Liệt sĩ Nguyễn Văn Y (Năm Trà) – Người anh hùng vì nước quên thân

Là một trong những người tham gia xây dựng lực lượng Công an Nhân dân ngay từ những ngày đầu tiên, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Y- Năm Trà, sinh năm 1909 tại Thạch Bích, Thanh Oai, Hà Nội đã luôn nêu cao tấm gương sáng ngời 'Vì nước quên thân, vì dân phục vụ'. Có thể nói, những chiến công vang dội cùng bao dấu ấn riêng có gắn với tên tuổi của người con trai xứ Bắc ấy trên chiến trường Khu 8 và Nam Bộ vẫn luôn được đồng bào, đồng chí nhắc nhớ và vang vọng đến ngày hôm nay.

Suốt một đời thủy chung, son sắt với Tổ quốc, với nhân dân

Sinh ra và lớn lên tại làng Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây – nay là Hà Nội, Nguyễn Văn Y – cái tên do cha mẹ ông đặt cho vốn như duyên định. Bởi tên ấy đã cùng ông vượt qua bao chặng đường gian khó trong cuộc trường chinh đánh giặc, giải phóng quê hương đất nước và hoàn thành xuất sắc bao nhiệm vụ mà Đảng và tổ chức giao phó.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Y- Năm Trà ((1909-1970))

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Y- Năm Trà ((1909-1970))

Theo một số tư liệu đã viết, thì ông Nguyễn Văn Y sinh trưởng trong gia đình nghèo có 2 anh chị em. Nhưng khi tìm hiểu tại quê hương Thạch Bích, qua lời kể của ông Nguyễn Văn Huân - cháu trưởng nội tộc nhà ông cùng nhiều cụ cao niên trong làng đã xác nhận, gia đình cụ Y thực tế có 5 anh chị em (3 trai, 2 gái). Cụ Nguyễn Văn Y - Năm Trà là con út.

Cụ Y được bố mẹ định hướng cho học hành đầy đủ. Tuy gia đình có khó khăn, nhưng bố mẹ ông vẫn dành dụm tiền bạc cho ông ra tận Hà Đông ăn học hết bậc tiểu học. Ngày ấy, Hà Đông là trung tâm đầu não của tỉnh Hà Đông (sau là tỉnh Hà Tây). Cũng tại đây, cậu bé Nguyễn Văn Y được học chữ, học làm người và học thêm bao điều hay lẽ phải ở đời; nhưng đặc biệt hơn cả là Nguyễn Văn Y đã dần được hun đúc nên ý chí và bản lĩnh riêng có của mình qua những câu chuyện kể về truyền thống quê hương, thấm đẫm qua hồn cây vía cỏ, trên từng hạt gạo, củ khoai, củ sắn mặn mòi giọt mồ hôi để rồi ông đã tìm ra được chân lý của cuộc đời mình đó là đi theo con đường cách mạng – con đường xứng đáng để ông dấn thân.

Và điểm khởi đầu cho suốt hành trình dài dấn thân của ông cũng có phần đặc biệt, khi ông chấp nhận vượt đường xa, gian khổ, hiểm nguy để vào Nam tham gia kháng chiến theo đoàn dân phu cạo mủ cao su. Hoạt động trong vỏ bọc là công nhân cạo mủ cao su, suốt từ năm 1927 trở đi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Y đã đi khắp các vùng Long Khánh - Đồng Nai, sau đó về Hóc Môn - Bà Điểm móc nối với các Đảng viên Cộng sản, để rồi chàng trai ấy được phân công hoạt động ở địa bàn miền Tây Nam Bộ.

Và cũng chính từ đây - duyên nghiệp đã đưa người thanh niên ấy gắn bó trọn đời với miền Nam gian khó mà anh dũng, kiên cường qua 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Bao chiến công hiển hách, bao công trạng rạng ngời của người sĩ quan tình báo Nguyễn Văn Y, biệt danh Năm Trà được đồng chí, đồng đội và nhân dân biết đến như một phần lịch sử của “đòn gánh Đông Tây - cửa ngõ phía Nam Sài Gòn”; gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Mỹ Tho... Nhưng rồi, sự nghiệp chưa đến ngày toàn thắng; ước nguyện cháy bỏng của ông là đến ngày độc lập, thống nhất 2 miền Nam Bắc sẽ đưa vợ con tìm về nguồn cội Thạch Bích chưa thành công thì ông đã anh dũng hy sinh trên chiến trường đánh Mỹ.

