Liệu có xóa được kinh doanh hoa quả vỉa hè?

(CLO) Hà Nội vừa phê duyệt Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội” với mong muốn người dân được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời xóa bỏ tình trạng bán hàng rong tại vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, từ chủ trương đến thực hiện sẽ có nhiều khó khăn, thậm chí khó khả thi.

Khó quản lý, vướng kiểm soát

Đề án của Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2017, 100% cửa hàng bán trái cây trên địa bàn các quận nội thành có đăng ký kinh doanh theo quy định; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm lưu giữ được trái cây tươi, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Phấn đấu hết năm 2018 đạt 100% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu nhận diện và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng…

Tiến tới xây dựng hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn trên toàn TP… Phấn đấu trong năm 2018, kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về an toàn thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trong các quận nội thành.

Bên cạnh đó, một loạt quy định nhằm kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của từng loại trái cây tại các cửa hàng kinh doanh trái cây cũng sẽ được áp dụng. Chẳng hạn, đối với mỗi lô hàng trái cây mua vào, cửa hàng kinh doanh phải lập dữ liệu thông tin về tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp; nếu cơ sở mua trái cây từ các đơn vị được chứng nhận VietGap, Globalgap phải có giấy chứng nhận còn hiệu lực…

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trái cây của Hà Nội còn tồn tại, bất cập. Điều này dẫn đến việc quản lý, truy xuất nguồn gốc trái cây cho tới thời điểm này là khó kiểm soát được. Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, hiện có 3 nhóm kinh doanh trái cây gồm: Các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng lớn chuyên kinh doanh trái cây; các chợ đầu mối, chợ dân sinh và các cá nhân bán hàng trên vỉa hè, lòng đường. Trong đó, xác định nhóm khó đưa vào quản lý nhất là nhóm thứ ba do những người tham gia bán hàng đều là lao động nông nhàn từ các tỉnh…

Các địa điểm bán hàng trái cây dứt khoát phải được đưa vào trong nhà, không bày bán ra vỉa hè cũng như bán rong. (Ảnh: internet)

Ngoài ra, lượng lớn trái cây nhập khẩu về Hà Nội được vận chuyển bằng nhiều phương thức khác nhau dẫn đến việc quản lý kinh doanh trái cây gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, các sản phẩm trái cây tươi không phải ghi nhãn hàng hóa và thực hiện thủ tục công bố hợp quy, phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Cấm bán hoa quả lòng đường, vỉa hè: khó khả thi

Nhiều ý kiến cho rằng, nhóm đối tượng quản lý khó nhất là những người bán hàng rong, các hộ kinh doanh cá thể ở vỉa hè. Vì thế, trước mắt nên siết chặt quản lý và làm thí điểm ở những đối tượng này. Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề nghị, nên thực hiện thí điểm việc chuẩn hóa tại một số cửa hàng bán lẻ, sau đó tổ chức thực hiện đồng loạt ở các quận nội thành.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, các địa điểm bán hàng trái cây dứt khoát phải được đưa vào trong nhà, không bày bán ra vỉa hè cũng như bán rong. Trước mắt, TP thí điểm tăng cường quản lý đối với các cửa hàng trái cây trên các tuyến phố, khu dân cư tại các quận nội thành để rút kinh nghiệm. Khi việc thực hiện thí điểm có hiệu quả thì thành phố sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này.

Qua khảo sát của Sở Công Thương Hà Nội tại 12 quận của Hà Nội cho thấy, có 175 tổ chức và 300 cá nhân hoạt động kinh doanh trái cây trên các tuyến phố và khu dân cư. Hình thức kinh doanh bán buôn có 10 cửa hàng, chiếm 2,1%; bán lẻ 464 cửa hàng, quầy hàng chiếm 97,9%. 30% các cửa hàng có tủ bảo quản trái cây, 50% cửa hàng có giá, kệ bày trái cây; còn lại cơ bản các cửa hàng dùng sạp bày bán trái cây.

Người bán trái cây cơ bản chưa có đầy đủ kiến thức thực hành đảm bảo ATTP trong kinh doanh cũng như bảo quản trái cây…Đó là chưa kể số lượng lớn người bán hàng rong trên vỉa hè, dưới lòng đường, trên xe máy, xe đạp hoặc tại các khu đất công dưới dạng các gian hàng lợp tạm, dựng ô tạm… Do không có tủ để bảo quản nên các loại trái cây thường được sử dụng các hóa chất cấm để tạo độ tươi lâu, ít bị thối… ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sử dụng hoa quả có nguồn gốc xuất xứ, hoa quả sạch là niềm mong mỏi của hàng triệu người tiêu dùng Thủ đô, bởi tình trạng hoa quả bày bán ở vỉa hè không nguồn gốc, xuất xứ, không biết chất lượng đã và đang khiến nhiều người e ngại. Tuy vậy, dư luận vẫn thấy có những lo ngại và thiếu sự lạc quan vào đề án mới này.

H.V

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/lieu-co-xoa-duoc-kinh-doanh-hoa-qua-via-he/