Liên tiếp xảy ra ngộ độc tập thể: Hiểm họa từ hàng rong

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận với hàng trăm nạn nhân nhập viện đều xuất phát từ hàng rong.

Đoàn công tác Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế thăm bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Mạnh Thắng

Đoàn công tác Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế thăm bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Mạnh Thắng

Hàng không rõ nguồn gốc

Chiều 15/5, các ngành chức năng tỉnh Bình Thuận vẫn đang ráo riết truy tìm nguồn gốc gây ngộ độc cho 51 khách du lịch trong đoàn khách 750 người do Công ty Du lịch Viettravel tổ chức ăn tối ngày 12/5 tại nhà hàng Hồng Vinh. Ngay sau khi sự việc xảy ra, theo yêu cầu của Công ty Du lịch Viettravel, nhà hàng Hồng Vinh đã chủ động gửi mẫu thực phẩm đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Bình Thuận đề nghị thẩm định, làm rõ nguyên nhân.

Hôm 14/5, Sở Y tế Bình Thuận làm việc với nhà hàng Hồng Vinh để xác minh thông tin liên quan, kiểm tra hồ sơ an toàn thực phẩm của nhà hàng. Nhà hàng Hồng Vinh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe cho 8/8 người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm còn hiệu lực, danh sách 8 nhân viên đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm do chủ cơ sở xác nhận, có ghi chép sổ kiểm thực 3 bước và sổ lưu mẫu thực phẩm theo quy định, có hợp đồng, chứng từ, hóa đơn mua nguyên liệu thực phẩm chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, đoàn khách của Công ty Du lịch Viettravel không chỉ ăn tối ở nhà hàng Hồng Vinh mà sau đó còn đi nhậu vào ban đêm, mua hải sản đem vào khách sạn để chế biến và ăn uống. Do đó, cơ quan chức năng phải điều tra thông tin từ nhiều nguồn, chưa thể đưa ra kết luận.

Vụ 568 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở TP. Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) ngày 1/5 đã được cơ quan chuyên môn xác định kết quả xét nghiệm, cho thấy đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.

Ngay sau khi xảy ra vụ ngộ độc khiến nhiều người nhập viện, các cơ quan chức năng đã xác minh, lấy mẫu thực phẩm tại tiệm bánh mì Cô Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP. Long Khánh) - nơi những người ăn bánh mì bị ngộ độc - để xét nghiệm. Qua kiểm tra, tiệm bánh mì này không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tiệm có 4 nhân viên phục vụ bán bánh mì nhưng đều không có giấy khám sức khỏe định kỳ, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.

Theo điều tra của các cơ quan chức năng, tiệm bánh mì Cô Băng bán bánh mì thịt, gồm bánh mì, pa-tê tự làm từ gan heo và thịt mỡ, chả lụa, thịt nguội; thịt heo, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Nguyên liệu thực phẩm được chế biến và bán tại nhà. Tiệm bán từ 6 - 9 giờ và 15 - 19 giờ, mỗi ngày bán từ 500 - 1.000 ổ bánh mì. Chủ tiệm cho biết, gia đình bán đã gần 20 năm qua. Nguồn nguyên liệu thực phẩm được lấy từ những đầu mối cung cấp ở TP Long Khánh và ngoài tỉnh. Đây là lần đầu tiên tiệm xảy ra sự cố. Công an TP Long Khánh đang điều tra, truy xuất nguồn gốc các cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm cho tiệm bánh mì.

Tại TPHCM, gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Ngày 2/5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức tiếp nhận 15 học sinh từ 7 đến 11 tuổi đang học tại 4 trường tiểu học ở TP. Thủ Đức nhập viện với biểu hiện bị ngộ độc. Các trường có trẻ nhập viện gồm: Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Lợi (8 trẻ), Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (5 trẻ), Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (1 trẻ) và Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (1 trẻ).

