Liên tiếp sạt lở, Cà Mau khắc phục thế nào?

Sụt lún, sạt lở diễn ra liên tiếp, gây ảnh hưởng nặng nề tại Cà Mau. Để hạn chế thiệt hại, địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để thích ứng.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau liên tiếp xảy ra sụt lún, sạt lở các công trình giao thông, thủy lợi, do ảnh hưởng của hạn hán, mặn xâm nhập, nhất là ở vùng ngọt hóa.

Hạn hán kéo dài khiến nhiều tuyến đường, cầu giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau sụt lún, sạt lở gây hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đối với những vị trí sạt lở ít, không gây nguy hiểm, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các địa phương sử dụng cây gỗ để gia cố.

Đặc biệt đối với những vị trí sụt lún, sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, ngành chức năng tỉnh Cà Mau sẽ đưa ra các giải pháp xây dựng công trình khắc phục.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cùng các trường, vụ, viện và các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề sụt lún, sạt lở hệ thống công trình giao thông, thủy lợi hỗ trợ tỉnh thực hiện các giải pháp kỹ thuật để khắc phục.

Về lâu dài, tỉnh Cà Mau xác định cần bố trí lại sản xuất, bố trí lại dân cư, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi một cách đồng bộ, hiệu quả.

Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo thường xuyên kiểm tra các vị trí đê xung yếu, cống, đập, kịp thời xử lý các sự cố, tránh để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa.

Nhất là kịp thời rà soát các tuyến giao thông ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở, sụp lún, để lắp đặt các biển cảnh báo và huy động nhân dân tham gia khắc phục những vị trí sạt lở, sụt lún có nguy cơ đe dọa an toàn đến người và phương tiện trong quá trình lưu thông.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh sẽ đầu tư mới hệ thống đập thép, trạm bơm dã chiến nhằm chia nhỏ các vùng sản xuất có diện tích từ 500 - 1.000 hec-ta để chủ động trong việc điều tiết nước trong nội vùng ngọt, hạn chế bơm bỏ ra sông Ông Đốc và biển Tây.

Đây cũng là một trong những giải pháp hạn chế tối đa việc mất phản áp lên bờ kênh khi mực nước trong kênh hạ xuống quá thấp, góp phần bảo vệ các công trình trọng yếu, những tuyến đường giao thông trục chính trên địa bàn các huyện.

Theo báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời, tính đến ngày 1/5/2024, trên địa bàn vùng ngọt hóa của huyện đã xảy ra sạt lở, sụt lún tại 672 vị trí, trên 135 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 17,5 km, ước thiệt hại gần 26 tỷ đồng. Trong đó, hơn 13,5 km lộ bê tông và hơn 4 km lộ đất đen.

Theo ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, đơn vị đã chỉ đạo giảm tải trọng trên tất cả các tuyến đường huyện quản lý và tăng cường tuần tra, kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến đường để xử lý vi phạm.

"Đồng thời, cắt tỉa cây ven sông, kênh, rạch, di dời các bãi chứa vật liệu nặng ven các tuyến đường để giảm tải trọng cho các tuyến đường.

Khi xảy ra sự cố sụt lún, sạt lở, chính quyền địa phương kịp thời báo cáo cho cơ quan chức năng và cử cán bộ đến ngay hiện trường để kiểm tra, làm rào chắn, lắp đặt biển cảnh báo hạn chế giao thông và gia cố tạm thời bằng cây gỗ địa phương các đoạn sạt lở, sụt lún nhỏ", ông Công thông tin thêm.

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lien-tiep-sat-lo-ca-mau-khac-phuc-the-nao-192240513102705047.htm