Liệu chính biến tại Kazakhstan có tác động tới không gian 'hậu Xô Viết'?

Ngày 9-6 vừa qua, Chính phủ Kazakhstan đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Tổng thống với chiến thắng thuộc về ông Kassym Tokayev (nguyên Chủ tịch Thượng viện) với 70,96% số phiếu ủng hộ. Trước đó, ngày 19-3, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev tuyên bố từ chức sau gần 30 năm cầm quyền, mở đường cho cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn. Hai sự kiện trên là những bước khởi đầu của quá trình chuyển giao quyền lực tại Kazakhstan, dự kiến sẽ còn kéo dài trong một vài năm tới.

Kịch bản chuyển giao quyền lực

Tổng thống Nursultan Nazarbayev sinh năm 1940, từng là một công nhân thép và thành viên ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô. Chính trị gia 79 tuổi lên nắm quyền ở quốc gia Trung Á giàu dầu mỏ và khí thiên nhiên này từ năm 1989 khi đất nước Kazakhstan vẫn đang là một phần của Liên Xô. Ông trở thành Tổng thống duy nhất của nước này kể từ năm 1991 cho tới khi tuyên bố từ chức ngày 19-3 vừa qua.

Ông là nhà lãnh đạo cuối cùng của thời kỳ Liên Xô còn tại vị và giám sát những cải cách thị trường rộng lớn và vẫn duy trì sự ủng hộ rộng rãi ở đất nước 18 triệu dân này. Trong khối Liên Xô cũ gồm 15 quốc gia trước đây, ông Nazarbayev là nhà lãnh đạo duy nhất duy trì quyền lực lầu dài nhất trong ba thập kỷ.

Trang Sky News cho hay, ông Nazarbayev được ghi nhận đóng góp trong việc giữ hòa bình và ổn định trong nước; giúp thu hút hàng tỷ USD đầu tư từ các công ty năng lượng nước ngoài cho đất nước giàu tài nguyên này, được đánh giá là lãnh đạo thành công nhất của Kazakhstan cũng như trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Ông Nazarbayev bất ngờ tuyên bố từ chức hôm 19-3-2019 (Nguồn: Getty Images)

Kể từ khi nắm quyền, ông Nazarbayev đã thắng cử trong 5 cuộc bầu cử với kết quả gần như áp đảo. Trong đó, hai cuộc bầu cử gần đây nhất, ông giành ít nhất 95% số phiếu bầu. Trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 5 năm 2015, ông Nazarbayev đã giành được 97,7% số phiếu. Trong nhiệm kỳ của ông, Kazakhstan đã dần thay đổi nhiệm kỳ tại vị của tổng thống. Các nhiệm kỳ từng là 7 năm sau đó được thay đổi vào năm 2007 rút ngắn còn 5 năm.

Việc từ chức của Tổng thống Kasakhstan N. Nazarbayev được nhận định rằng đã lên kế hoạch từ trước, xuất phát từ các lý do sau:

Thứ nhất, vấn đề tuổi tác không cho phép ông Nazarbayev tích cực hoạt động và xử lý công việc, hiện ông đã 79 tuổi. Cái chết bất ngờ của Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov ngày 29-8-2016, chưa kịp chuyển giao quyền lực cho người phù hợp, đã khiến ông Nazarbayev chủ động lên kịch bản chuyển giao quyền lực từ sớm để bảo vệ di sản chính trị sau gần 30 năm cầm quyền.

Thứ hai, Kazakhstan đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế - xã hội tiêu cực (nền kinh tế quá phụ thuộc vào dầu mỏ, nguyên liệu thô; giảm phát do tác động của biến động giá dầu, lệnh trừng phạt Nga của Mỹ/phương Tây...), đã trở thành bài toán nan giải đối với ông Nazarbayev. Gần đây, trong xã hội Kazakhstan đã bắt đầu gia tăng tâm trạng bất mãn. Điển hình là vào ngày bầu cử Tổng thống 9-6 vừa qua, Cơ quan An ninh nước này đã bắt giữ gần 1.000 người biểu tình gây rối.

