Liên tiếp những vụ ăn nhầm lá ngón tử vong: Chuyên gia chỉ cách nhận biết lá cây độc

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa không ít thông tin liên quan đến các ca ngộ độc, thậm chí tử vong do ăn nhầm lá ngón. Mới đây nhất là vụ việc 2 trẻ ở Cao Bằng tử vong nghi do ăn nhầm loại lá này.

Những cái chết thương tâm do ăn nhầm lá ngón

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), địa phương này vừa ghi nhận 2 trường hợp trẻ tử vong nghi ngờ do ăn lá ngón. Trước đó, khoảng 8h ngày 18/12, có 4 trẻ thường trú tại xóm Bản Oóng (xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) gồm: M.V.L. (SN 2018); M.T.X. (SN 2019); M.T.S. (em của M.V.L.); M.T.M. (là chị của M.T.X.). Các cháu rủ nhau ra sau nhà đào hố đất để chơi, sau đó có 2 cháu là L. và X. hái lá về ăn (không rõ loại lá gì).

Sau ăn khoảng 1 giờ, các cháu quay về nhà em M.T.X. chơi đến khoảng 10h40 cùng ngày các cháu thấy M.V.L. bất tỉnh, gọi hỏi không trả lời (cháu đã tử vong). Đến khoảng 12h cùng ngày, cháu M.T.X. nằm ngủ lì được mẹ bế lên nhà. Cháu M.V.L. và tử vong lúc 13h cùng ngày. Còn 2 cháu M.T.S. và M.T.M. không ăn loại lá đó, sức khỏe cả 2 đều bình thường.

Sau khi nhận thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng đã đến kiểm tra, giám sát tại gia đình, xung quanh nhà và địa điểm các trẻ ra chơi. Kết quả cho thấy việc ăn, uống và sinh hoạt tại gia đình đều bình thường. Tại điểm các trẻ chơi, ngành chức năng phát hiện xung quanh có nhiều cây lá ngón.

Sau khi kiểm tra, đoàn công tác đã vận động gia đình đào và tiêu hủy ngay các gốc cây lá ngón có sẵn trong khu vực sau nhà, nơi mà trẻ thường xuyên chơi. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo cán bộ xóm, các tổ chức đoàn thể phối hợp với trạm y tế xã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống ngộ độc lá ngón và các yếu tố có độc tố tự nhiên khác như: nấm dại, cây, củ, quả dại... để người dân biết cách phòng tránh cho bản thân cũng như gia đình.

Lá ngón do bệnh nhân bị ngộ độc mang đến bệnh viện. (Ảnh: BVCC)

Lá ngón do bệnh nhân bị ngộ độc mang đến bệnh viện. (Ảnh: BVCC)

Được biết, vụ việc trên không phải trường hợp tử vong do ăn nhầm lá ngón hiếm hoi. Thời gian qua, ở nước ta đã liên tiếp ghi nhận những trường hợp bị ngộ độc do ăn nhầm loại lá này.

Cụ thể, ngày 7/12 vừa qua, tại Trường PTDT bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nà Khoang (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, Sơn La), 2 học sinh lớp 8 trong giờ nghỉ trưa đã lên đồi phía sau trường chơi và ăn nhầm lá ngón. Theo thông tin từ nhà trường cung cấp, cả 2 em đều không biết đó là lá ngón nên ăn. Sau khi ăn, các em có biểu hiện bất thường gồm đau đầu, chóng mặt, được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp cấp cứu theo phác đồ ngộ độc, truyền dịch, hồi sức. Tuy nhiên, do chất độc trong lá ngón được cơ thể hấp thụ nhanh, một em đã không qua khỏi.

Hai học sinh ở Sơn La ăn nhầm lá ngón, một em tử vong. (Ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 20/3, lãnh đạo xã Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) xác nhận trên địa bàn xã đã xảy ra sự việc nhóm 6 người ăn nhầm lá ngón bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Theo điều tra dịch tễ, một nhóm 6 người gồm 2 người quê ở huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) và 4 người cùng trú lại xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) được thuê xây dựng một công trình tại thôn Nà Cà, xã Nghĩa Tá. Trong bữa ăn tối ngày 18/3, nhóm người này đã tự hái rau rừng để làm thức ăn. Do sơ suất, nhóm người đã hái nhầm lá ngón về xào măng tươi dẫn đến bị ngộ độc.

Đến rạng sáng 19/3, nhóm người trên có biểu hiện đau đầu, đau bụng, khó thở và nôn mửa. Sau khi được sơ cứu tại thôn Nà Cà, nhóm người trên được đưa về Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn cấp cứu. Tuy nhiên, 1 người đã tử vong sau đó là anh B.V.S. (33 tuổi, quê huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang).

