Liên tiếp đòn giáng, Nga 'chao đảo' vì trừng phạt và Syria

Lệnh trừng phạt từ Mỹ và những cáo buộc tấn công hóa học tại Syria đang để lại những chấn động không nhỏ lên nền kinh tế Nga.

Tờ Financial Times đưa tin, chứng khoán Nga đang trải qua thời kỳ tồi tệ nhất trong vòng bốn năm qua. Nguyên nhân được cho là do các tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với nền kinh tế Nga, cũng như những lo sợ xung quanh khả năng leo thang xung đột tại Syria.

Hôm thứ Hai (9/4), thị trường chứng khoán Nga sụt giảm mạnh hơn rất nhiều, so với các phản ứng vào cuối tuần trước, sau khi bảy doanh nhân và 14 công ty nước này bị Mỹ tuyên bố trừng phạt. Điện Kremlin đang đứng trước những thách thức lớn, đó là làm sao có thể hỗ trợ các công ty Nga bị ảnh hưởng, đồng thời đưa ra được các biện pháp đáp trả thích đáng trước Washington.

Giới đầu tư hiện khá e ngại về nguy cơ địa chính trị gia tăng, liên quan tới việc các tài sản của Nga có thể bị đóng băng. Điều này góp phần khiến chỉ số blue-chip MOEX của Moscow hạ 8,34% - mức giảm thấp nhất chỉ trong một ngày, kể từ khi phương Tây thi hành các lệnh trừng phạt vào năm 2014, sau quyết định sáp nhập Crimea của Nga. Đồng rúp Nga cũng giảm 4,1% so với đồng đôla. Đây cũng là lần trượt giá sâu nhất kể từ năm 2016.

“Rõ ràng, nguy cơ địa chính trị đã tăng, với đồng rúp là đối tượng chịu thiệt hại chính cho đến thời điểm hiện tại, sau khi Nga bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã ủng hộ Tổng thống Syria Assad,” chuyên viên phân tích Piotr Matys của ngân hàng Robabank nói.

Cuối tuần qua, Nga cũng phải chịu nhiều sức ép hơn trước những lời cáo buộc của phương Tây rằng, quân đội Syria đã tiến hành tấn công hóa học tại thành phố Douma, đông Ghouta, Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảnh báo, chính quyền Syria và các đồng minh Nga, Iran - sẽ phải trả giá đắt nếu các báo cáo về việc sử dụng vũ khí hóa học trên được chứng thực.

Các công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Oleg Deripaska phải hứng chịu tổn thất lớn nhất trong phiên giao dịch ngày 9/4. Bản thân ông Deripaska và toàn bộ đế chế kinh doanh của mình cũng nằm trong danh sách trừng phạt được Washington công bố hôm 6/4 trước đó. Giá cổ phiếu của Rusal - công ty sản xuất nhôm dưới trướng Deripaska, và hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong – đã giảm một nửa. Một công ty khác của ông là EN+, hiện đang niêm yết trên sàn London, cũng đã giảm 1/3 giá trị, dưới ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mới.

Đáng chú ý, ngay cả các công ty không bị Mỹ “sờ gáy” cũng phải hứng chịu thiệt hại. Điển hình, giá cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank giảm 17%, và tập đoàn mỏ Norilsk Nickel giảm 15%.

Công ty Rusal của tỷ phú Oleg Deripaska hứng chịu tổn thất nặng nề sau lệnh trừng phạt mới của Mỹ lên các doanh nhân và công ty Nga

Những tuần gần đây chứng kiến chính quyền Mỹ không ngừng gia tăng sức ép đối với Moscow. Một số quan chức Mỹ cảnh báo, Nga cần học được rằng, những hành đồng chống lại đồng minh châu Âu và Mỹ, sẽ phải đối mặt với “hậu quả”. Theo Washington, lệnh trừng phạt mới áp dụng hôm 6/4 có liên quan tới các động thái của Nga tại Crimea, Syria và Ukraine, cũng như việc Moscow không ngừng can thiệp vào nội bộ các nước phương Tây.

Đáp trả, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết, ông sẽ yêu cầu chính phủ phát triển các sáng kiến nhằm hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt, đồng thời cân nhắc các biện pháp trả đũa thích hợp.

Lệnh trừng phạt mới của Mỹ đặt mục tiêu ngăn cản các doanh nhân có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Nga tiến hành kinh doanh bằng đồng đôla, cũng như “chặn đứng” các hợp đồng của họ với công dân Mỹ. Công việc kinh doanh của tỷ phú Deripaska thậm chí còn bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi một điều khoản mở rộng của lệnh trừng phạt, đến cả các giao dịch không phải với công dân Mỹ.

Rusal hiện đang sản xuất gần 6% sản lượng nhôm của thế giới. Hôm 9/4, giá kim loại này đã tăng, sau khi một số luật sư và doanh nhân cho biết, nhiều khách hàng ngoài Mỹ do dự không muốn mua hàng từ Rustal, do ảnh hưởng rộng lớn của các lệnh trừng phạt.

“Chúng tôi nghĩ rằng, nguy cơ từ các lệnh trừng phạt thứ cấp sẽ ảnh hưởng không chỉ tới hàng nhập khẩu vào Mỹ, và sản phẩm của Rusal sẽ bị từ chối bởi các khách hàng ngoài Mỹ và các ngân hàng tài chính hỗ trợ họ”, Oliver Nugent, một chiến lược gia tại ING phân tích.

Trong khi đó, đại diện của Rusal cho biết: “Công ty sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết đã có, và tìm kiếm giải pháp (có thể liên quan tới việc thay đổi những thỏa thuận và sắp xếp hiện tại, mà vẫn phù hợp với những quy định và pháp luật), để giải quyết ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt”.

Còn Igor Ojereliev, nhà sáng lập của Quỹ đầu tư RGL tại London cảnh báo, việc chứng khoán sụt giảm, mặc dù không phải là quá nghiêm trọng nếu xét theo các tiêu chuẩn thị trường hiện tại – cũng đã cho thấy các rủi ro ngày càng lớn từ các lệnh trừng phạt, tác động tới khách hàng, nhà cung cấp cho tới các bên liên quan. “Bạn không cần phải ở trong danh sách trừng phạt nhưng vẫn có thể phải chịu ảnh hưởng gần như là trực tiếp,” ông Ojereliev nói.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/lien-tiep-don-giang-nga-chao-dao-vi-trung-phat-va-syria-286623.html