Bà Dariga Nazarbayeva (áo hồng), trong cương vị Phó Thủ tướng, tháp tùng cha là Tổng thống Nazarbayev (thứ hai từ trái sang) trong chuyến thăm Vương quốc Anh hồi tháng 4-2015 (Nguồn: BBC)

Thứ ba,là cách "hạ cánh mềm" khôn ngoan của ông Nazarbayev, giúp tránh những tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Năm 2017, Kazakhstan đã đứng ra tổ chức thành công định dạng Astana (với sự tham gia của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran), góp phần giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Syria, điều đó cũng khiến Mỹ không hài lòng.

Việc Tổng thống tạm quyền Tokayev giành được chiến thắng tuyệt đối là do: (1) Luôn thể hiện sự "trung thành tuyệt đối" với Đảng cầm quyền Nur Otan và ông Nazarbayev; nhận được sự hậu thuẫn tích cực từ người tiền nhiệm. (2) Từng là nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm, có uy tín và được người dân đánh giá cao trong thời gian đảm nhiệm các chức vụ Ngoại trưởng, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viên. (3) Có cương lĩnh, chương trình và bộ máy vận động tranh cử vượt trội so với 6 ứng viên còn lại, cũng như có những biện pháp cứng rắn đối với các cá nhân, đảng phái đối lập và khai thác hiệu quả hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng và kiểm soát không gian mạng nhằm chủ động định hướng dư luận, hạn chế sự tác động từ bên ngoài.

Chiến thắng của ông Tokayev được nhận định là nằm trong kịch bản "chuyển giao quyền lực" mềm của ông Nazarbayev. Trước đó, ông Nazarbayev đã có những bước đi để dọn đường cho toan tính của mình: (1) Tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 2017, theo đó, giảm một số quyền hạn của Tổng thống và giữ nguyên quy chế "Tổng thống đầu tiên - Lãnh tụ dân tộc" (Elbasy). (2) Loại bỏ các nhân vật cấp cao bất đồng quan điểm với Đảng Nur Otan và cá nhân ông Nazarbayev. (3) Tuyên bố từ chức nhưng vẫn đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như Chủ tịch Hội đồng An ninh (có quyền phủ quyết các quyết sách về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại), Chủ tịch Đảng cầm quyền Nur Otan và thành viên Hội đồng Hiến pháp Kazakhstan. (4) Đề cử ông Tokayev làm Tổng thống tạm quyền; tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn (đáng lẽ cuộc bầu cử chính thức phải vào tháng 4-2020 khi ông Nazarbayev hết nhiệm kỳ) và cho phép ứng cử viên nữ D. Espaeva của Đảng Ak zol tham gia để thăm dò phản ứng dư luận về việc này. (5) Bổ nhiệm con gái (bà Nazarbayeva) lên làm Chủ tịch Thượng viện vào ngày 20-3-2019.

Cuộc bầu cử Tổng thống Kazakhstan năm 2019 nhiều khả năng chỉ là bước khởi đầu trong tiến trình hình thành một hệ thống chính trị mới thời hậu Nazarbayev. 2019-2024 là giai đoạn "Chính quyền hai Tổng thống" (hay còn gọi là Lưỡng đầu chế, ông Nazarbayev theo quy chế là Tổng thống đầu tiên - Lãnh tụ dân tộc, còn ông Tokayev là Tổng thống đương nhiệm) tạo dựng các điều kiện thiết lập cấu trúc chính trị mới cho Kazakhstan như thay đổi Hiến pháp, lãnh đạo trong bộ máy chính trị... tạo bước đệm cho việc chuyển giao quyền lực cho bà Nazarbayeva.

Trước đó, năm 2017, Kazakhstan đã tuyên bố chuyển dần sang thể chế Cộng hòa - Nghị viện. Nếu thành công, bà Nazarbayeva đang là Chủ tịch Thượng viện, có thể được đưa lên làm Thủ tướng Kazakhstan - người đứng đầu nhà nước.