Trong 5 nạn nhân còn lại, 4 người bị ngộ độc nặng phải chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Một người có tình trạng sức khỏe bình thường do bị đau dạ dày nên không ăn món măng xào.

Đặc điểm và độc tính của cây lá ngón

Lá ngón là loại cây có độc tính cao, mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngộ độc lá ngón xuất hiện nhanh, nặng và dễ tử vong.

Triệu chứng ngộ độc xuất hiện rất nhanh ngay sau khi ăn hoặc uống nước luộc, nước giã lá, rễ, thân, hoa và quả từ vài phút tới 30 phút với biểu hiện: đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, mệt mỏi, sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận động cơ toàn thân, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp dẫn đến ngừng tim, nếu ngộ độc nặng có thể thêm triệu chứng co giật, hôn mê sâu, rối loạn thân nhiệt.

Cây lá ngón có thân và phần cành không có lông. Trên phần thân hơi có khía dọc. Lá ngón có hình thuôn dài, mọc đối xứng, đầu nhọn, bóng nhẵn. Thông thường, lá ngón sẽ dài khoảng 7 - 12cm và có bề rộng 2,5 - 5,5cm. Chúng thường mọc thành chùm ở đầu cành. Hoa lá ngón thường nở vào tháng 6, 8, 10 và có màu vàng với 5 cánh. Quả của lá ngón có màu nâu, thon dài, rộng khoảng 0,5cm, không có lông bao quanh. Hạt lá ngón khá nhỏ, có màu nâu nhạt. Ở các cành non, lá sẽ có màu xanh lục nhưng khá nhạt. Đến giai đoạn già, lá sẽ chuyển dần sang màu xám nâu nhạt.

Hình ảnh cây lá ngón.

TS Ngô Đức Phương - Viện trưởng Viện thuốc nam cho biết trên Infonet, lá ngón giống một số cây trong nhóm chè vằng hoặc cây bướm bạc nên vẫn thường bị hái nhầm về uống. Trong đó, phổ biến nhất là nhầm cây lá ngón với cây chè vằng. Ngoài ra, còn 1 cây khác cũng dễ nhầm được gọi với tên "rau ngón" mà một số người dân ở vùng Tây Bắc vẫn hái về làm rau ăn, là một cây thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae).

Vì thế để phân biệt giữa cây lá ngón và cây chè vằng, TS Ngô Đức Phương hướng dẫn người dân chú ý đến hoa và quả của hai loại này. Theo đó, hoa của cây lá ngón có màu vàng tươi, không có mùi thơm ngào ngạt; trong khi hoa của chè vằng có màu trắng, mùi thơm ngào ngạt.

"Quả của cây lá ngón là dạng quả nang (khi khô màu nâu, nứt thành 2 mảnh), hình thon dài, dẹt, chứa nhiều hạt nhỏ; quả của chè vằng là quả mọng, hình trái xoan, chín màu tím đen, thường chứa 1 hạt cứng", TS Ngô Đức Phương thông tin.

Trong khi đó, cây rau ngón mà người dân vùng Tây Bắc (Lai Châu) làm rau ăn là 1 loài thuộc họ Thiên lý, có đặc điểm dễ phân biệt với lá ngón bởi lá có kích thước lớn, khoảng 8-10cm (hoặc hơn), gốc lá hình tim, dây và lá có nhựa mủ trắng, hoa là 1 chùm hình tán (các hoa là 1 chùm với các hoa mọc từ 1 chỗ và có cuống hoa dài bằng nhau), hoa màu lục hoặc vàng chanh.

Cách xử trí khi bị ngộ độc lá ngón

Nếu không phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu khẩn trương và điều trị kịp thời, bệnh nhân thường chết sau 1-7 giờ ngộ độc. Do vậy, khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, phương pháp xử trí ban đầu hết sức quan trọng, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như gây nôn: uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn, sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch. Sau đó khẩn trương vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu điều trị giải độc và tích cực tránh những biến chứng muộn nặng nề, nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong.

Để phòng ngừa ngộ độc lá ngón, biện pháp hữu hiệu nhất là nên chặt bỏ tất cả những cây lá ngón được tìm thấy.

Thanh Hải (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/lien-tiep-nhung-vu-an-nham-la-ngon-tu-vong-chuyen-gia-chi-cach-nhan-biet-la-cay-doc-17222122509195607.htm