Liên tiếp xảy ra đuối nước, đừng để 'giá như'

Mỗi khi bước vào mùa hè, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lại liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Nước mắt mặn chát lăn dài trên khuôn mặt của người cha, người mẹ đang thét gào vì mất con. Cần sự vào cuộc quyết liệt từ ngành chức năng cũng như xã hội, người dân nhằm hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn cho trẻ.

Ám ảnh vì đuối nước

Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa đã xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 8 trẻ em tử vong. Trong đó, tháng 4 có ít nhất 4 học sinh tử vong. Nguyên nhân các vụ tai nạn được xác định là các em trong độ tuổi học sinh thường rủ nhau ra bãi biển, khu vực sông, kênh, suối chơi và xuống nước tắm.

Vụ đuối nước khiến nữ sinh 13 tuổi tử vong

Vụ đuối nước khiến nữ sinh 13 tuổi tử vong

Thời điểm vào mùa hè, học sinh không phải đến trường nên thường hay tụ tập qua nhà bạn bè vui chơi. Thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích nên các em thường tự phát đi khám phá khung cảnh. Do không lường trước được những nguy hiểm từ sóng lớn, nước chảy xiết, rơi vào vùng nước sâu, lại không biết bơi, không được trang bị các kỹ năng phòng, chống đuối nước nên đã dẫn đến hậu quả, mất mát lớn về con người.

Mới nhất là vào chiều 4/6, một nhóm học sinh gồm 5 em đã rủ nhau ra sông Mã (đoạn thuộc địa bàn xã Cẩm Yên, Cẩm Thủy) để tắm. Không may, em Hà Văn Đ. (14 tuổi) bị nước cuốn mất tích.

Thiếu cơ sở vật chất, hồ bơi cho học sinh rèn luyện

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã cử 7 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường tìm kiếm. Đến 13h30 ngày 5/6, thi thể em Đ. đã được tìm thấy.

Trước đó, cũng trong chiều 4/6, tại khu vực kênh mương thuộc hệ thống thủy lợi Cửa Đạt (đoạn qua xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) xảy ra một vụ học sinh mất tích khi đi tắm mát.

Cụ thể, nạn nhân được xác định là em Lê Thị L. A. (13 tuổi, trú xã Kiên Thọ). Thời điểm này em A. ở nhà và cùng bạn đi tắm kênh. Trong lúc tắm, em bị nước cuốn trôi xuống khu vực hạ lưu. Sau nhiều giờ trôi dạt, thi thể em A. được trục vớt tại kênh mương đi qua huyện Yên Định.

Thiếu các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn

Đến sáng 5/6, thi thể em A. được tìm thấy trên kênh mương Cửa Đạt (đoạn qua xã Yên Trường, huyện Yên Định). Nhận được thông tin, người nhà đã tới nhận thi thể em để mang về an táng theo phong tục địa phương.

Không chỉ ở các địa phương ven biển, ở khu vực miền núi, nguy cơ xảy ra đuối nước cũng rất cao, nhất là tại các địa bàn có sông, suối, hồ, đập... Ngay cả với những em đã có kỹ năng bơi nhưng khi rơi vào khu vực nước sâu, nước chảy xiết, vẫn có nguy cơ tử vong do đuối nước.

Cần sự chung tay của ngành chức năng, xã hội và cả phụ huynh

Hệ lụy của đuối nước là rất lớn. Chỉ trong tích tắc gia đình mất đi một người con, người cháu, nhà trường mất đi một học sinh, xã hội mất đi một công dân tương lai đang được dày công vun đắp. Không có cảnh nào đau xót bằng “tóc trắng tiễn tóc đen” về nơi an nghỉ cuối cùng. Khoảng trống trong ngôi nhà, trong tâm hồn các em để lại mãi mãi không gì có thể lấp đầy.

Một số địa phương cho cắm biển cảnh báo ở những nơi nguy hiểm

Vào thời điểm tháng 4/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, GD&ĐT phối hợp các đơn vị tổ chức hoạt động dạy bơi an toàn, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên địa phương có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao và có nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em, giáo dục cho học sinh kỹ năng nhận biết biển cảnh báo, nguy cơ và biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước.

Các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện việc lắp đặt biển cảnh báo ở những khu vực có nguy cơ gây đuối nước, làm rào chắn đối với ao, hồ tại cộng đồng dân cư, công trình công cộng, huy động, vận động cơ quan, tổ chức xã hội và gia đình tăng cường tổ chức dạy bơi cho trẻ và trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước để bảo vệ an toàn cho trẻ em.

Cha mẹ nên chủ động đưa các con tới nơi dạy bơi

Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều bất cập trong công tác phòng, chống đuối nước hiện nay. Thiếu cơ sở vật chất, không gian vui chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh, nhất là thời điểm nghỉ hè. Buộc các em phải tự tìm đến các địa điểm, khu vực không an toàn để vận động, tắm mát.

Hầu hết hiện nay chưa có lực lượng làm công tác cứu nạn, cứu hộ tại các địa phương, nhất là cơ sở. Không chỉ thiếu nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm công tác cứu nạn, cứu hộ, mà còn thiếu thốn phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ.

Cần có cơ chế chính sách cho các cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng bể bơi, khu vui chơi trẻ em

Trong các nhà trường chưa được xây dựng, trang thiết bị hồ bơi để các em học tập, rèn luyện những kỹ năng, kiến thức về đuối nước, xuống nước an toàn. Học sinh chỉ được tiếp cận lí thuyết suông, không có điều kiện để thực hành dẫn tới lúng túng, không biết cách xử lý các tình huống khẩn cấp.

Trong khi đó, nhiều địa phương vẫn còn chưa quan tâm tới việc khảo sát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nguy cơ xảy ra đuối nước tại khu vực sông, suối, hồ, đập, bãi biển. Nhiều gia đình có ao, hồ cũng chưa quan tâm đến việc bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước cho con em mình và các hộ gia đình lân cận khác...

Sáng 6/6, tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao, UBND TP Thanh Hóa đã tổ chức lễ phát động toàn dân luyện tập môn bơi, phòng chống đuối nước và khai mạc lớp dạy bơi cho trẻ em thành phố năm 2023. Khoảng 200 học sinh trên địa bàn thành phố đã dự buổi lễ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Thanh Hóa Phạm Thị Việt Nga cho hay: Những năm qua, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tích cực thực hiện các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ. Tuy nhiên, số vụ và số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước vẫn xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh.

Từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ tai nạn thương tích làm 17 trẻ tử vong, trong đó có 7 vụ tai nạn đuối nước làm 8 trẻ tử vong.

Hiện nay tỷ lệ trẻ em biết bơi và có kỹ năng an toàn dưới nước vẫn còn thấp; sự thiếu giám sát của người lớn và sự chủ quan của bố mẹ khi để trẻ tự do vui chơi dịp hè tại những khu vực nguy hiểm như biển, sông, ao, hồ… là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đuối nước ở trẻ em. Để giảm thiểu tình trạng đuối nước và nâng cao sức khỏe cộng đồng nói chung, trẻ em nói riêng, việc phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước được thành phố quan tâm tổ chức thường xuyên.

Trong khi chờ các cơ quan chức năng, cha mẹ học sinh cần tuyên truyền, giáo dục, đầu tư công sức, vật chất cho các con em mình trang bị kiến thức, kỹ năng và đưa các con tới cơ sở dạy bơi. Để các con trải nghiệm, thực hành và tự cứu mình trước khi trở thành “ông nọ, bà kia”.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/lien-tiep-xay-ra-duoi-nuoc-dung-de-gia-nhu-380899.html