Liên tục ghi nhận các ca nhiễm cúm A/H1N1 trên nhiều địa phương

Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên rải rác ghi nhận các ca nhiễm cúm A/H1N1. Mặc dù, cúm A/H1N1 đã lưu hành như cúm mùa thông thường, nhưng vẫn ghi nhận trường hợp tử vong.

Đã có ca tử vong và xuất hiện nhiều chùm ca bệnh

Cuối tháng 5 vừa qua, TP.HCM đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do cúm A/H1N1. Bệnh nhân là một phụ nữ 26 tuổi, có thể trạng béo phì. Lúc khởi phát bệnh, người bệnh tự điều trị tại nhà, đến ngày 30/5 được đưa vào BV quận Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng. Đến chiều 30/5, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và tử vong cùng ngày. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.

Bên cạnh đó, tại BV Chợ Rẫy cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam bị nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng nguy kịch sau cả tuần tự trị bệnh tại nhà. Bệnh nhân 48 tuổi, hành nghề lái xe và đang mắc bệnh đái tháo đường, nhập viện trong tình trạng sốt, ho, khó thở, suy hô hấp, viêm phổi nặng.

Còn tại Đăk Lăk, chị T. vào BV Từ Dũ (TP.HCM) điều trị bệnh và có tiếp xúc với bệnh nhân khác nhiễm A/H1N1 nên được lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi từ BV Từ Dũ về Đăk Lăk thì sáng ngày 3/6, chị T. có triệu chứng quay cuồng, liên tục nôn ói, rối loạn tiêu hóa, đại tiện ra máu nên nhập viện ở BVĐK tỉnh Đăk Lăk. Chiều cùng ngày, BV Từ Dũ thông báo cho BVĐK Đăk Lăk, chị T. đã nhiễm cúm A/H1N1.

Cúm A/H1N1 diễn biến nặng với người có bệnh mạn tính: người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em…

Sau gần 2 tuần cách ly và điều trị tích cực tại Đăk Lăk, bệnh nhân Kim T. ổn định sức khỏe, không truyền bệnh cho người khác. Khi xuất hiện, trong người chị T. đã không còn cúm A/H1N1 nên không thể lây truyền cho cộng đồng.

Cách TP. HCM không xa, tại Bà Rịa Vũng Tàu cũng ghi nhận bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A/H1N1 (kết quả xét nghiệm ngày 8/6). Bệnh nhân là nam, 54 tuổi vào BV Bà Rịa trong tình trạng ho, sốt cao, sổ mũi, rát họng, người mệt mỏi, chán ăn. Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân này có đưa vợ đi khám và điều trị tại BV Từ Dũ (nơi có ổ cúm A/H1N1.

Tương tự, tại BVĐK TP. Cần Thơ, ngày 12/6 đã tiến hành cách ly 3 nhân viên y tế nghi nhiễm cúm A/H1N1 từ bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Bệnh nhân 84 tuổi nhập viện ngày 8/6, kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng của Khoa Tim mạch - những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đã có triệu chứng nghi lây nhiễm cúm A/H1N1.

Tại Vĩnh Long cũng ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Một trường hợp khi đang điều trị bệnh mạn tính thì có biểu hiện ho, sốt cao nên được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A/H1N1; một trường hợp khác được chuyển sang BVĐK TP. Cần Thơ cũng dương tính với cúm A/H1N1. Ngành y tế Vĩnh Long đã thực hiện khử trùng, cách ly bệnh nhân và dự phòng cho nhân viên y tế đúng quy định.

Cúm A/H1N1 chuyển nặng với người có bệnh mạn tính

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virut cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Cúm A/H1N1 có biểu hiện giống với triệu chứng cúm thông thường, chỉ có thể phát hiện bệnh bằng cách xét nghiệm dịch mũi, họng tại các cơ sở y tế. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.

Tuy nhiên, với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi nghi ngờ bị cúm A/H1N1 bệnh nhân phải đến ngay bệnh viện khám và điều trị kịp thời, phòng tránh trường hợp biến chứng có thể dẫn tới tử vong.

Cúm A/H1N1 cũng như các loại cúm mùa thông thường, tiến triển thường lành tính và không cần điều trị cũng có thể khỏi. Song, bệnh cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, tăng huyết áp, phổi, thận, rối loạn chuyển hóa, thiếu máu hoặc người bị suy giảm miễn dịch, người già và phụ nữ có thai.

Khuyến cáo phòng chống cúm A/H1N1

Đối với cộng đồng, để phòng chống bệnh cúm A/H1N1, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng khuyến cáo, các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 cao và biến chứng nặng gồm: trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mạn tính. Do vậy, các đối tượng này cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng cúm đã được khuyến cáo như: chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm, thường xuyên vệ sinh cá nhân, nơi ở, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp.

Nếu có triệu chứng sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị.

Thanh Loan – Hà Đạo

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/lien-tuc-ghi-nhan-cac-ca-nhiem-cum-a-h1n1-tren-nhieu-dia-phuong-n145284.html