"Chính quyền hai Tổng thống": Ông Nazarbayev theo quy chế là Tổng thống đầu tiên - Lãnh tụ dân tộc, còn ông Tokayev là Tổng thống đương nhiệm

Phương án hiện nay là quyền lực song song, nếu không thay đổi Hiến pháp thì cả ông Tokayev và bà Nazarbayeva sẽ tạo ra các trung tâm ảnh hưởng lớn riêng. Theo dự kiến, trong 6 tháng tới, Kazakhstan sẽ bầu cử Hạ viện trước thời hạn nhằm hoàn thiện mô hình chính trị trung gian và bắt đầu cải tổ cấu trúc. Tổng thống đắc cử Tokayev tiếp tục thực hiện đường lối của người tiền nhiệm và chịu kiểm soát của ông Nazarbayev. Những thay đổi căn bản của hệ thống chính trị Kazakhstan sẽ chỉ diễn ra sau năm 2024 khi nhiệm kỳ của ông Tokayev kết thúc và ông Nazarbayev ở tuổi 85. Khi đó, bà Nazarbayeva sẽ lên cầm quyền, nắm chắc đòn bẩy kinh tế chính trị của Kazakhstan nhằm bảo toàn di sản của cha mình.

Tác động tới khu vực

Quá trình chuyển giao quyền lực tại Kazakhstan có thể tác động tới xu hướng nhân sự lãnh đạo ở Nga và một số nước SNG, bởi:

Thứ nhất, truyền thống của các nước Liên Xô cũ là theo hướng “lãnh đạo trọn đời”. Chẳng hạn, tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin cầm quyền liên tục, giữ cả chức Tổng thống và Thủ tướng từ năm 1998 đến nay; dù đã từng chuyển giao quyền lực cho ông Dmitry Medvedev (nhiệm kỳ 2008-2012). Tại Belarus, Tổng thống Lukashenko cầm quyền từ năm 1994; tại Tadjikistan, Tổng thống Rahmon cũng cầm quyền từ năm 1994; tại Uzbekistan, Tổng thống Karimov cầm quyền từ năm 1989 đến khi đột ngột từ trần năm 2016; tại Azerbaijan, Tổng thống Aliyev cầm quyền từ năm 2003 đến nay…

Thứ hai, tình hình kinh tế các quốc gia SNG trong không gian hậu Xô viết đang ngày càng giảm sút do gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế Nga đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận, mức sống của người dân ở mức thấp sẽ dẫn đến bất mãn, đòi hỏi thay đổi bộ máy cầm quyền. Bản thân lãnh đạo các quốc gia này cũng cần tính toán quá trình chuyển giao quyền lực một cách êm thấm, duy trì được đường lối, định hướng phát triển đất nước, giống như trường hợp của ông Nazarbayev.

Thứ ba, đã từng có tiền lệ tại Tadjikistan: Năm 2016, Quốc hội nước này đã sửa đổi Hiến pháp để Tổng thống Rahmon có thể tái ứng cử không thời hạn (được trao quyền Tổng thống trọn đời); hạ độ tuổi ra tranh cử Tổng thống xuống còn 30 nhằm mở đường cho con trai là Emomali (tháng 12-2019 tròn 31 tuổi) có thể lên thay ông "nhiếp chính".

Một số chính khách cho rằng, cách thức ông Nazarbayev thực hiện chuyển giao quyền lực giống với trường hợp ông Lý Quang Diệu năm 1990, bởi khi tiếp nhận chức vụ Thủ Tướng ông Ngô Tác Đống (lúc đó mới 49 tuổi) được cho là người “ngồi cho ấm ghế”; ông Lý Quang Diệu là Cố vấn cấp cao của Singapore, tham mưu nhiều đường hướng phát triển cho đất nước. Đến năm 2004, Ngô Tác Đóng đã chuyển giao quyền lực cho Lý Hiển long (con trai Lý Quang Diệu). Theo giới chuyên gia dự báo, việc chuyển giao quyền lực tại Kazakhstan có thành công thực sự hay không còn phụ thuộc vào uy tín của ông Nazarbayev, con gái Dariga; và sự trung thành của ông Tokayev.

Nhất Tuệ (Theo Topwar, Carnegie, RISS)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/lieu-chinh-bien-tai-kazakhstan-co-tac-dong-toi-khong-gian-hau-xo-viet/815871.antd