{Xin được nói thêm về gia đình người Anh hùng Năm Trà. Cụ Nguyễn Thị Loan - vợ cụ Năm Trà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, vì có chồng và một con gái đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vợ chồng cụ Năm Trà có 5 người con, 3 trai 2 gái. Trong đó, một người con trai chết trẻ; một người con gái hy sinh, còn 3 người con đều công tác và trưởng thành trong lực lượng CAND}

Cho đến khi tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND do Chủ tịch nước truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Y, nguyên Quyền Trưởng ban An ninh Khu Trung Nam Bộ (tức Khu 8), nhiều người mới có dịp được biết thêm về những thành tích đặc biệt xuất sắc của ông. Trong đó có chiến công gắn với tuyến đường “quá cảnh” trên bộ đầy huyền thoại, góp phần hết sức quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Và cái tên Năm Trà mà đồng chí, đồng đội và nhân dân miền Tây sông nước dành cho ông giờ đây càng trở nên thân thuộc, gần gũi hơn bao giờ hết, dù người chiến sĩ An ninh quả cảm này đã anh dũng ngã xuống cùng đồng đội cách đây tròn nửa thế kỷ …

Những chiến công oanh liệt

Cuộc đời cách mạng của Anh hùng LLVTND, liệt sĩ Nguyễn Văn Y - Năm Trà gắn liền với những chiến công oanh liệt. Quá trình hoạt động cách mạng, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã trực tiếp chỉ đạo công tác tình báo, phá hàng loạt vụ án quan trọng do bọn gián điệp của Pháp và Mỹ làm chủ mưu.

Còn nhớ, năm 1948, ông được bổ nhiệm Phó Trưởng ty Công an tỉnh Mỹ Tho, lúc đó đồng chí Mai Chí Thọ là Trưởng ty. Năm 1949, ông tổ chức đột kích vào “Khu Quốc gia”. Nhờ có lực lượng Công an xung phong trá hàng làm nội ứng, ta đã bắt gọn bọn tình báo Phòng nhì Pháp ở Phú Mỹ, thu toàn bộ vũ khí và tài liệu, tang vật quan trọng ngay trong vùng địch kiểm soát.

Sau vụ án này, ông còn trực tiếp chỉ huy phá một điệp vụ lớn khác, mang tên “Ban địa hình Nam bộ”. Tổ chức “Ban địa hình Nam bộ” do Tư lệnh lực lượng vũ trang kháng chiến Nam bộ thành lập với nhiệm vụ xây dựng cơ sở bí mật vùng địch chiếm để thu thập tài liệu, vẽ sơ đồ địa hình bố phòng quân sự của địch.

Thế nhưng, tình báo Phòng nhì Pháp đã âm mưu cài người vào “Ban địa hình Nam bộ” với ý đồ lái hoạt động sang hướng khác. Chúng cướp của, giết người, thủ tiêu cán bộ cao cấp trong vùng căn cứ, làm mất lòng tin, gây rối nội bộ và tổ chức.

Sau khi điều tra, làm rõ được âm mưu của địch, ông Năm Trà đã dùng chiến thuật “Rung chà - cá nhảy”, ém quân chờ địch tại các điểm xung yếu rồi bắn tin đánh động. Bọn phản bội hoang mang tưởng đã bị lộ, chúng dùng thuyền máy mang toàn bộ tài sản cướp được và cả vũ khí chạy ra hàng địch thì lọt vào ổ phục kích của ta.

Trong trận này, ta tóm gọn 20 tên địch cùng đầy đủ tang vật vũ khí, tài liệu và tiền bạc do chúng cướp được trong nhân dân. Sau đó, Tòa án Quân sự đặc biệt đã tuyên án tử hình 5 tên cầm đầu và phạt tù 6 tên khác. Phá vụ án “Ban địa hình Nam bộ” là một dấu son xây dựng niềm tin vững chắc của nhân dân đối với cách mạng, góp phần củng cố lực lượng CAND trong những năm đầu mới thành lập.

Năm 1951, ông Năm Trà làm Trưởng Ty Công an Mỹ Tho; Năm 1952, ông được phân công là Phó Ban Kiểm soát của Sở Công an Nam bộ. Cũng trong thời gian này, ông đã tổ chức Hội nghị Liên ty Công an Long Châu Sa (Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc) và Mỹ Tho (Tân Mỹ Gò), chỉ đạo cụ thể việc chấn chỉnh các ban chuyên môn của Công an 2 tỉnh này. Rồi sau đó, ông được cử giữ chức vụ Trưởng ty Công an tỉnh Long Châu Sa.

