Liên tiếp tai nạn xe khách khi đổ đèo, ngăn chặn bằng cách nào?

Khảo sát thực tế cho thấy, khi di chuyển trên đường đèo dốc, nhiều tài xế chủ quan vẫn đi số cao và sử dụng phanh nhiều gây ra tình trạng mòn má phanh, cháy phanh, dẫn đến tai nạn…

Đoàn công tác Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa phối hợp chính quyền địa phương đến thăm hỏi gia đình các nạn nhân trong vụ xe chở người đi đám cưới rơi xuống vực ngày mùng 7 Tết Nguyên đán khiến 4 người tử vong, nhiều người bị thương.

Qua kiểm tra hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, đoàn công tác đánh giá cao các đơn vị chức năng đã kịp thời chỉ đạo, khẩn trương khắc phục hậu quả, giảm thiểu thương vong.

Đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân trong vụ TNGT xe khách đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Sơn La.

Một ngày sau đó, chiều 29/1 (mùng 8 Tết Nguyên đán), xe hợp đồng chở 53 người di chuyển qua địa phận Đèo Cón (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) cũng bất ngờ mất phanh, bị lật, khiến 10 người bị thương.

Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, cả 2 vụ TNGT trên có dấu hiệu ban đầu cho thấy đều do mất phanh, có thể đến từ 2 nguyên nhân: Hệ thống an toàn kỹ thuật phương tiện hoặc do kỹ năng của người lái xe.

Thượng tá Phạm Việt Công nhấn mạnh, kỹ năng điều khiển phương tiện, phán đoán tình huống trên các cung đường đèo dốc rất quan trọng.

Ngoài ra, thời điểm hiện tại đang là cao điểm vận tải hành khách du xuân, do đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra các phương tiện lưu thông trên đường, tập trung vào xe khách, xe hợp đồng.

Quá trình điều khiển phương tiện, tài xế không quen đường dẫn đến khó khăn khi xử lý các tình huống…

Cùng với đó, các Sở GTVT cần siết chặt công tác kiểm tra điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng theo quy định, tập trung kiểm soát thời gian lái xe, kỹ năng điều khiển phương tiện của tài xế, từ đó giảm bớt nguy cơ có thể gây ra tai nạn.

TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cũng chia sẻ, nhiều tài xế di chuyển trên các tuyến đường mới, vốn chưa có kinh nghiệm, dễ bị bất ngờ trước các tình huống phát sinh trên đường.

Đáng chú ý, các điểm lễ chùa, du xuân thường nằm ở khu vực đồi núi cao, đường sá tương đối hiểm trở, khó khăn.

Chưa kể, nhu cầu di chuyển tăng cao còn có thể khiến lái xe phải làm việc với cường độ lớn, làm gia tăng sự mệt mỏi cho tài xế, trong khi nhiều chuyến đi lễ, du xuân thường xuất phát từ sáng sớm cho đến tối muộn.

Xe khách biến dạng sau khi trượt từ tỉnh lộ 108 xuống taluy âm khoảng 40m ở Sơn La ngày mùng 7 Tết nguyên đán.

Hiện trường vụ lật xe ở Phú Thọ ngày mùng 8 Tết nguyên đán.

"Vấn đề an toàn kỹ thuật phương tiện cũng cần phải nhắc đến bởi không phải tất cả các xe hợp đồng đều được bảo dưỡng kịp thời vì vào thời gian cao điểm lễ, Tết, nhiều xe phải quay vòng liên tục", TS Hiếu nhìn nhận.

Vị chuyên gia này kiến nghị, các doanh nghiệp du lịch hay vận tải hợp đồng cần bố trí lái xe phù hợp.

Những tài xế có kinh nghiệm cần được đưa vào hoạt động trên các tuyến đường khó, đèo dốc; hạn chế việc sắp xếp lái xe phải làm việc liên tục với quãng nghỉ ngắn, thông tin về thời gian làm việc của lái xe cần phải được theo dõi, thống kê sát sao để đảm bảo an toàn giao thông.

Nhóm PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lien-tiep-tai-nan-xe-khach-khi-do-deo-ngan-chan-bang-cach-nao-169230203145701357.htm