8 ngày

Bé gái N.T.A.T. (5 tuổi) là một trong 5 nạn nhân bị chó nuôi của gia đình anh Phan Hữu Long, trú tại khối 4, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tấn công gây trọng thương.

Do bị nhiều vết thương sâu ở phần mặt nên sáng 12.4, gia đình phải đưa bé ra Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, TP.Vinh (Nghệ An) để tiêm huyết thanh và tiêm phòng chó dại. “Gia đình tôi đang rất lo lắng cho sức khỏe của cháu. Nhìn con, tôi như đứt từng khúc ruột”, chị Vân mẹ bé N.T.A.T cho hay.

Bé N.T.A.T. (5 tuổi) bị chó cắn trọng thương

Tiếp đó ngày 17.4, bé N.C.C. (4 tuổi), trú tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Bệnh nhi nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh trong tình trạng hoảng loạn, máu chảy nhiều. Ở vùng đầu có một vết thương rách da đầu dài khoảng 15cm, mặt có nhiều vết xước.

Vết thương rách da đầu dài khoảng 15cm của bé trai N.C.C. (4 tuổi)

Dư luận đang lo lắng thì vào ngày 18.4, bà Lương Thị Dung, lao cộng tại Trường Trung cấp kỹ nghệ Hà Tĩnh (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) bị chó dữ tấn công khi đang dọn vệ sinh trong khuôn viên trường.

Con chó này do sinh viên nuôi trong ký túc xá mà nhà trường không hề hay biết. Bà Dung bị thương khá nặng ở vùng mặt và đầu, nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi sơ cứu vết thương bà Dung đã được chuyển ra một bệnh viện ở Nghệ An điều trị.

Việc xử lý chủ nuôi là trách nhiệm của chính quyền địa phương

Theo thống kê, Hà Tĩnh có tổng đàn chó xấp xỉ 200 ngàn con, trong đó chủ yếu nuôi trong gia đình. Đặc biệt gần đây phong trào nuôi chó cảnh, chó nghiệp vụ, chó chọi tăng cao, việc nuôi này hoàn toàn tự do mà không hề đăng ký, dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy.

Nữ lao công nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nguyên nhân bị một con chó do học sinh nuôi trong khu ký túc xá tấn công

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y Hà Tĩnh cho hay "Việc nuôi động vật nhốt như chó, mèo đã có quy định, chế tài xử lý cụ thể. Chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm nếu không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó; không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng... Đối với những hành vi này sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ".

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục thú y Hà Tĩnh

Thực tế sau khi liên tiếp xảy ra những vụ việc nói trên thì ngoài chủ nuôi ra, trách nhiệm từ phía cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người có thẩm quyền chưa được làm rõ.

“Có chế tài xử phạt 600-800 ngàn đồng nếu không tiêm phòng, rọ mõm... Hoặc có thể xử phạt chủ nuôi cao hơn tùy vào từng tình tiết, và mức độ thương tật, có thể cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh xử lý. Trong 3 vụ việc vừa qua thì đang thuộc thẩm quyền xử lý cấp xã, thị. Nhưng các địa phương hầu như không thực hiện dẫn đến người dân thiếu ý thức trong việc thực hiện theo quy định”, ông Hùng cho hay.

ANH ĐỨC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/lien-tiep-cho-nuoi-can-nguoi-o-ha-tinh-co-che-tai-nhung-quen-xu-ly-729924.ldo