Từ tháng 1/1961 cho đến ngày hy sinh, ông giữ các nhiệm vụ: Phó Ban An ninh Khu 8, Quyền Trưởng Ban An ninh Khu Trung Nam bộ. Giai đoạn này, ông đã lập được nhiều thành tích xuất sắc. Nổi bật là đã chỉ đạo xây dựng và bảo vệ vững chắc khu căn cứ cách mạng Khu 8, với quan điểm “căn cứ cách mạng ở trong lòng dân”.

Song có lẽ chiến công điển hình nhất, nổi bật nhất là chuyến đưa vũ khí về miền Nam phục vụ chiến đấu, khi ông được Khu ủy Khu 8 giao nhiệm vụ khôi phục nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chiến công ấy đã góp phần làm nên những chiến thắng vang dội, trong đó có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968. Trong cuộc Tổng tiến công này, ông Năm Trà được Ban An ninh Trung ương Cục ủy nhiệm phụ trách 1 trong 6 đoàn trinh sát an ninh về Sài Gòn - Chợ Lớn phối hợp tổng tấn công giải phóng Sài Gòn.

Ngày 12/5/1970, AHLL VTND Năm Trà khi ấy là quyền Trưởng Ban An ninh Khu Trung Nam bộ; Phó Chỉ huy trưởng mặt trận mở rộng căn cứ ở Campuchia và 3 đồng chí của mình đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Đồng Tháp.

50 năm sau ngày ông Năm Trà hy sinh, những chiến công nổi bật ấy được ghi lại một cách trang trọng trong lịch sử Công an tỉnh Tiền Giang. Trong những chiến công ấy, bài học về xây dựng “căn cứ cách mạng ở trong lòng dân” đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Quê hương nghĩa nặng tình sâu và mong muốn Ngôi nhà Lưu niệm

Có thể nói, gần 40 năm sau ngày mất của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Y, quê hương Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội mới được biết đến tên tuổi của ông. Người cháu ruột trong nội tộc của ông là ông Nguyễn Văn Huân cho biết, từ năm 2010, khi con trai của cụ Năm Trà (từ Mỹ Tho) tìm về và qua chắp nối thông tin, lúc này gia đình, quê hương mới biết tới cụ. Ngay sau đó, gia đình chúng tôi thống nhất và xin phép chính quyền để tập trung xây dựng Ngôi nhà Lưu niệm về cụ. Ý tưởng này đã được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thanh Oai; Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân xã Bích Hòa đồng tình ủng hộ.

Đại diện gia đình cụ Năm Trà ở Thạch Bích trao đổi với phóng viên THĐV về tiến độ thi công Nhà lưu niệm

Mặc dù lúc đầu có những trục trặc, do chưa có quy định cụ thể của Pháp luật về cấp đất xây dựng Nhà lưu niệm; nhưng nay, gia đình ông Huân đã mua và làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng của mảnh đất 500 mét vuông ở xứ Đồng Ngảy, cạnh Nhà văn hóa thôn Thượng - Chính là nơi sinh ra người Anh hùng Năm Trà, để làm Nhà lưu niệm. Diện tích này đã được UBND Tp Hà Nội phê duyệt (tại Quyết định số 531/QĐ-UBND ngày 03/12/2019 do Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký).

Tuy vậy, ý tưởng, nguyện vọng xây dựng Nhà lưu niệm cho Cụ là tốt, được cả chính quyền xã, huyện cùng vào cuộc. Song tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng Dự án đầu tư XD Khu lưu niệm Anh hùng Năm Trà cả năm qua vẫn chỉ là nhúc nhích ban đầu. Chúng tôi rất sốt ruột, ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch UBND xã Bích Hòa chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Huân - Đại diện gia đình cụ Năm Trà chia sẻ: Chúng tôi rất mong muốn được các cấp chính quyền đẩy nhanh tiến độ; và nếu ý nghĩa nhất là vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Công an Nhân dân (19/8/1945* 2020) Khu nhà Lưu niệm của Anh hùng Năm Trà được khởi dựng đúng với nguyện vọng của quê hương.

Ông Nguyễn Văn Huân - Cháu trưởng tộc gia đình cụ Năm Trà tại quê hương Thạch Bích, xã Bích Hòa

Mong rằng nguyện vọng chính đáng trên của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Bích Hòa sớm được chính quyền thành phố Hà Nội quan tâm giải quyết thỏa đáng trong thời gian sớm nhất.

Trần Miêu

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/liet-si-nguyen-van-y-nam-tra-nguoi-anh-hung-vi-nuoc-quen-than-n19693.html