Qua điều tra dịch tễ ghi nhận, sáng 2/5, nhóm 15 trẻ nêu trên đã được phụ huynh cho ăn sáng với món cơm cuộn bán trước cổng trường. Sau khi ăn khoảng 2 đến 3 giờ, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nôn ói, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi, một số bé bị tiêu chảy. Một ngày sau tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4), một học sinh (bé trai 9 tuổi) phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn trưa tại trường với món mì ý sốt cà. Cùng ngày, tại Trường Tiểu học Linh Chiểu, TP Thủ Đức, một học sinh (bé gái 11 tuổi) phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói. Người nhà cho biết, trưa cùng ngày, bệnh nhi ăn tại trường món mì Ý sốt cà tại trường.

Ngày 8/5, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức tiếp nhận 19 sinh viên ở tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Trước khi phải nhập viện, các sinh viên ăn cơm tại căng tin ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM.

Cán bộ Sở Y tế tỉnh Bình Thuận kiểm tra thực phẩm tại một nhà hàng ở Phan Thiết. Ảnh: Duy Quang

Cán bộ Sở Y tế tỉnh Bình Thuận kiểm tra thực phẩm tại một nhà hàng ở Phan Thiết. Ảnh: Duy Quang

Do thời tiết nắng nóng?

Làm việc với Sở Y tế và UBND TP. Long Khánh sau khi xảy ra vụ ngộ độc do ăn bánh mì, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, chế biến thức ăn thuộc diện sản xuất, mà đã sản xuất thì phải đăng ký kinh doanh, nhân viên phải khám sức khỏe và phải được tập huấn. Ông Long yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai siết chặt công tác quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Ông Long lưu ý: “Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt trên phạm vi cả nước là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển trong các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Do đó, người chế biến thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn. Người tiêu dùng nên chọn mua, sử dụng thực phẩm của những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm và ngược lại; thận trọng đối với các thực phẩm được bày bán ngoài lề đường, bán hàng rong, nhất là những món ăn được chế biến sẵn”.

Trả lời câu hỏi của PV báo Tiền Phong về các vụ ngộ độc xảy ra trên địa bàn, bà Bùi Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Sở An toàn Thực phẩm TPHCM, cho rằng các vụ nghi ngộ độc tập thể tại TPHCM gần đây có quy mô tương đối nhỏ (dưới 30 ca). Riêng vụ việc 19 sinh viên có biểu hiện ngộ độc cấp, sau khi nhận được báo cáo, Sở đã đề nghị UBND TP. Thủ Đức khẩn trương điều tra nguyên nhân.

Về nguyên nhân khiến các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể liên tiếp xảy ra, bà Vân cho rằng, giai đoạn này TPHCM đang trong thời tiết nắng nóng, nền nhiệt độ từ 37 - 40 độ C, rất thuận lợi cho sự phát triển theo cấp số nhân của vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Trẻ em và người lớn đều dễ bị ngộ độc thực phẩm. “Các loại thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm bởi vì đây là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, không có điều kiện chuẩn để sản xuất, bảo quản thực phẩm. Các thiết bị che chắn cũng hạn chế nên rất dễ nhiễm vi khuẩn”, bà Vân nói.

Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), ngộ độc thực phẩm là khi ăn, uống nhầm thực phẩm bị nhiễm trùng (vi trùng, vi rút, nấm, ký sinh trùng…) hoặc tồn dư hóa chất. Các vi trùng gây bệnh trực tiếp hoặc sinh các loại độc tố gây hại cho cơ thể. Cả người lớn và trẻ em khi bị ngộ độc thực phẩm sẽ xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa như: nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt… hoặc bị ảnh hưởng tới các cơ quan, hệ thống như gan, thận, thần kinh, tim mạch... Tùy theo loại ngộ độc mà biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ngay sau ăn hoặc sau vài giờ đến 1-2 ngày.

DUY QUANG - MẠNH THẮNG - VÂN SƠN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lien-tiep-xay-ra-ngo-doc-tap-the-hiem-hoa-tu-hang-rong-post1637535.tpo